Bao giờ cho đến... ngày xưa?

Lời phát biểu tại nghị trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội XIV ngày 26/5/2018 của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã khiến dư luận xã hội chấn động 'Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn, giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa'.

Chấn động, vì vị đại biểu này đã khái quát được một thực trạng rất đau lòng: Lẽ ra cùng với sự phát triển của kinh tế, thì đạo đức xã hội cũng phát triển, cũng được nâng cao. Nào ngờ lại xảy ra tình trạng ngược lại: Kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội lại xuống cấp, sa sút.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An (Ảnh: quochoi.vn)

Thế hệ những người trước đổi mới, hẳn chưa ai quên. Những ngày đó, cái ăn cái mặc dẫu còn thiếu thốn, nhưng tình người thì lúc nào cũng như bát nước đầy. Chuyện phạm pháp hình sự cũng có, nhưng vô cùng ít ỏi, và hoàn toàn không có chuyện hàng giả, hàng nhái. Cả nước hừng hực hướng về tiền tuyến với quyết tâm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Không biết bao nhiêu gia đình ở bên đường đã sẵn sàng dỡ cả nhà lót đường cho xe đi, nhường nhà cho bộ đội, cho thanh niên xung phong ở...

Bây giờ, đời sống đã được nâng cao hơn trước cả chục lần. Nhưng thật khó hiểu là xã hội lại càng ngày càng phức tạp. Trộm cướp như rươi, mạng người trở nên vô cùng rẻ rúng. Chỉ một va chạm rất nhỏ cũng vằn mắt lên, cũng vung dao tước đoạt mạng người. Những vụ tàn sát nhiều người, thậm chí cả một gia đình trở thành “chuyện thướng ngày ở huyện”. Tội phạm càng ngày càng trẻ hóa. Không ít học sinh mười lăm mười sáu tuổi đã trở thành kẻ sát nhân.

Thống kê của Bộ công an cho thấy, mỗi năm có 1.600 vụ học sinh đánh nhau và mỗi tháng có hơn 1.000 thanh, thiếu niên phạm pháp hình sự. Rồi thuốc chữa ung thư giả, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư được làm từ bột than tre, hạt tiêu được trộn vỏ cà phê và đá vụn nhuộm ruột pin. Thực phẩm bẩn tràn lan. Lợn chết, gà toi trở thành đặc sản. Trong mỗi gia đình, những tế bào để làm nên cái cơ thể là xã hội, đạo đức cũng đang có vấn đề. Trong 9 năm thực hiện luật phòng chống bạo lực gia đình, cả nước đã xẩy ra trên 180 ngàn vụ bạo hành gia đình, tức là bình quân mỗi năm có 20.000 vụ. Đó chỉ là những vụ phát hiện được. Còn con số thực, chắc chắn phải hơn gấp nhiều lần. Số cặp vợ chồng ly hôn mỗi năm một tăng lên. Đình chùa, miếu mạo nhan nhản kẻ buôn thần bán thánh.

Vì sao lại có tình trạng đó?

Tìm câu trả lời cho câu hỏi này rất khó. Nhưng hình như việc mải mê lao theo những giá trị vật chất trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, đã khiến con người cạn dần đi tình nghĩa. Thêm vào đó, việc đầu tư lệch, chú ý nhiều đến kinh tế mà ít về văn hóa, cũng khiến cho xã hội lâm vào tình trạng này, đúng như lời của đại biểu Lưu Thành Công “Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến văn hóa, thì chúng ta tự làm mất chúng ta. Lúc đó sự phát triển kinh tế chẳng còn có ý nghĩa gì nữa”.

VŨ HỮU SỰ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bao-gio-cho-den-ngay-xua-post219247.html