Bao giờ áo dài Việt Nam có một ngày đặc biệt để tôn vinh?

Ngày Áo dài Việt Nam là cách để bảo vệ và gìn giữ di sản hàng trăm năm của cha ông đất Việt. Ngày Áo dài Việt Nam đó cũng là cách khẳng định một sức sống mạnh mẽ, là hành trang tự hào của mỗi người dân Việt Nam trên con đường giao lưu, hội nhập quốc tế...

Một bộ sưu tập áo dài do NTK Minh Hạnh thiết kế.

Một bộ sưu tập áo dài do NTK Minh Hạnh thiết kế.

Hơn 20 năm trở lại đây, áo dài Việt ngày càng “định vị” trên bản đồ thời trang thế giới.

Người có công không thể không nhắc tới là nhà thiết kế Minh Hạnh. “Sứ giả áo dài” Minh Hạnh không chỉ sưu tầm, truyền bá áo dài Việt Nam mà còn sáng tạo không mệt mỏi, nâng cao tính dân tộc, hiện đại của áo dài trong nước và thế giới, để người dân Việt và thế giới hiểu hơn, yêu hơn đất nước mảnh đất hình chữ S này.

Niềm đam mê của bà được đền đáp. Năm 1997, Minh Hạnh đoạt giải ở cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tại Nhật. Ngay sau đó, bà là nhà thiết kế Việt đầu tiên có vinh dự giới thiệu 100 mẫu thời trang trong bộ sưu tập áo dài tại đền Kiyomizu – Dera (Nhật), nơi chưa có ai được trình diễn tại đây, kể cả với giới thiết kế Nhật Bản.

Minh Hạnh cũng có nhiều buổi diễn tại các kinh đô thời trang trên thế giới để tôn vinh chiếc áo dài quê hương. Năm 2006, nhà thiết kế Minh Hạnh được Pháp tấn phong Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương.

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã dành hết toàn bộ thời gian trong sự nghiệp thời trang của mình để tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam, theo bà, là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”.

Không chỉ Minh Hạnh, Việt Nam còn có rất nhiều nhà thiết kế yêu tà áo dài cháy bỏng. Họ đã sáng tạo ra những mẫu thiết kế mang đẳng cấp thế giới. Đó là, các nhà thiết kế Lan Hương, Đức Hùng, Tuấn Hải, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Minh Châu, Võ Việt Chung, Sĩ Hoàng, Ngô Nhật Huy, Thuận Việt, Đặng Ngọc Hân, Đặng Viết Bảo, Quang Nhật…

Cùng “hòa nhịp con tim” của các nhà thiết kế là hàng loạt chương trình, lễ hội áo dài hoành tráng diễn ra khắp mảnh đất chữ S tới quốc tế. Người xem được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc sâu lắng, thị giác được bay bổng cùng những họa tiết Việt trên từng tà áo dài – hình ảnh truyền thống từ bao đời nay trong tâm khảm người Việt. Họ đều là những “sứ giả” áo dài thế kỷ XXI.

Áo dài được tôn vinh trên xứ người. Từ ngày 15/5/2016 trở đi, ngày 15/5 hàng năm sẽ là Ngày Áo dài tại California (Mỹ). Đây là tin vui của tất cả những người yêu áo dài và những người yêu văn hóa Việt Nam. Ngày 8/3 và 20/10/2019, phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến tham quan di tích Huế đã được miễn phí vé 100%. Và TP Hồ Chí Minh đã 6 lần tổ chức “Lễ hội Áo dài” thu hút hàng triệu lượt người tham gia.

Rất nhiều tín đồ áo dài và người dân Việt Nam khắp mọi miền mong muốn các nơi có di sản, danh lam thắng cảnh Việt đều đồng loạt làm theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức Lễ hội Áo dài như ở TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn, giới mộ điệu, người yêu văn hóa Việt còn mong ngóng có một ngày đặc biệt Việt Nam tôn vinh áo dài mang tên Ngày Áo dài Việt.

Với hình ảnh những mẹ, những chị dắt tay em nhỏ, những người phụ nữ mang bầu hay những thiếu nữ tuổi trăng tròn và cả những chàng trai, cậu bé… sải những bước chân chậm rãi, người khuyết tật với xe lăn, tà áo dài bay bay giữa tiết trời trong veo, cuộc sống trở nên tươi đẹp, nên thơ hơn bao giờ hết.

Ngày Áo dài Việt Nam là cách để bảo vệ và gìn giữ di sản hàng trăm năm của cha ông đất Việt. Ngày Áo dài Việt Nam đó cũng là cách khẳng định một sức sống mạnh mẽ, là hành trang tự hào của mỗi người dân Việt Nam trên con đường giao lưu, hội nhập quốc tế. Áo dài và nón lá không chỉ sống trong cộng đồng mà còn là hình ảnh Việt Nam đầy thân thiện với bạn bè quốc tế.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/bao-gio-ao-dai-viet-nam-co-mot-ngay-dac-biet-de-ton-vinh-481393.html