Báo động tội phạm dụ dỗ hàng loạt học sinh gây tội

Liên quan đến vụ việc cầm 900 lượng vàng giả để rút hơn 20 tỷ đồng từ ngân hàng, nhiều người dân, mà chủ yếu là các em học sinh bỗng nhiên trở thành nạn nhân vì bị dụ dỗ, lôi kéo.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng các em học sinh bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm của tội lừa đảo. Việc phạm tội một cách liều lĩnh, trắng trợn, một lần nữa cho thấy tội phạm tri thức ngày càng tinh vi và trở thành đối tượng nguy hiểm, nhức nhối của xã hội.

60 học sinh trở thành con nợ

Ngày 8/1, cơ quan CSĐT Công an Cà Mau cho biết, đơn vị này đã tiến hành khởi tố bị can và bắt giam các đối tượng Dương Thanh Tuấn, nhân viên thẩm định vàng phòng giao dịch Đầm Cùng, thuộc chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Cùng với Tuấn, hai đối tượng Dương Minh Giỏi (em ruột Tuấn) và Phan Văn Hải (cùng ngụ thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) cũng bị khởi tố bắt giam để điều tra về hành vi thế chấp 900 lượng vàng giả vay hơn 20 tỷ đồng. Vụ việc đã khiến hàng loạt người dân bỗng dưng trở thành nạn nhân với khoản nợ hàng chục triệu đồng.

Đối tượng Dương Thanh Tuấn tại cơ quan công an.

Trong số các nạn nhân liên quan trong vụ việc này thì hầu hết là các em học sinh trường THPT Cái Nước (Cà Mau) vì bị dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây cầm cố hàng trăm lượng vàng giả. Sự việc đã khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang vì không biết con em mình sẽ bị xử lý như thế nào.

Ngày 8/1, trao đổi với PV, một học sinh tên T. (lớp 12C1, trường THPT Cái Nước) kể lại: "Mấy tháng trước, bỗng dưng bạn Hồ Chí Hải học cùng lớp chạy lại hỏi mượn giấy chứng minh nhân dân của em để đi phục hồi sim điện thoại di động. Vài hôm sau đó, em hỏi thì Hải mới trả lại. Em không hề biết có chuyện gì xảy ra cho đến khoảng 2 tuần trước, công an đến trường mời em lên hỏi về số nợ 320 triệu đồng. Sự việc quá bất ngờ, khiến cho không chỉ riêng em mà cả những người thân trong gia đình bàng hoàng, hoảng sợ". Điều đáng nói là không chỉ riêng học sinh T., mà hàng loạt các em học sinh khác cũng bị lừa gạt với chiêu thức tương tự.

Là một trong những trường có nhiều học sinh liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Đức Mạnh, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Mai (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho hay: "Cho đến ngày 6/1, nhà trường phát hiện có 14 học sinh liên quan đến đường dây cầm vàng giả. Làm việc với lãnh đạo nhà trường và cơ quan chức năng, các học sinh Quách Chí L., Trần Hoài Kh., Lê Thị Anh Th. (đều là học sinh lớp 12C6, trường THPH Nguyễn Mai) cho biết, các em được một người bạn học tên Lập nhờ cầm đồ giùm người anh. Chờ đến giờ tan học, Lập đến đón và chở các em đến gặp Dương Minh Giỏi".

Sau khi tiếp cận được các em học sinh, Giỏi đưa túi và hướng dẫn các em nhanh chóng đến phòng giao dịch Đầm Cùng gặp Dương Thanh Tuấn - cán bộ thẩm định vàng của phòng giao dịch Đầm Cùng. Tại đây, Tuấn đưa giấy tờ cho các em ký rồi đưa qua thủ kho nhận tiền. Học sinh Quách Chí L. chia sẻ thêm: "Em không biết trong túi anh Giỏi đưa là vàng. Sau khi nhận tiền từ ngân hàng, anh Giỏi cho em 200.000 đồng nhưng em không lấy. Số tiền em vay giúp là 170 triệu đồng, hàng tháng anh Giỏi đưa tiền cho em đi đóng lãi"

Theo tìm hiểu của PV, ngoài Lập thì Trần Duy T. (học sinh lớp 12C6, trường THPT Nguyễn Mai cũng là một trong những cánh tay đắc lực giúp Giỏi lôi kéo nhiều bạn cùng trường tham gia vào đường dây cầm vàng lừa đảo này. Trong đó, bản thân em T. cũng đứng ra vay hộ Giỏi số tiền 300 triệu đồng. Điều đáng nói là một học sinh lớp 11 tên H. (trường THPT Nguyễn Mai), mặc dù không có chứng minh nhân dân nhưng thông qua T., Giỏi đề nghị em giả làm người có giấy chứng minh tên Đặng Chí Đại, gặp Tuấn làm thủ tục ký vay 200 triệu đồng. Trao đổi với PV, ông Mạnh chia sẻ: "Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi động viên các em an tâm học, đừng hoang mang. Hiện chúng tôi không xử lý vi phạm với các em mà chờ kết luận điều tra của cơ quan công an".

