Báo Giải Phóng kiên cường trên tuyến lửa

Báo Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xuất bản số đầu tiên vào ngày 20/12/1964 tại Chiến khu C ở tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ, giáp biên giới Campuchia sau 4 tháng gấp rút chuẩn bị trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, khó khăn, thiếu thốn mọi bề.

Ngay sau ngày giải phóng, các phóng viên Báo Giải Phóng đã có mặt và tác nghiệp giữa Sài Gòn (2/5/1975).

Với nhiệm vụ tuyên truyền và cổ động, đoàn kết nhân dân chung sức, đồng lòng, bền gan, vững chí đấu tranh chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng, Báo Giải Phóng đã gánh vác trên vai mình sứ mệnh cao cả và bước vào hành trình xông pha trên tuyến lửa.

Những ngày đầu thành lập, Báo Giải Phóng gặp không ít khó khăn. Mặt trận trung ương đã cử các cán bộ của Báo Cứu Quốc vào gây dựng báo gồm có 3 người: Trần Phong (Kỳ Phương) theo tàu chở vũ khí vào bằng đường biển, Tống Đức Thắng (Trần Đức Trí) và Thái Duy (Trần Đình Vân) vượt Trường Sơn vào Nam. Chủ nhiệm Báo Giải Phóng là Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ làm chủ nhiệm báo.

Do thiếu nhân lực nên việc thu thập tin tức và hình ảnh cho báo phải nhờ anh em ở Thông tấn xã đảm nhiệm. Bài vở chủ yếu dựa vào các ký sự, phóng sự, các phóng viên Báo Quân Giải Phóng tác nghiệp từ các chiến trường. Khi đã có tin, bài nhờ sự trợ giúp, hỗ trợ đắc lực của các đồng nghiệp ở các đơn vị, Báo Giải Phóng lại phải đối mặt với khó khăn trong khâu in ấn. Trong hoàn cảnh trang thiết bị thiếu thốn, các cán bộ phụ trách khâu in ấn đã sáng chế ra một máy in đẩy tay bằng gỗ. Để có thể in được báo, anh chị em giao liên từ nội thành Sài Gòn đã chọn mua hàng tấn chữ mới rồi chuyển từng kilogam theo từng loại khéo léo che giấu vượt qua hàng rào kiểm soát dày đặc của địch để đến với nhà in.

Măng sét (manchette) đầu tiên của Báo Giải Phóng đã được duyệt. In báo xong với tinh thần khẩn trương bằng mọi giá phải phát hành đúng dịp kỷ niệm 4 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Để báo đến được tận tay các chiến sĩ trên khắp các mặt trận, đồng bào các tỉnh, kể cả vùng ven và nội thành Sài Gòn, gửi ra Hà Nội, các cơ quan, ban, ngành, các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương Cục và đến với cả bạn bè trên thế giới, gây được tiếng vang là nhờ sự hỗ trợ tích cực của anh chị em giao liên không nề hà khó khăn, nguy hiểm.

Sau số báo đầu tiên xuất bản thành công, Báo Giải Phóng tiếp tục ra đều kỳ trở thành cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân miền Nam nhằm kêu gọi và tổ chức nhân dân đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.

Những tờ Báo Giải Phóng được xuất bản trên tuyến lửa. Ảnh: Tư liệu.

Từ số báo đầu tiên cho đến cuối năm 1965, Báo Giải Phóng đã tập hợp những cây bút cộng tác viên tên tuổi của cả hai miền như: Viễn Phương, Trang Thế Hy, Anh Đức,… Đồng thời, Báo Giải Phóng được bổ sung một lực lượng phóng viên đầy tâm huyết như: Hoài Vũ, Chiến Phong (Đinh Phong), Cao Kim (Kim Toàn), Thái Hồng, Lê Thiện,… Các phóng viên Báo Giải Phóng và những người cầm bút ở chiến trường đã sẵn sàng xông pha dưới mưa bom, bão đạn để có được những ký sự, phóng sự nóng hổi về tình thế cách mạng miền Nam, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta. Đến giữa năm 1966, Báo Giải Phóng đã có một bộ máy lãnh đạo và biên tập viên khá đầy đủ cho một tờ tuần báo kháng chiến. Lúc này, Báo Giải Phóng chủ trương mở rộng khổ báo, ra nửa tháng một kỳ, in tại Nhà in Trần Phú, với số lượng 2.000 đến 5.000 bản một kỳ, phát hành miễn phí. Khi tình hình chiến sự lan đến căn cứ, nhiều phóng viên Báo Giải Phóng đã vác ba lô lên vai chia nhau đi các chiến trường và đã cho ra mắt nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất, trong đó có thiên anh hùng ca “Sống như Anh” của nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân).

