Báo động nhiều cầu lớn Hà Nội xuống cấp, mất ATGT

Một số cầu lớn ở Hà Nội như: Thanh Trì, Chương Dương, Thăng Long... đang có dấu hiệu xuống cấp, mặt cầu xuất hiện những vệt 'sống trâu', gây mất ATGT cho người tham gia giao thông...

Cầu Thanh Trì đang xuống cấp gây mất ATGT cho các phương tiện giao thông

Cầu trọng điểm xuất hiện “sống trâu”

Ngày 19/8, trực tiếp lưu thông trên cầu Thanh Trì, một trong những cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng của Hà Nội, ghi nhận của PV Báo Giao thông, một số vị trí bề mặt cầu đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các khu vực khe co giãn.

Cầu Thanh Trì có tất cả 28 khe co giãn nhưng quan sát cho thấy, công tác duy tu, bảo trì dường như mới chỉ được tiến hành tại các khe co giãn khu vực giữa cầu. Còn lại, ở hai bên đầu cầu đều có dấu hiệu xuống cấp xong vẫn chưa được các đơn vị quản lý duy tu, sửa chữa. Trong đó, vị trí khe co giãn đối diện khu vực xưởng sản xuất đồ gỗ Đông Dương (hướng Long Biên) còn xuất hiện tình trạng bong tróc. Mối nối khe co giãn ở vị trí phân tách giữa làn ô tô và xe máy nhô lên cao so với mặt đường.

Theo Tổng cục Đường bộ VN, để thực hiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đơn vị này đã liên hệ với chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình thực tế. Hiện, tổng cục đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) cho phía Nga để nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ. Trong khi chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia Nga, Cục Quản lý đường bộ I tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mặt cầu.

Ở hướng về quận Hoàng Mai, các lớp cao su của khe co giãn đầu tiên trong làn ô tô cũng méo mó, thậm chí bị sụt sâu. Mỗi lần xe tải, đặc biệt là xe container đi qua lại tạo thành tiếng ma sát lớn giữa bánh xe và bản mặt khe co giãn rung lên bần bật.

Cùng đó, 4 khe co giãn ở đầu cầu phía quận Hoàng Mai cũng bắt đầu xuống cấp khi những vết bong tróc xuất hiện diện tích ngày một lớn. Trong đó, xuất hiện một khe co giãn nham nhở ổ gà, dù đã có dấu hiệu sửa chữa nhưng những mảng asphalt chắp vá nhanh chóng bị các phương tiện lưu thông đánh bật, trơ ra những thanh cốt thép trên mặt đường.

Đáng chú ý, bề mặt làn đường ô tô cầu Thanh Trì (hướng Long Biên) còn đang xuất hiện một “sống trâu” khá dài, ép phần mặt đường dồn lên, tạo thành những đoạn gờ nhô cao. Theo một số tài xế, vệt “sống trâu” này xuất hiện trong một thời gian dài. Ban ngày, các xe có thể nhận biết để tránh, nhưng ban đêm, nhiều lái xe không để ý hoặc có tầm nhìn kém rất dễ giật mình, đảo lái tránh né, rất nguy hiểm.

Một cây cầu lớn khác là Chương Dương, tình trạng xuống cấp cũng đang xảy ra đối với hai bên làn đường dành cho xe máy. Trực tiếp lưu thông ở những làn đường này, quan sát của PV cho thấy bề mặt cầu đang xuất hiện chỗ “lồi” chỗ “lún” do đơn vị duy tu chỉ vá víu qua loa khiến các phương tiện thường xuyên phải luồn lách để tránh đâm phải. Đặc biệt, ở làn xe hướng Long Biên - Hoàn Kiếm xuất hiện ngày càng nhiều những mảng bê tông vỡ vụn, loang lổ, lún sâu so với mặt đường chuẩn khiến những chiếc xe máy lưu thông trên cầu lúc nào cũng trong trạng thái “long sòng sọc”.

Tương tự với cầu Long Biên, thời gian qua, dù đã được cơ quan chức năng đầu tư nâng cấp, sửa chữa song thời điểm hiện tại, lưu thông trên hai làn đường dành cho phương tiện thô sơ. Không ít người cảm thấy rùng mình với những ổ gà trơ cốt sắt, có thể nhìn xuyên từ mặt cầu xuống nền đất phía dưới, những gờ đường cao lên hàng chục phân so với nền đường ở làn hướng Hoàn Kiếm - Long Biên. Ở làn đường ngược lại (hướng về Hoàn Kiếm), khó khăn các phương tiện gặp phải lại là những vết hằn lún thành vũng.

Nghiêm trọng hơn là cầu Thăng Long. Sau nhiều lần sửa chữa, gần đây, mặt cầu đang xuống cấp, hư hỏng trên diện rộng. Theo Sở GTVT Hà Nội, căn cứ vào hiện trạng hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên 5 dàn thép của cầu chính cầu Thăng Long là rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc sửa chữa các hư hỏng mặt cầu, thảm bê tông nhựa trực tiếp trên mặt cầu thép của cầu chính đòi hỏi kỹ thuật, chịu sự rung lắc của cầu khi khai thác, công nghệ phức tạp, phải được nghiên cứu và sử dụng công nghệ phù hợp.

Sẽ khắc phục ngay trong năm 2018

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hàng năm, đơn vị đều có các đợt đi kiểm tra, rà soát chất lượng cầu. Việc một số cầu xuống cấp, đơn vị sẽ đề xuất với Sở GTVT Hà Nội có kế hoạch đầu tư, tổ chức đấu thầu thực hiện sửa chữa. Ông Hồng cho biết, sẽ yêu cầu Công ty Công trình giao thông Hà Nội cùng với Ban cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra chất lượng các cầu để kịp thời khắc phục ngay.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội cũng thừa nhận, hiện cầu Thanh Trì, Chương Dương đang có dấu hiệu xuống cấp. Theo bà Thủy, trong năm 2017, đơn vị đã sửa chữa mặt đường, cầu bị trồi lún, tạo thành sống trâu trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3. Tuy nhiên, do lượng phương tiện lưu thông qua cầu có mật độ cao nên cầu nhanh xuống cấp. Do vậy, công tác duy tu, sửa chữa được đơn vị tiến hành thường xuyên.

Về phương án sửa chữa, bà Thủy thông tin, đối với cầu Thanh Trì, Sở GTVT Hà Nội đã có dự án cải tạo chống xuống cấp trị giá 25 tỷ đồng. Theo đó, ngay trong năm 2018 sẽ sửa chữa 6 khe co giãn, các vệt trồi lún trên mặt cầu đã được phê duyệt.

Với cầu Chương Dương, theo bà Thủy, Sở GTVT Hà Nội đã có kế hoạch sửa chữa trong năm nay. “Chúng tôi sẽ vá toàn bộ ổ gà trên cầu Chương Dương. Còn khe co giãn trên cầu Thanh Trì Sở GTVT Hà Nội đã có kế hoạch sửa chữa trong năm nay”, bà Thủy khẳng định.

Liên quan đến việc sửa chữa cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 3 phương án xử lý. Theo đó, phương án 1 sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu để tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng; khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây. Phương án 2 được Tổng cục Đường bộ đề xuất là chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải. Với phương án 3, sẽ cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa).

Lê Tươi - Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bao-dong-nhieu-cau-lon-ha-noi-xuong-cap-mat-atgt-d269386.html