Báo động tình trạng 'thừa nam, thiếu nữ' ở Việt Nam

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam theo hướng thừa nam thiếu nữ tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng, cả thành thị, nông thôn.

Thông tin được ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số, Bộ Y tế, cho biết tại lễ Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam, ngày 26/12.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại lễ mít tinh

Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2022 ở mức cao, khoảng 113,7 trẻ trai trên 100 bé gái. Ở một số địa phương, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao hơn mức bình quân cả nước, như Sơn La 117 bé trai/100 bé gái, Nghệ An 116,6 bé trai/100 bé gái.

Theo ông Tú, tỷ suất giới tính khi sinh năm 2022 như trên là thống kê trên cơ sở số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành. Tổng Cục Dân số cũng chưa công bố số lượng trẻ chào đời trong năm nay là bao nhiêu.

Tổng Điều tra dân số năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy tỷ lệ giới tính khi sinh là 112,1 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5. Tỷ số giới tính sinh tự nhiên là 104 - 106 bé trai/100 bé gái. Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tiếp tục gia tăng, trong khi mục tiêu được ngành dân số đặt ra là kéo giảm còn 111,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

"Mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng", ông Tú nhận định và thêm rằng tình trạng thừa nam thiếu nữ tại Việt Nam ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn.

Tinh trạng thừa nam thiếu nữ tại Việt Nam ở mức nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Theo Tổng cục Dân số, những nguyên nhân khiến chênh lệch giới tính khi sinh vẫn tăng là do tâm lý ưa thích con trai và mong có con trai trong gia đình quy mô nhỏ; lạm dụng khoa học - công nghệ. Ngoài ra, các quy định pháp luật chưa được thực thi nghiêm làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Các chuyên gia đánh giá chênh lệch giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới trong xã hội.

Tổng cục Thống kê dự báo, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu năm giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay. Ví dụ, năm 2019, cả nước có 45.900 bé gái bị thiếu hụt do chênh lệch giới tính khi sinh. Về lâu dài, hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ làm tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể tăng nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ gia tăng.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Doãn Tú đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số.

Cùng với đó, các bộ, ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, chia sẻ và đồng hành cùng ngành Dân số trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/bao-dong-tinh-trang-thua-nam-thieu-nu-o-viet-nam-d187991.html