Năm 1967, địch mở cuộc càn Junction City đánh vào căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nơi cơ quan Báo Giải Phóng đóng chung ở đây. Cán bộ và nhân viên Báo Giải Phóng đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ căn cứ. Một số đồng chí dũng cảm hy sinh, một số khác bị thương. Trận càn đã làm cho nhà in bị phá nát, tòa soạn bị thiệt hại nặng, tài liệu gần như mất hết. Trong tình hình đó, Báo Giải Phóng phải tạm đình bản. Tình hình chiến sự miền Nam vẫn diễn biến phức tạp, tin tức, bài vở của các phóng viên từ các mặt trận gửi về rất nhiều. Không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh, không thể để tiếng nói của Mặt trận bị tắt, tòa soạn Báo Giải Phóng quyết định ra “báo nói” - tờ báo đầy đủ bài vở, tiết mục nhưng không in mà phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng để truyền đạt nhanh chóng, kịp thời sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tới các địa phương.

Cuối tháng 2/1968, anh em từ các mặt trận trở về chuẩn bị ra báo in. Một số phóng viên từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào tăng cường cho Báo Giải Phóng. Báo đã cử nhiểu tổ phóng viên đi theo bộ đội đến các chiến trường sôi động để tác nghiệp. Được tiếp thêm lực lượng và sức nóng từ chiến trường, tờ Báo Giải Phóng khổ rộng xuất bản vào đầu tháng 5/1968 đã phản ánh đầy đủ không khí sôi sục trên khắp các mặt trận, nhất là mặt trận Sài Gòn. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần. Báo Giải Phóng đã liên tiếp ra nhiều số đặc biệt viết về cuộc đời, sự nghiệp cũng như những tình cảm đặc biệt của Người dành cho đồng bào miền Nam,… thúc giục đồng bào, chiến sĩ biến đau thương thành hành động dũng cảm xông pha trên mọi mặt trận để giành thắng lợi cuối cùng.

Đầu năm 1970, địch đánh phá biên giới, Nhà in Báo Giải Phóng được đưa sang Campuchia tiếp tục in báo chuyển về Tổ quốc phát hành khắp các địa phương, vượt qua sự kìm kẹp, bình định của địch. Sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ, tòa soạn và Nhà in Báo Giải phóng chuyển về Việt Nam, nhanh chóng xuất bản khổ lớn và phát hành trong vùng giải phóng.

Lần đầu tiên Báo Giải Phóng được bán qua các đại lý đặt ở các vùng giải phóng. Nhà in được tăng cường thêm máy móc và bộ phận làm bản kẽm do miền Bắc gửi vào qua đường Trường Sơn. Phóng viên Báo Giải Phóng lại tiếp tục xông pha, dấn thân trên các mặt trận để kịp thời phản ánh không khí chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta như: Chiến thắng Lộc Ninh, Phước Long, núi Bà Đen, Dầu Tiếng…

Cuối tháng 4/1975, Báo Giải Phóng tổ chức bộ phận tiền phương tiến về Sài Gòn. Ngay sau ngày giải phóng 30/4/1975, các phóng viên Báo Giải Phóng đã có mặt và tác nghiệp giữa Sài Gòn.

Theo Quyết định của Trung ương Cục, Báo Giải Phóng còn cấp tập chuẩn bị xuất bản số Báo Sài Gòn Giải Phóng. Măng séc báo do đồng chí Nguyễn Văn Ba (Dũng Tiến), một họa sĩ vừa từ nhà tù của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trở về sau 18 năm giam cầm đã kẻ sẵn từ trong căn cứ đem ra sử dụng cho số báo mới. Ngày 5/5/1975, tờ báo 8 trang khổ lớn in hai màu giữa Sài Gòn, đáp ứng lòng mong mỏi thiết tha, niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ của người dân miền Nam vừa được giải phóng.

Ngày 27/7/1975, Báo Giải Phóng bàn giao việc xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng cho Thành ủy Sài Gòn và cho ra mắt Báo Giải Phóng bộ mới, tiếp tục phục vụ nhiệm vụ của thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất. Trong hơn một thập kỷ tồn tại (1964 - 1977), Báo Giải Phóng đã xuất bản 375 số báo tại chiến trường và ra số cuối cùng ngày 16/1/1977. Sau đó, Báo Giải Phóng hợp nhất cùng với Báo Cứu Quốc trở thành Báo Đại Đoàn Kết ngày nay.

Báo Giải Phóng - đúng như tên gọi là tờ báo đầy sức chiến đấu, đã vững vàng, kiên cường xông pha trên tuyến lửa ác liệt mà không một thế lực nào có thể dập tắt và hủy diệt được. Báo Giải Phóng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tuyên truyền, hiệu triệu toàn dân đoàn kết đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà lịch sử giao phó, là niềm tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Thành công đó có sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Giải Phóng đã bền bỉ, dũng cảm, kiên cường vượt qua gian khổ, tay bút, tay súng, vừa làm báo vừa chiến đấu, sẵn sàng dấn thân và hy sinh để đất nước, non sông được hòa bình, thống nhất.

HỒNG LAM

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-giai-phong-kien-cuong-tren-tuyen-lua-10270868.html