Bao giờ cầu Long Biên mới được công nhận là di sản?

VOV.VN - Cầu Long Biên từ lâu đã là di sản trong lòng người, nhưng chưa biết khi nào mới được công nhận là di sản trên giấy tờ.

Như tin đã đưa , tại phiên họp Chính phủ ngày 28/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định “Không dỡ cầu Long Biên” xung quanh nội dung đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 và “số phận” cầu Long Biên thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội và các Bộ, ngành cần họp bàn cụ thể để đưa ra phương án xây dựng cầu vượt đường sắt mới ở vị trí hợp lý nhất và không được phá bỏ cầu.

Tuy vậy, việc cầu Long Biên chưa được chính thức công nhận là di sản quốc gia khiến cho công tác gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của nó sao cho phù hợp với xu thế phát triển của đô thị Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn.

Đưa cầu Long Biên vào xếp hạng di sản là cấp thiết

KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chỉ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định:“Cầu Long Biên hội tụ đủ tiêu chí để xếp hạng di sản. Cây cầu là biểu trưng về mặt kỹ thuật, có thời gian tồn tại lâu dài.Nó có giá trị kỹ thuật, mỹ thuật, giá trị văn hóa và sau cùng là giá trị xã hội.Từ lâu,hình ảnh cầu Long Biên vắt qua sông Hồng đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người Hà Nội, là di sản trong lòng người”.

Cầu Long Biên vốn là hình ảnh quen thuộc trong ký ức tâm hồn nhiều thế hệ người dân Hà Nội (Ảnh: Hà Thành)

Cầu Long Biên thực chất đã được đưa vào xét hạng là Những công trình thời Pháp cần bảo tồn và xét hạng, vấn đề lớn nhất là thủ tục. Vì thế, đây là vấn đề do quản lý nhà nước, chứ giới chuyên môn hoàn toàn tôn trọng các giá trị của cây cầu. “Xây nhà, giữ nhà còn khó huống gì xây cầu, giữ cầu.Trên thực tế, để cầu được công nhận là di sản là rất khó” - KTS Nguyễn Quốc Thông nói.

Việc cầu Long Biên đến nay vẫn chưa được xếp hạng di sản theo GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc là sai lầm. Điều này gây khó khăn cho những người làm đề án, vì chúng ta làm gì cũng phải theo luật. Nếu cầu Long Biên là di sản thì đương nhiên phải ứng xử với nó theo Luật di sản.

Cầu Long Biên đến nay vẫn chưa được xếp hạng di sản là sai lầm? (Ảnh: Hà Thành)

GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu khẳng định, để bảo vệ cầu Long Biên, việc cấp bách đầu tiên là chúng ta nên sớm lập hồ sơ để đưa cầu Long Biên là di sản quốc gia. “Sau khi có quyết định công nhận, chúng ta sẽ ứng xử với nó như là một di sản văn hóa. Các phương án sẽ đều tập trung nghiên cứu, cần phải có sự phối hợp đa ngành, chứ không chỉ theo riêng phương án giao thông” - GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu nói.

Cầu Long Biên sẽ trở thành bảo tàng “sống”?

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội:“Bảo tồn và phát triển cần hài hòa với nhau, không thể vì nhu cầu phát triển cái mới mà chúng ta sẵn sàng phá bỏ di tích”.Ông cũng cho rằng mọi phương án bảo tồn và phát triển cầu Long Biên phải cùng lúc trả lời 3 câu hỏi: Có cần bảo tồn không; Bảo tồn để làm gì; Và bảo tồn như thế nào thì công tác bảo tồn mới đem lại hiệu quả.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm

Xung quanh những tranh cãi về bảo tồn cầu Long Biên, kiến trúc sư (KTS) Quy hoạch đô thị Nguyễn Nga đã nêu đề xuất thực hiện dự án biến cầu Long Biên trở thành bảo tàng và giao thông không khói (đi bộ, xe đạp, xe điện hoặc tàu điện nhỏ). Dự án này được đề xuất từ năm 2008.

Bà cho biết, phương án bảo tồn này theo đúng cách làm của thế giới: “Các di tích lịch sử cần phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, khai thác và phát triển nhằm phục vụ đắc lực đời sống tinh thần cho người dân”. Bà Nga kỳ vọng, dự án Bảo tàng Ký ức cầu Long Biên sẽ là điểm đến của du lịch thế giới.

Mọi phương án vẫn còn đang ở trước mắt, tuy vậy khi chúng ta có cái tâm, tức là có lòng yêu mến, quý giá di sản, và sau đó chúng ta lại có tầm suy nghĩ cho tương lai thì Hà Nội hoàn toàn đề ra phương án giải quyết phù hợp./.

Hà Phương/VOV online

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa/bao-gio-cau-long-bien-moi-duoc-cong-nhan-la-di-san/313668.vov