Báo động tình trạng bạo hành trẻ em bởi người thân trong gia đình

Ngày 30/10/2019, Công an Quận 12 (TPHCM) cho biết đã bắt khẩn cấp Hà Quốc Việt (SN 1983, ngụ Quận 12) để điều tra xử lý về hành vi 'Cố ý gây thương tích'. Điều đáng nói, nạn nhân bị bạo hành với thương tật lên đến 51% chỉ là một đứa trẻ mới 6 tuổi, con riêng của vợ hờ Việt.

Đối tượng Việt và những vết thương đã gây ra cho cháu bé

Hàng loạt nạn nhân nhỏ tuổi bị bạo hành

Nạn nhân của vụ bạo hành mới bị khởi tố là cháu D.N.C (còn gọi là bé Su, 6 tuổi, quê Trà Vinh), con gái riêng của vợ hờ Việt là Dương Thảo Dương (25 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú ở một nhà trọ ở KP3, phường Tân Hưng Thuận, Quận 12). Đứa trẻ này mới chỉ lên sống chung cùng mẹ và người tình của mẹ được hơn 2 tháng. Hơn 2 tháng đã đủ biến một đứa trẻ lành lặn thành thương tật, dù bé được sống chung với chính mẹ đẻ của mình. Nhìn những vết thương trên người bé gái, người rắn rỏi nhất chắc cũng phải cố kìm những giọt nước mắt xót xa.

Trước đó, ngày 23/8/2019, Công an huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) đã tạm giữ hình hình sự Nguyễn V.B. (41 tuổi, ngụ xã Thạnh Xuân), củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án cha ruột đánh đập con. Trước đó, tối ngày 17/8, trong lúc cho con gái ruột là bé N.T.T.C (6 tuổi) ăn cơm, do bé C. không chịu ăn nên Bình đã dùng khúc gỗ đánh vào mông và chân bé. Sau đó, ông B. dùng một khúc sắt đánh vào đầu khiến bé C. bị thương tích, chảy máu.

Cùng ngày 23/8/2019, Công an thị xã Hương Thủy đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Hiếu (SN 1990, trú xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích đối với bé trai Đ.X.L. (6 tuổi) ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Kết quả giám định cho thấy tỉ lệ thương tích tạm thời của bé L lên đến 63%. Hiếu đánh cháu L gây thương tích nặng nề chỉ vì khi đút cho cháu bé ăn cháu đã nôn ói. Đứa trẻ này cũng chính là con riêng của người phụ nữ đang sống chung với Hiếu.

Cháu bé bị đánh đến gãy chân, đa chấn thương

Ngày 13/4/2019 vừa qua, Công an Quận 9 ra quyết định khởi tố bị can nhưng cho tại ngoại đối với Nguyễn Thị Mỹ Lan (SN 1986, ngụ Quận 9), do đối tượng đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, về hành vi đánh đập trẻ em. Đứa bé mà Lan bạo hành khi bị phát hiện mới chỉ hơn 1 tuổi, nhập viện Nhi Đồng với những thương tích nặng nề trên cơ thể, các bác sĩ nghi vấn nên đã báo công an. Điều đáng nói, Lan chính là mẹ nuôi và là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ.

Đó mới chỉ là vài vụ trong số rất nhiều vụ trẻ em bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình và đã bị phát hiện. Trên thực tế, số vụ bạo hành trẻ em bởi người thân trong gia đình không dừng lại ở con số đó. Nạn nhân có tuổi đời giao động từ vài tháng tuổi cho đến vị thành niên. Thương tích từ những vết bầm tìm trên cơ thể đến những vết sẹo chi chít trên da thịt, thậm chí có trẻ đã tử vong hoặc phải sống cuộc đời tàn phế chỉ vì sự bạo hành đến từ người lớn.

Đi tìm nguồn cơn của những vụ bạo hành

Phải khẳng định, nguồn cơn trực tiếp dẫn đến những vụ bạo hành trẻ em chính là những cơn nóng giận không thể kiểm soát của người lớn. Sâu xa đằng sau nó là rượu, ma túy, là ít học, thiếu thốn vật chất và đâu đó hung thủ cũng chính là những người đã từng là nạn nhân của bạo hành.

Trẻ con được ví như món quà vô giá từ thượng đế, nhìn nụ cười con trẻ mọi muộn phiền đều có thể tan biến. Điều gì đã khiến những kẻ làm cha, làm mẹ, người thân trong gia đình, người trực tiếp nuôi dưỡng con trẻ lại có thể xuống tay nặng nề đến thế với một sinh linh bé nhỏ gần như không có sức phản kháng, tự vệ? Có thể thấy rằng, đa phần các nạn nhân trong những vụ việc trên đều được sinh ra và nuôi dậy trong những gia đình “thiếu hụt”. Thiếu cha, hụt mẹ, thiếu học thức, thiếu văn hóa và cả thiếu thốn vật chất. Đứa trẻ vô hình chung trở thành nơi trút giận của người lớn, cả cố ý lẫn vô thức. Những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực dần trở nên chai sạn cảm xúc và từ nạn nhân khi lớn lên đa phần lại trở thành thủ phạm. Một vòng quay luẩn quẩn, đau xót.

Người bé gái đầy vết thương do chính những người ruột thịt gây nên

Có thể dễ dàng nhận thấy, kể cả khi đã bị bắt vì hành vi bạo lực với con trẻ, nhiều người vẫn còn “ngơ ngác” không hiểu rằng mình đã vi phạm pháp luật, hành vi bạo lực sẽ phải trả giá bằng những ngày tháng trong lao tù. Thực tế, cái nhận thức “thương cho roi cho vọt” của người Việt từ xưa vẫn còn hiển hiện rất nhiều trong các gia đình Việt. Từ thành thị đến nông thôn, từ nông dân, người lao động đến trí thức thì nhiều người trong số họ vẫn coi việc răn đe con bằng đòn roi là điều bình thường để dạy con nên người. Nhưng, cái ranh giới của việc răn dạy và bạo lực là rất mong manh. Và sự nóng giận lại là thứ không dễ kiểm soát.

Có lẽ đã đến lúc, luật pháp cần phải có những điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn, bảo vệ con trẻ nhiều hơn. Và hơn hết, cần có những thay đổi từ nền tảng tư tưởng của mỗi người, không được phép dùng bạo lực với trẻ em dù dưới bất cứ hình thức gì. Trẻ em, là búp trên cành, cần được nâng niu chăm sóc.

Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạng và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Bao gồm quyền được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt mà mọi người, mọi gia đình dành cho trẻ em và cả quyền được cha mẹ ruột yêu thương, cũng như những nhu cầu căn bản là được ăn uống, được giáo dục phổ quát do nhà nước trả tiền, được chăm sóc sức khỏe và các điều luật hình sự thích hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ em. Những cách giải thích về quyền trẻ em thay đổi từ cho phép trẻ em khả năng tự quyết về hành động tới đảm bảo cho trẻ em tự do về thân thể, tinh thần và tình cảm không bị lạm dụng, dù cái bị gọi là "lạm dụng" đang là một vấn đề gây tranh cãi. Các định nghĩa khác gồm quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng. (trích Công ước Quyền trẻ em)

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên Thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Và đối với Việt Nam, những người có độ tuổi dưới 16 tuổi được coi là trẻ em.

Đan Hà

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/bao-dong-tinh-trang-bao-hanh-tre-em-boi-nguoi-than-trong-gia-dinh-27037.html