Bao giờ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có những giải trình liên quan việc xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/9.

Lộ trình xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Tại phiên họp trên, giải trình thêm một số câu hỏi của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, liên quan đến việc xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, năm 2010 Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng Quốc hội chưa thông qua và yêu cầu cập nhật, làm rõ một số nội dung, hiệu quả của dự án, lộ trình đầu tư, phương án huy động nguồn lực, trong đó nói rõ phần nào của Nhà nước, phần nào tư nhân có thể tham gia được.

Sau đó, Chính phủ đã giao Bộ GTVT tiếp tục cập nhật nghiên cứu tiền khả thi. Gần đây, Bộ GTVT mới báo cáo lên Chính phủ kiến nghị về lộ trình, phấn đấu năm 2018, Bộ GTVT sẽ trình lên Chính phủ để thẩm định lại, nếu thông qua được thì trình lên Quốc hội, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020 và chuẩn bị tiền đề để xây dựng đoạn thí điểm, đoạn ưu tiên sau năm 2020.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, hiện Hàn Quốc đang nghiên cứu 2 đoạn là Hà Nội - Vinh và TPHCM - Cần Thơ.

“Theo lộ trình dự kiến của Bộ GTVT, phù hợp với quy hoạch chiến lược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta xây dựng đến 2050 cơ bản hoàn thành xong tuyến đường sắt tốc độ cao”, ông Đông cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nếu được Chính phủ, Quốc hội thông qua thì sau năm 2020 sẽ xây dựng thí điểm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, lộ trình từ nay đến 2020 là xây dựng chủ trương, sau năm 2020 xây dựng tuyến thí điểm từ Sài Gòn đi Long Thành, sau đó làm tiếp đoạn ưu tiên Hà Nội -Vinh và TPHCM. Ngoài năm 2030 thì sẽ nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội vào Đà Nẵng, từ Sài Gòn ra Đà Nẵng.

“Nếu làm như tất cả các dự án khác, nếu làm được sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ 4-6 làn xe, cải tạo đường sắt nâng tốc độ lên tốc độ 80km/h thì vẫn cần 1 tuyến đường sắt mới tốc độ cao để cạnh tranh với phương thức vận tải khác, giảm chi phí, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Thị phần vận tải đường sắt liên tục giảm do đâu?

Cũng tại phiên làm việc trên, giải đáp thắc mắc của đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thị phần của ngành đường sắt liên tục giảm trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận đây là một thực tế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, năm 2014-2015, vận tải hành khách đạt 11,2 triệu hành khách, giảm nhiều so với trước kia. Hàng hóa vận chuyển qua đường sắt cũng tương tự như vậy, giờ chỉ chiếm thị phần khoảng 0,39-0,4% so với các phương thức vận tải khác.

Nguyễn Ngọc Đông cho biết, mạng đường sắt của ta là từ thời Pháp để lại, giờ số cây số đã thấp đi. Con số từ thời pháp là trên 3.300km nhưng giờ tổng báo cáo có 3.141km, trong đó có 612km trong ga, tức là trên tuyến chính chỉ có 2.542 cây số.

“Con số từ năm 2014-2015 luôn giảm do mô hình cơ cấu tổ chức giao tất cả cho Tổng công ty Đường sắt quản lý cả hạ tầng và đơn vị vận tải nên bối cảnh cạnh tranh còn hạn chế. Kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác rất hạn chế. Trước kia có nhiều đường sắt nối vào các cảng nhưng nay chỉ còn 3 điểm kết nối là cảng Hải Phòng, cảng Việt Trì và một cảng ở Ninh Bình”, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, nếu sửa đổi, trước hết ta phải tạo ra thị trường và có cạnh tranh.

“Chúng tôi rất muốn tách hạ tầng, tiến tới cho thuê các tuyến đường sắt để khai thác, thu hút các thành phần kinh tế khác, kêu gọi tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe và các cơ sở đầu tư kinh doanh vận tải. Còn hạ tầng Nhà nước đảm bảo, tư nhân vào thì sẽ có kết nối tốt hơn, doanh nghiệp nhà nước thì tính cạnh tranh không cao. Kinh nghiệm trên thế giới thì tất cả hạ tầng cơ bản Nhà nước nắm chủ đạo”, ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, thực tế thời gian qua, chưa có tuyến đường sắt nào tư nhân đầu tư, kể cả kêu gọi đầu tư hay cho thuê. Hiện tất cả 3.143km đường sắt đang giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam quản lý và khai thác.

“Hiện tư nhân mới tham gia vào đường sắt bằng việc đóng được các toa đi một số chặng, sau đó chia sẻ lợi ích cùng với Tổng công ty đường sắt. Một số nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư cho bãi hàng, kết nối với các phương thức vận tải xuống Hải Phòng để tăng cường thị phần vận tải hàng hóa qua việc kết nối, kêu gọi tư nhân vào, giảm gánh nặng cho Nhà nước về việc đầu tư”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Tuấn Minh

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bao-gio-xay-dung-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post208892.info