'Bão giá' thịt lợn: Nhà trường xoay chuyển thực đơn

Sự biến động của giá thịt lợn ảnh hưởng không nhỏ tới việc mua sắm và chế biến thực phẩm cho những bữa ăn bán trú của học sinh. Tuy nhiên, các nhà trường có sự linh hoạt, sáng tạo trong việc ổn định bữa ăn bán trú bằng nhiều cách để bảo đảm về lượng và chất.

Khâu chế biến và lựa chọn thực phẩm được điều chỉnh hợp lý. Ảnh: TG

Khâu chế biến và lựa chọn thực phẩm được điều chỉnh hợp lý. Ảnh: TG

Thực đơn điều chỉnh theo giá cả

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội, báo giá của đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường đã tăng lên đáng kể về thịt lợn. Trong khi đó, 1.800 suất ăn bán trú của HS vẫn giữ nguyên giá như đã thông báo tới PHHS đầu năm học.

Chính vì vậy, BGH, bộ phận bếp ăn… phải linh hoạt điều chỉnh thực phẩm ít nhiều để bữa ăn bán trú vẫn đảm bảo về lượng và chất. Cụ thể, trước đây HS chỉ ăn 1 bữa thịt gà/tuần nay chuyển thành 2 bữa thịt gà/tuần; cùng đó là 2 bữa thịt lợn/1 tuần và các loại thực phẩm khác như thịt bò, trứng, đậu phụ, rau xanh...

Giá thịt lợn tăng đều khắp các địa phương nên việc tác động không chỉ ảnh hưởng tới nhà trường, HS thành thị mà các trường học vùng cao cũng nhanh chóng tìm cách điều chỉnh bữa ăn bán trú HS hợp lý.

Tại Trường PTDTBT TH Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang), thầy Bùi Quang Hòa – Hiệu trưởng cho biết: Không chỉ thịt lợn tăng giá mà một số thực phẩm như thịt gà, chả cá… cũng tăng nhẹ theo thịt lợn. Trong khi đó, các suất ăn bán trú thực hiện theo Nghị định 116 (Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn) vẫn ở mức 23.000 đồng/ngày/3 bữa. Chính vì vậy, nhà trường buộc phải giảm bớt lượng thịt lợn trong tuần, tăng cường các thực phẩm chưa tăng giá hoặc tăng giá nhẹ như chả cá, thịt gà, thịt bò.

Bà Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Simacai – huyện Simacai - Lào Cai cũng chia sẻ: Những tháng vừa qua, thịt lợn có sự đột biến về giá. Hơn thế, do sản lượng thịt lợn dân địa phương nuôi cung không đủ cầu, phải vận chuyển thêm dưới xuôi lên để đáp ứng, đường đi lại khó khăn nên giá cả tăng thêm. Từ đầu tháng 11/2019, đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường đã tăng thêm 20.000 đồng/kg thịt lợn.

Để đảm bảo giá cả, chất và lượng cho bữa ăn bán trú (theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ) nhà trường đã giảm lượng thịt lợn trong tuần, tăng cường thực phẩm khác như cá biển, trứng, đậu phụ… Hiện tại, HS bán trú ăn 2 bữa thịt lợn, 2 bữa sườn lợn, 1 bữa giò lợn trong 1 tuần. Ngoài ra sẽ ăn 2 bữa cá, 2 bữa thịt gà, trứng, đậu… Lượng thịt lợn trong một tuần so với trước khi giá cả “leo thang” được cắt giảm hợp lý.

Gỡ “khó” bằng nhiều cách

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trương TH Phan Đình Giót cho biết: Trước sự tăng giá của thực phẩm, từ tháng 1/2020 tiền ăn bán trú của HS Trường TH Phan Đình Giót (Hà Nội) có sự điều chỉnh từ 25.000 đồng/bữa thành 30.000 đồng/bữa để đảm bảo tốt nhất về chất và lượng cho HS tại trường. “Việc tăng giá bữa ăn bán trú của HS đã được phê duyệt từ 9/2019 nhưng đến 1/2020 nhà trường mới thực hiện. Việc giữ nguyên giá bữa ăn bán trú không thể để kéo dài thêm được nữa, như vậy sẽ ảnh hưởng đến khẩu phần ăn và khó đảm bảo về sức khỏe học sinh về lâu dài” – bà Ngọc bày tỏ.

Còn với Trường PTDTBT TH Bát Đại Sơn, thầy Bùi Quang Hòa lại cho biết: GV và HS của trường trồng được rau xanh, sau đó bán lại cho nhà bếp. Số tiền từ lao động sản xuất đó sẽ dùng để mua thêm thức ăn cho HS bán trú. Mặt khác, từ hoạt động ngoại khóa HS và GV cùng tăng gia chăn nuôi lợn bằng cơm canh thừa, tận dụng mỗi năm trường có được khoảng 6 con lợn thành phẩm từ 50 - 80kg. Sản lượng thịt lợn từ hoạt động này góp phần cải thiện đáng kể trong các suất ăn hàng tuần của HS.

Khác với nhiều trường vùng cao, Trường PTDTBT TH Simacai – huyện Simacai (Lào Cai) không có đất trồng rau và chăn nuôi lợn. Vì vậy, điều kiện hỗ trợ bữa ăn cho HS không có. Cùng đó, PHHS cơ bản là bà con dân tộc, điều kiện kinh tế còn nghèo nên việc đóng góp hỗ trợ thêm vào bữa ăn bán trú cho con em khi tới trường cũng chẳng có. Như vậy, cách tháo gỡ duy nhất của trường cho những bữa ăn bán trú thời “leo giá” là thay đổi linh hoạt nguồn thực phẩm và chú trọng cách chế biến để HS không chán ăn, bỏ bữa.

“Với món cá biển ba sa, cá ngừ đại dương, BGH, nhà bếp nghiên cứu tìm ra những nguyên liệu và cách chế biến để hợp khẩu vị HS nhất; ăn vào không đau bụng. Món thịt gà từ 1 bữa/tuần tăng lên 2, 3 bữa/tuần. Trứng, đậu phụ được tăng cường… Bước đầu thay đổi thực đơn và khẩu phần ăn cho thấy, 106 HS bán trú đã thích ứng với những món ăn thay thịt lợn…”, bà Bùi Thị Hường cho biết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bao-gia-thit-lon-nha-truong-xoay-chuyen-thuc-don-4057495-b.html