Báo động phân bón giả, kém chất lượng hoành hành vùng đất lúa ĐBSCL

Chỉ sau vài đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng.

ĐBSCL đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng lúa với khoảng 1,6 triệu ha đất lúa được canh tác thường xuyên, nhu cầu phân bón của bà con vùng vựa lúa lên đến vài trăm ngàn tấn mỗi vụ.

Tại “rốn lúa” đang có hàng trăm nhãn hiệu phân bón khác nhau, tuy nhiên, chất lượng phân bón rất tệ. Vừa qua, một số tỉnh thành vùng ĐBSCL thực hiện siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp (VTNN) nói chung và phân bón nói riêng. Chỉ sau vài đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng.

Trà Vinh được xem là tỉnh quyết liệt với nạn phân giả, kém chất lượng nhất tại “Vùng đất lúa”. Trong 3 năm qua, Sở Công Thương tỉnh này đã lấy 158 mẫu để kiểm tra, phát hiện 69 mẫu phân bón giả, kém chất lượng. Theo đánh giá của ngành Công Thương, cứ 10 mẫu phân có khoảng 4 mẫu không đạt. Phân bón giả, kém chất lượng chiếm tới hơn 40 % các mẫu đã lấy.

Phân bón giả, kém chất lượng chiếm tới hơn 40 % các mẫu đã lấy.

Phân bón giả, kém chất lượng chiếm tới hơn 40 % các mẫu đã lấy.

Mới đây, Trà Vinh thực hiện thêm đợt ra quân “quét” lại thị trường phân bón và thực tế vẫn còn nhan nhản phân giả, kém chất lượng tồn tại trên thị trường.

Ông Dương Minh Thông, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương Trà Vinh cho biết, đoàn công tác đã kiểm tra 1 công ty và 31 cửa hàng VTNN. Có 13 mẫu phân bón được lấy gửi đi kiểm nghiệm, kết quả có 5 mẫu phân sai phạm. Đáng nói, có hai mẫu phân không có giá trị sử dụng (có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70%.

Đánh giá về thực trạng phân bón trên địa bàn tỉnh mình, ông Thông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hình thức xử phạt phân giả hiện chưa đủ sức nặng. “Chế tài xử phạt phân giả chưa đủ sức răn đe. Phân kém chất lượng bị xử phạt cao hơn so với phân giả đang là điều bất cập”, ông Thông chỉ rõ.

Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, Đoàn liên ngành 389 đã 2 lần ra quân lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng phân bón vô cơ. Kết quả, phát hiện 25 mẫu phân sai phạm. Đặc biệt, có những cửa hàng VTNN không màng tới đạo đức trong kinh doanh, bán cùng lúc 2 – 3 mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu tại Cửa hàng VTNN Yến Nhi (ấp Mỹ Phú, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long) cho thấy, đại lý này kinh doanh cùng lúc 3 sản phẩm phân bón không đạt tiêu chuẩn, gồm: Phân bón cao cấp 20-15-5+TE (của Công ty TNHH Sản xuất Phân bón Nông Phát, ĐC: Số 58 Đình Nghi Xuân, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) chỉ đạt 80,75% so với chất lượng đã công bố (phân kém chất lượng).

Bên cạnh đó, cơ sở này còn kinh doanh thêm 2 loại phân bón giả, không có giá trị sử dụng của Công ty phân bón An Phú Thịnh (Số 24, đường 42, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) là phân dạng viên 1 màu 32-10-10+TE và phân dạng viên 1 màu 17-17-17+TE.

Theo ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long, trong quá trình đi sâu vào thị trường phân bón, cơ quan chức năng tỉnh này còn phát hiện thực trạng: Đại lý cung ứng VTNN còn “bắt tay” với nhà sản xuất, đặt hàng làm các sản phẩm phân kém chất lượng cung ứng ra thị trường. “Có hiện tượng đại lý “đi đêm” với nhà sản xuất, đặt hàng nhà sản xuất làm phân bón kém chất lượng”, ông Phương chỉ rõ.

Phân tích thực trạng này, ông Phương cho rằng, để sản xuất ra một mặt hàng phân chất lượng như nhau, về cơ bản giá cả chênh lệch không đáng kể. Khi các nhà sản xuất xuống chào mời sản phẩm, chỉ cần nói đến vấn đề giá cả, đại lý đã có thể đánh giá được chất lượng đến mức nào. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận và cạnh tranh giành khách hàng, đại lý sẵn sàng đặt hàng giảm chất lượng xuống.

Để che đậy cho những sản phẩm kém chất này, các cửa hàng VTNN thường dùng “chiêu” khuyến cáo nông dân dùng kèm với các sản phẩm khác mà họ đã tính toán, đảm bảo dinh dưỡng cho cây lúa. Đa phần nông dân địa phương lại ít đất, không có vốn đầu tư phải phụ thuộc vào đại lý nên dẽ bị các đại lý “bày kế” qua mặt.

Rõ ràng, để làm ra hạt lúa, cây rau người nông dân phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cực khổ là vậy nhưng bao nhiêu công sức họ bỏ ra để kiếm “miếng cơm” lại bị các doanh nghiệp với sự giúp sức của đại lý “bóc lột”. Thực trạng trên tại vùng ĐBSCL đã đến mức báo động.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không chỉ để có trách nhiệm với người dân mà còn đòi lại công bằng cho cả những doanh nghiệp chân chính./.

CTV Khánh Hưng/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/bao-dong-phan-bon-gia-kem-chat-luong-hoanh-hanh-vung-dat-lua-dbscl-676771.vov