Bao giờ chấm dứt tình trạng thiếu vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng?

Những năm qua, việc cung cấp vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm trách. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, do thay đổi về cơ chế mua vắc xin sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số nên việc cung ứng vắc xin bị gián đoạn. Điều này dẫn đến thực trạng thiếu vắc xin TCMR ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tỉnh Quảng Trị cũng không ngoại lệ. Thiếu vắc xin TCMR đang tiềm ẩn nhiều mối lo cho ngành y tế và các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn.

Trạm Y tế xã Hải Chánh, Hải Lăng thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 6 tuổi -Ảnh: T.T

Liên tục từ tháng 5 -12/2023, Trạm Y tế Phường 1, TP. Đông Hà phải đăng thông báo để các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi TCMR biết về tình trạng không có các loại vắc xin như: 5 trong 1, sởi-Rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), IPV( bại liệt) để chủ động phương án tiêm chủng cho trẻ. Thiếu vắc xin 5 trong 1 thuộc chương trình TCMR nên trong thời gian qua, nhiều người dân phải bỏ ra số tiền không nhỏ để tiêm dịch vụ cho con mình.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nhi, ở Phường 1, TP. Đông Hà, có con nhỏ 2 tháng tuổi phải tìm đến cơ sở tiêm chủng tư nhân để tiêm vắc xin 6 trong 1 cho con. “Chi phí mũi tiêm vắc xin 6 trong 1 loại thuốc của Pháp hoặc Bỉ sản xuất là hơn 1 triệu đồng. Dù rất tốn kém, nhưng vì trạm y tế không có vắc xin nên gia đình buộc phải cho trẻ đi tiêm dịch vụ để bảo đảm sức khỏe. Nếu có đầy đủ vắc xin trong chương trình TCMR thì sẽ đỡ một khoản chi phí cho các gia đình có con nhỏ”, chị Nhi chia sẻ.

Thời gian trước đây, tại Trạm Y tế Phường 1, TP. Đông Hà, trung bình mỗi tháng có hơn 100 cháu trong độ tuổi được đưa đi tiêm các loại vắc xin 5 trong 1, lao, sởi, bại liệt.... thuộc chương trình TCMR. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, mỗi tháng trạm chỉ được phân bổ khoảng 8 - 10 liều vắc xin lao, còn vắc xin 5 trong 1 và nhiều loại khác không có hoặc số lượng rất hạn chế.

Đây cũng là tình trạng chung của các trạm y tế trên toàn tỉnh. Trạm trưởng Trạm y tế Phường 2, thị xã Quảng Trị Trần Thị Cẩm Vân cho biết: “Hiện tại, Trạm Y tế Phường 2 thiếu các loại vắc xin lao, sởi, rubella, vắc xin 3 trong 1 tiêm nhắc lại, vắc xin 5 trong 1. Đối với loại vắc xin 5 trong 1, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con đi tiêm dịch vụ để đảm bảo tiêm đúng thời kỳ trong điều kiện các trạm y tế trên địa bàn không có vắc xin, do đó về cơ bản tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của phường vẫn đảm bảo”.

Chương trình TCMR là một trong những chương trình y tế quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh truyền nhiễm cho trẻ em. Hiện nay, chương trình TCMR tại Việt Nam sử dụng 8 loại vắc xin để tiêm chủng cho trẻ. Trong 5 năm qua, công tác TCMR của tỉnh đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là trên hoặc bằng 95% (riêng chỉ tiêu kế hoạch của vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là trên hoặc bằng 85%). Trong năm 2022, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98,3%.

Từ trước đến nay, Bộ Y tế cấp vắc xin và một số vật tư tiêm chủng đối với chương trình TCMR cho trẻ em và phụ nữ có thai cho các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức thực hiện tiêm chủng miễn phí nhằm đạt chỉ tiêu tiêm chủng đối với từng loại bệnh, tạo miễn dịch cộng đồng, phòng chống dịch bệnh.

Từ năm 2023, việc mua và cung ứng vắc xin TCMR thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số được chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do các văn bản đến của Bộ Y tế về thông báo và hướng dẫn công tác đề xuất kinh phí, mua vắc xin muộn (tháng 4/2023) nên nguồn ngân sách địa phương hiện chưa được phê duyệt từ đầu năm 2023.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Thịnh, hiện tại trên địa bàn tỉnh đang thiếu nhiều loại vắc xin chương trình TCMR do việc ngưng cung ứng các loại vắc xin của Bộ Y tế. Sở Y tế đã thống nhất giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đấu thầu mua vắc xin, tuy nhiên gặp những vướng mắc như vắc xin cho trẻ trong chương trình hiện nay có cả vắc xin được sản xuất trong nước và vắc xin mua từ nước ngoài.

Các loại vắc xin xuất xưởng trước khi đưa vào sử dụng để tiêm cho trẻ em, phụ nữ phải được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, công việc này từ trước đến nay do Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Trường hợp các tỉnh phải tự mua vắc xin thì công tác kiểm định chất lượng và quy trình mua phải do tỉnh tự thực hiện, như vậy sẽ rất khó khăn.

Mặt khác, việc đấu thầu tập trung, đàm phán giá đối với các loại vắc xin trong chương trình TCMR phải cung ứng đủ, đảm bảo chất lượng, kiểm soát giá, kiểm định chặt chẽ, điều phối linh hoạt tránh lãng phí và giá phải thống nhất. Nếu các địa phương tự thực hiện đấu thầu mua sắm thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu vắc xin do đấu thầu không thành công vì các lý do như: không có nhà thầu tham gia, có mặt hàng không đảm bảo phải hủy thầu... Đặc biệt, với các loại vắc xin được cung ứng từ nước ngoài thì việc đấu thầu mua sắm sẽ khó khăn hơn.

Được biết, để khắc phục tình trạng hết và thiếu hụt vắc xin trong TCMR, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc xin, Bộ Y tế vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục.

Trong đó, với 10 loại vắc xin có khả năng sản xuất trong nước, Bộ Y tế đã rà soát các quy định và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng. Đối với vắc xin 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua bằng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của Luật Đấu thầu.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/bao-gio-cham-dut-tinh-trang-thieu-vac-xin-chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong/182142.htm