Cũng là một trong những nạn nhân bị Giỏi lợi dụng lấy chứng minh đi vay 400 triệu đồng của ngân hàng, bà Nguyễn Thu P. cho biết, Giỏi làm công nhân cho doanh nghiệp của bà. Vì vậy, trong những lần giao dịch làm ăn, bà đưa chứng minh nhân dân cho Giỏi đi photo làm hồ sơ, giấy tờ. Không chỉ vậy, Giỏi còn lừa viện cớ lấy chứng minh của bà P. đi giao dịch với ngân hàng. Được biết, Giỏi đã thuê hơn 60 người(trong đó chủ yếu là học sinh) đi giao dịch với ngân hàng để vay tiền.

Vàng giả do Cơ quan điều tra thu được.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm

Trả lời về sự việc xảy ra tại phòng giao dịch Đầm Cùng, ông Lý Nam Hải, giám đốc chi nhánh ngân hàng NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: "Đây là khoản vay cầm cố tài sản và họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Bởi họ là những người trực tiếp ký vào hồ sơ vay, cầm cố. Tùy theo độ tuổi của người đứng vay mà họ phải chịu trách nhiệm dưới sự phán quyết của tòa án".

Đánh giá về sự việc dưới góc độ pháp lý, Nguyễn Kiều Hưng, giám đốc hãng Luật Giải Phóng TP.HCM cho biết: "Các em học sinh vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm của tội lừa đảo, nếu kết quả điều tra cho thấy các em đã biết hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Theo tư duy thông thường thì nói các em không biết việc làm bất thường này là vô lý... Tất nhiên, nguyên nhân dẫn đến phạm tội một phần xuất phát từ thiếu nhận thức về pháp luật và bị lôi kéo dụ dỗ. Ngoài ra, những người có trách nhiệm liên quan đến quy trình cầm cố, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra cũng có thể bị truy cứu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đánh giá về hành vi phạm tội của các đối tượng cầm đầu đường dây cầm vàng giả nói trên, phó giáo sư, tiến sỹ Phan An, viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết: "Việc lợi dụng trẻ vị thành niên phạm tội là một vấn đề mới phát sinh nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của lứa tuổi học trò để vụ lợi khiến cho các bậc phụ huynh và các em học sinh rơi vào trạng thái hoảng loạn, bất an và khiến cho tình hình xã hội ngày càng phức tạp hơn. Chính vì vậy, xã hội cần lên án và xử lý nghiêm khắc với những đối tượng tội phạm này. Về phía nhà trường có học sinh liên quan đến vụ việc cần có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ các em làm việc với các cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải phối hợp với gia đình tăng cường việc giáo dục pháp luật để các em nhận thức đúng đắn về những việc làm vi phạm pháp luật".

Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Công Thoại, chuyên gia tâm lý hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho hay: "Qua sự việc cầm vàng giả để thế chấp ngân hàng cho thấy hành vi phạm tội của cán bộ thẩm định vàng là có hệ thống và mục đích ngay từ ban đầu. Với mưu đồ trắng trợn của mình, đối tượng này đã đưa hàng loạt nạn nhân mà cụ thể là các trẻ vị thành niên vào tình cảnh rất dễ vướng vòng lao lý”.

Tội phạm tri thức ngày càng liều lĩnh, trắng trợn

Tiến sỹ Nguyễn Công Thoại chia sẻ thêm: "Việc lợi dụng vị trí, chức quyền để tham gia vào đường dây cầm vàng giả này của ông Tuấn cần phải đặt ra câu hỏi về quá trình hoạt động của chi nhánh ngân hàng này. Nếu không có vấn đề mờ ám ở đây thì không thể có chuyện thế chấp để lấy được số tiền hàng tỷ đồng một cách dễ dàng như thế. Hành vi vụ lợi của cán bộ thẩm định vàng và các đối tượng có liên quan không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng trong việc làm thất thoát tài sản của Nhà nước, mà đánh mất tương lai của các em học sinh và những người bị dụ dỗ tham gia. Qua sự việc, một lần nữa cho thấy tội phạm tri thức ngày càng tinh vi, liều lĩnh và trắng trợn hơn. Tội phạm tri thức đã và đang trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội. Đây là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, vì các đối tượng này hiểu rất rõ về quy định của pháp luật".

Thơ Trịnh - Hoài Phong

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/bao-dong-toi-pham-du-do-hang-loat-hoc-sinh-gay-toi-a122160.html