Báo động tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển Tây Nam

Thời gian gần đây, trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng phát hiện liên tiếp nhiều vụ chở xăng, dầu không rõ nguồn gốc. Các đối tượng khai nhận chở dầu đi bán ngay trên biển cho các tàu cá.

Kiểm tra tàu chở xăng dầu trên biển thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: N.H

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Cà Mau, tình hình buôn lậu xăng, dầu trên biển Tây Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Lực lượng Cảnh sát biển tuần tra, kiểm soát phát hiện 12 vụ vi phạm, xử lý phạt hành chính trên 2 tỉ đồng, tịch thu trên 4.038.000 lít dầu D.O bán thanh lý, nộp vào ngân sách trên 40 tỉ đồng.

Có thể liệt kê những vụ buôn lậu xăng, dầu lớn diễn ra tại khu vực vùng biển Cà Mau mà theo đánh giá là chưa từng có xảy ra tại đây. Đó là vụ phát hiện chở trên 18.200 lít dầu D.O của tàu Phước Thạnh KG 95024.TS do ông Trần Duy Khánh (Kiên Giang) làm chủ được phát hiện vào ngày 19.1. Ngày 2 và 3.3, Cảnh sát biển phát hiện 3 tàu đang có hành vi vận chuyển dầu D.O trên biển trái phép. Đó là các tàu NĐ 95368 vận chuyển 150.369 lít dầu D.O; tàu Lộc Phát BV96868.TS vận chuyển trên 467.115 lít dầu D.O; tàu QB 91977.TS vận chuyển 156.670 lít dầu D.O.

Tại Sóc Trăng, ngày 27.9, Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện tàu Gladys Giory, do ông Nguyễn Văn Hiệp (ngụ tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 1 triệu lít xăng, nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số xăng này. Ngoài ra, các thuyền viên trên tàu không có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ, tàu không có giấy tờ chứng nhận về tàu.

Trước đó, ngày 26.9, tại vị trí cách Tây Nam Côn Đảo khoảng 30 hải lý, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 kiểm tra và bắt giữ tàu BV6766TS do ông Nguyễn Văn Giúp (58 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 40.000 lít dầu D.O nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Ông Huỳnh Vũ Phong - Thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau - cho rằng, nguyên nhân do giá xăng, dầu các nước xung quanh thấp hơn Việt Nam nên có hiện tượng buôn lậu. Tuy nhiên, việc mua bán xăng dầu, chủ yếu là dầu D.O, diễn ra ngay trên biển nên lực lượng quản lý thị trường, chống buôn lậu rất khó phát hiện, xử lý vì không đủ phương tiện.

Thực tế cho thấy tại Cà Mau, Sóc Trăng, chỉ có lực lượng Cảnh sát biển mới phát hiện và bắt các tàu chở dầu sai quy định. Từ thực tế này, Ban chỉ đạo 389 Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành TƯ chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 tỉnh tiếp giáp và các lực lượng có liên quan tăng cường phối hợp đấu tranh chống buôn lậu xăng, dầu trên khu vực biển thuộc trách nhiệm quản lý của mình; sửa đổi bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/bao-dong-tinh-trang-buon-lau-xang-dau-tren-bien-tay-nam-637501.ldo