'Bao giờ cho đến tháng mười' - từ truyện lên phim

Nghĩ về NSND - Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, ai cũng ngỡ anh chỉ là đạo diễn điện ảnh gạo cội, ít người biết anh còn là một nhà văn xuất sắc! Mới đây anh gửi tặng tôi tập truyện vừa 'Hoa nhài'  vừa được NXB Dân trí ấn hành với lời đề tặng lạ: 'Mến tặng Ngô Minh để đọc lại 'Bao giờ cho đến tháng mười'.

NSND-Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh.

Tôi đã hai lần xem phim "Bao giờ cho đến tháng mười" (BGCĐTM). Lần nào cũng xúc động rưng rưng. Tôi cũng đã đọc "Hồi ký điện ảnh" của anh nên biết rất rõ sự ra đời khá vất vả của bộ phim danh giá này. BGCĐTM được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Bộ phim cũng đã làm nên thương hiệu nữ diễn viên gạo cội Lê Vân trong vai Duyên. Phim đã nổi tiếng thế, sao anh còn dặn tôi đọc lại BGCĐTM? Anh muốn nhắn điều gì?

Và tôi đọc. Truyện BGCĐTM dài 66 trang. Quả thật, đây là một truyện vừa rất hay và xúc động. Đọc xong tôi điện ngay cho Đặng Nhật Minh: "Anh ơi, đọc truyện BGCĐTM, em có cảm giác truyện hay hơn phim anh ạ!". Anh cười trong điện thoại: "Ngô Minh là người đầu tiên nhận ra sự khác biệt (hay cái hay) trong truyện so với phim đấy. Tuy truyện này đã được công bố lâu rồi, nhưng ít người đọc nó, vì ai cũng nghĩ rằng đã xem phim rồi, đọc lại làm gì. Chỉ có anh là chịu khó đọc và nhận ra cái khác nhau giữa hai thể loại (văn học và điện ảnh)".

Trở lại với BGCĐTM, tôi nhận ra những chất liệu văn học tác giả dụng công tìm kiếm trong truyện đã làm nên chiều sâu cho bộ phim cùng tên. Đọc truyện sau khi đã nhiều lần xem phim, tôi có cảm giác đây là bộ phim BGCĐTM trên giấy. Chất trữ tình của Đặng Nhật Minh dẫn dắt người đọc bằng những hình tượng giàu chất nhân văn, nhân hậu... Mở đầu truyện là cảnh Duyên về làng sau chuyến vào Nam thăm chồng. Chồng chị đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Vì nỗi đau quá bất ngờ, vì đường xa mệt nhọc nên khi qua đò chị bị ngất đi, rơi xuống sông. May có Khang, một giáo viên trong làng đi cùng vớt chị lên. Khang cũng vớt lên được tờ giấy báo tử của chồng Duyên nên anh trở thành người đầu tiên biết tin này. Tờ giấy báo tử ấy là đầu mối dẫn câu chuyện đi vào cõi tâm linh huyền ảo. Duyên lại muốn giấu tin dữ, không muốn làm cho bố chồng già yếu đau buồn. Chị đã nhờ Khang viết những lá thư giả để làm yên lòng những người trong gia đình chồng. Cảm động trước sự hy sinh chịu đựng và nỗi mất mát của Duyên, Khang đã đem lòng yêu mến cô. Anh viết thư bộc lộ những tình cảm đó với Duyên. Không may bức thư lọt vào tay bà chị dâu và câu chuyện vỡ lở. Khang mang tiếng là người yêu phụ nữ có chồng là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Anh bị điều đi dạy ở nơi khác.

Còn Duyên vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến một ngày ông bố chồng sắp hấp hối giục cô phải đánh điện xin cho chồng về. Thấy Duyên chần chừ, đứa con trai lên bảy đã tự ý lên bưu điện huyện để đánh điện cho bố. Giữa đường nó xin đi nhờ xe bộ đội. Những người lính trên xe biết rõ sự tình bèn đánh xe quay về làng. Khi họ về đến làng, đứng bên giường của bố chồng Duyên thì cũng vừa lúc cụ trút hơi thở cuối cùng sau khi tin rằng con trai mình đã về. Mọi người trong làng bây giờ mới biết chồng Duyên đã hy sinh, họ không còn hiểu lầm Khang nữa, nhưng anh đã đi rồi. Bây giờ Duyên lại mong tin anh, mong anh trở lại...

