Bao giờ có vắc-xin diệt virus Zika?

(Công lý) - Các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu về virus Zika cảnh báo rằng, quá trình nghiên cứu để tìm ra loại vắc-xin hữu hiệu có thể kéo dài tới 10 năm.

Theo cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Virus ZIKA là nguyên nhân của chứng nhỏ đầu (microcephaly) và các dị tật bẩm sinh ở hàng ngàn trẻ sơ sinh tại Brazil, đang "bùng nổ đáng sợ" và có thể lây nhiễm tới 4 triệu người ở khu vực Châu Mỹ.

Phương thức lây truyền chủ yếu của virus ZIKA là qua muỗi Aedes aegypti (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết), có một số bằng chứng gợi ý rằng, virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3 -12 ngày.

Phương thức lây truyền chủ yếu của virus ZIKA là qua muỗi Aedes aegypti

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus ZIKA có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa như sốt, nổi mẩn đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng do đó khó có thể phát hiện được bệnh.

Các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus ZIKA. Tuy nhiên, một số thông tin về dịch tễ học liên quan đến bệnh do virus ZIKA tại Brazil gần đây đã dấy lên sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới về ảnh hưởng của virus ZIKA đối với thai nhi.

Vào năm 2007, tại châu Á đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virut ZIKA đầu tiên, tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus ZIKA đã phán tán rộng tới hơn 20 nước như: Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, trong đó có Brazil – quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hàng ngàn ca mắc bệnh.

Theo đó, ngày 22/12/2015, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này ghi nhận 2.782 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Brazil điều tra và đánh giá mối liên quan giữa virus ZIKA và chứng não nhỏ. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân có thể liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh như các nhiễm trùng, nhiễm độc tố của bà mẹ trong quá trình mang thai, những lỗi của gen.

Do đó có thể mất nhiều thời gian để xác định chính thức mối liên quan này, đồng thời việc xét nghiệm và chẩn đoán ban đầu là vô cùng khó khăn.

Các nhà khoa học Mỹ cho biết, hiện đang có một dự án được các nhà khoa học thuộc khoa Dược đại học Texas, Mỹ đang tiến hành với hi vọng tìm ra loại vắc-xin đặc hiệu để chấm dứt nỗi lo sợ đang bao trùm nhiều quốc gia châu Mỹ.

Họ đã đến Brazil để trực tiếp thu thập mẫu xét nghiệm và đưa về các phòng thí nghiệm cao cấp tại Galveston phụ vụ cho việc nghiên cứu. Tòa nhà đặt phòng thí nghiệm luôn được cảnh sát và FBI giám sát vô cùng chặt chẽ.

Tuy nhiên các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, mặc dù loại vắc-xin này có thể sẵn sàng để thử nghiệm trong vòng 2 năm tới, nhưng quá trình để đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế có thể kéo dài 10 năm.

Nếu bào thai bị nhiễm trùng sẽ gây ra chứng teo não, tình hình sẽ vô cùng tồi tệ và có thể dẫn đến tử vong

Giáo sư Scott Weaver – Giám đốc Viện nghiên cứu nhiễm trùng và miễn dịch – cho biết loại virus này thực sự là một mối lo ngại đối với con người: “Đây là một nguy cơ rõ rệt. Nếu bào thai bị nhiễm trùng sẽ gây ra chứng teo não, tình hình sẽ vô cùng tồi tệ và có thể dẫn đến tử vong. Nếu may mắn sống sót, đứa trẻ cũng phải chịu những khiếm khuyết về trí tuệ trong suốt phần đời còn lại”.

Với mức độ nguy hiểm do virus ZIKA gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Nên chúng ta cần triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh. Các chuyên gia Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Lật úp các dụng cụ không chứa nước…

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

-Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/the-gioi/tin-nhanh/bao-gio-co-vac-xin-diet-virus-zika-136718.html