Báo động tình trạng trẻ em bị đuối nước

Theo thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông, chiếm 26,7%. So với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Cũng theo thống kê này, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển.

Trẻ em rất dễ bị đuối nước khi tắm sông mà không có người lớn.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em - SOS!

Tai nạn đuối nước đang gia tăng và thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, nó gây ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố: Trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước. Đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ chết đuối nước càng tăng cao.

Qua tìm hiểu, chúng tôi đuợc biết, chỉ trong vòng từ sau Tết Nguyên đán năm 2014 đến nay, trên địa bàn các tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra hàng chục vụ chết đuối nước mà nạn nhân phần lớn là các cháu học sinh. Điển hình, khoảng 9 giờ 30 phút, sáng 31-3, trên sông Hậu, đoạn thuộc tổ 10, khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm em Nguyễn Huỳnh Như, học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở (THCS) Đoàn Thị Điểm tử vong và em Trần Khánh Linh (lớp 6 cùng trường) đang phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Được biết, nhóm này có khoảng 10 em học trường THCS Đoàn Thị Điểm và một số trường trên địa bàn quận Ninh Kiều rủ nhau ra bãi ven sông Hậu tắm. Khi tắm, có 4 em bơi ra xa, cách bờ khoảng 8m nên bị hụt chân và nước cuốn trôi. Nghe tiếng kêu cứu, người dân và nhân viên của Công ty Cổ phần Du lịch sông Hậu đã lao ra cứu được 2 em, sau đó lặn tìm cứu tiếp 2 em còn lại, nhưng một em đã tử vong, một em trong tình trạng hôn mê phải chuyển viện cấp cứu. Trước đó, vào chiều 30-3, trong lúc đi chăn trâu, em Lê Hồng Thanh (SN 2000, trú tại xã Thượng Lộc, là học sinh lớp 7, trường THCS Đồng Lộc) và em Trần Thị Hương (SN 2003, trú tại xã Thượng Lộc, học lớp 4, trường Tiểu học Thượng Lộc) không may bị chết đuối. Tới khoảng 18 giờ cùng ngày, gia đình mới tìm thấy thi thể của 2 cháu bé tại cầu Tề. Ông Mai Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân có thể là do trong lúc 2 em đi chăn trâu đã xuống hồ bắt ốc, nhưng không may bị đuối nước dẫn tới cái chết thương tâm. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã Thượng Lộc đã kịp thời có mặt chia buồn cùng gia đình, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí mai táng.

Đi tìm nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước… có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Cũng theo điều tra của UNICEF, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hầu hết trẻ tử vong do đuối nước đều dưới 5 tuổi và thường do bị ngã xuống nước từ trên nhà, trên thuyền hoặc cầu tàu. Còn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hầu hết trẻ bị đuối nước trên 6 tuổi khi đang chơi gần hoặc trong hồ hay suối sâu, hay khi đi chăn trâu bò. Ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng Bắc bộ, đuối nước trẻ em ở độ tuổi khác nhau xảy ra quanh năm. Nguyên nhân là do khu vực này thuộc vùng chiêm trũng, ao đầm, sông ngòi liền sát với khu dân cư, nhà nào cũng có ao liền với sân và vườn. Phần lớn đầm nước, hồ ao không có rào chắn, trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, người lớn bất cẩn không giám sát chặt chẽ dẫn đến tai nạn đáng tiếc cho trẻ nhỏ.

Trẻ em Quảng Bình thường hay tắm sông trong những ngày nắng nóng mà không có người lớn quản lý, giám sát.

Hằng năm mỗi dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra đồng, sông, suối mò cua, bắt ốc, chăn trâu, bò… nên cũng rất dễ có nguy cơ bị đuối nước. Mặt khác, nhiều gia đình còn thiếu sự quản ly, để con em tự ý đi chơi ra các ao, hồ, sông, suối tắm mà không có người lớn đi cùng, nhiều vùng ao, hồ, sông, suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm… Những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi các em gặp nguy hiểm thì không có sự trợ giúp của người lớn kịp thời. Bên cạnh đó, bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm lý tưởng để mọi người tìm đến với sự mát mẻ của sông, suối, biển, hồ và đây cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ tai nạn chết đuối.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với các bậc phụ huynh, phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi cùng trông nom. Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn. Ngoài ra, trong nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đuối nước để khi xảy ra trường hợp đuối nước áp dụng kịp thời. Đồng thời, các bậc cha mẹ phải cộng tác chặt chẽ với các cấp chính quyền, Đoàn Thanh niên phường, xã để giúp các em có một mùa hè vui vẻ và an toàn.

Anh Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-dong-tinh-trang-tre-em-bi-duoi-nuoc/