Truyện BGCĐTM tóm tắt là thế. Nhưng Đặng Nhật Minh đã làm cho người đọc nhiều lần thổn thức với những giấc mơ của Duyên. Duyên nhiều lần gặp chồng trong mơ, lần nào cũng nghẹn ngào, đau đớn. Đó là tâm linh truyền thống dân tộc. Đó cũng là thủ thuật dựng truyện cao tay của tác giả. Viết về chiến tranh, Đặng Nhật Minh không theo lệ thường là tả cảnh bom rơi, đạn nổ. Qua giấc mơ của Duyên, anh đã sáng tạo nên một hình tượng chiến tranh rất cổ điển mà hoang dã, mang đậm tính huyền ảo: "... Anh đi trong hàng quân, súng trên vai... Phía trước là những đám cháy đỏ rực chân trời... Duyên chạy theo hàng quân gọi chồng, nhưng anh không hề quay lại. Bỗng từ đám cháy trước mặt một người phi ngựa thật nhanh tiến lại. Tới gần Duyên, con ngựa dựng hai chân trước lên, hí vang. Người trên ngựa ngã vật xuống đất. Duyên vội chạy lại quỳ xuống bên ngựa. Cô nhận ra vị thành hoàng làng. Một mũi tên cắm sau lưng ông, máu tuôn ra đẫm chiếc áo bào. Vị thành hoàng cố sức gượng dậy, chỉ gươm về phía lửa cháy rồi gục xuống trên vũng máu...".

Đọc truyện, tôi rơi nước mắt với nhiều chi tiết rất đắt giá, rất nhân văn. Truyện BGCĐTM rất đặc sắc. Đặng Nhật Minh bảo, các chi tiết hình ảnh xúc động nhất trong truyện BGCĐTM đều lên phim cả. Nhưng khi xem phim, các hình ảnh lướt qua rất nhanh, không kịp đọng lại. Còn khi đọc sách thì hình ảnh bày ra trên giấy trắng mực đen, trong từng con chữ, nên người đọc có cảm giác truyện hay hơn phim. Con đường thành tựu suốt đời của Đặng Nhật Minh là từ truyện lên phim. Truyện là cái bắt đầu, là cái gốc của phim. Đó là một đặc điểm trong sáng tạo điện ảnh của anh. Nhờ cái gốc văn chương ấy mà phim anh làm luôn sâu đậm chất nhân văn, lay động lòng người, được thế giới công nhận. Đó là điều mà các nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh Việt Nam phải phân tích làm rõ.

Truyện ngắn của anh thường xuất hiện trên báo Văn Nghệ như Cô gái trên sông, Ngôi nhà xưa, Tin đồn, Gặp gỡ ở cửa rừng, Thị xã trong tầm tay, Trở về, Nước mắt khô... Truyện ngắn Thị xã trong tầm tay của anh đã được giải Ba Cuộc thi truyện ngắn năm 1980 của báo Văn Nghệ. Tháng 4-2012, kỷ niệm 10 năm đặt chi nhánh tại Hà Nội, NXB Trẻ đã in 10 đầu sách của 10 nhà văn Hà Nội: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu,... và Đặng Nhật Minh với tuyển tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa. Nhiều truyện ngắn, truyện dài được anh chuyển thể thành những bộ phim ám ảnh người xem như Cô gái trên sông, BGCĐTM, Thị xã trong tầm tay, Ngôi nhà xưa (phim Mùa ổi)... Thực sự, nếu không là đạo diễn điện ảnh, anh là một nhà văn, một nhà văn như tất cả các nhà văn có danh khác. Từ truyện lên phim đã tạo ra chiều sâu và sức hấp dẫn của phim Đặng Nhật Minh.

NGÔ MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_174066_.aspx