Bạo hành trẻ em: Một vụ việc - nhiều bài học

Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, điều đáng nói, những sự việc vừa qua không xảy ra ở trường học hay những điểm trông giữ trẻ mà diễn ra ở ngay trong gia đình các nạn nhân. Đã có trường hợp chính những người sinh thành, dưỡng dục hoặc là người tình của bố hoặc mẹ nhẫn tâm đánh dập, hành hạ con trẻ một cách không thương tiếc. Đặc biệt, tình trạng bạo hành có biểu hiện gia tăng trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Cùng với việc hướng dẫn các kỹ năng bảo vệ bản thân, học sinh tại Trường Mầm non Tottochan Montessori (TP Thanh Hóa) luôn được giáo viên quan tâm, chia sẻ để trẻ sẵn sàng mở lòng khi gặp các vấn đề về bạo hành, xâm hại.

Những ngày cuối năm 2021, sự việc bé V.A. 8 tuổi (TP Hồ Chí Minh) bị “dì ghẻ” bạo hành dẫn đến tử vong đã gây rúng động dư luận. Đau lòng hơn, khi chính bố đẻ của bé V.A. lại là người tiếp tay, bao che cho những hành động bạo hành con gái của mình. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách khẩn trương, điều tra, làm rõ sự việc. Bố đẻ và người tình chắc chắn sẽ phải nhận những bản án thích đáng. Song, trên một số diễn đàn, nhiều người cũng cho rằng mẹ của bé V.A. cũng thực sự đáng trách. Bởi suốt 1 năm trời không được gặp con, nhận thấy con có biểu hiện tâm lý bất thường, song đã không tìm mọi cách để biết tình cảnh của con và ngăn chặn tội ác kịp thời. Nhiều người cũng cho rằng, nếu mẹ ráo riết hơn trong việc tìm kiếm thông tin của con mình, biết đâu V.A. đã có cơ hội được giải thoát. Trong khi đó, hàng xóm cùng chung cư nơi V.A. sinh sống cho biết, họ thường xuyên nghe được những âm thanh cho thấy cháu V.A. bị bạo hành, họ cũng đã báo cáo với ban quản lý (BQL) chung cư. Thế nhưng, sự bàng quan, cho rằng đó là “chuyện riêng” ở mỗi gia đình, BQL chung cư nơi V.A. sinh sống đã để cô bé cô đơn trong “cuộc chiến sinh tồn”.

Những tưởng, các sự việc bạo hành chỉ diễn ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân trí và điều kiện thông tin tuyên truyền hạn chế, nơi còn nhiều hủ tục, nhưng không, sự việc gây rúng động dư luận lại diễn ra ngay ở đô thị, nơi địa bàn dân trí cao. Thậm chí, bố đẻ của bé V.A. là người từng đi du học nước ngoài trở về, được tiếp nhận một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến; nhân tình của bố V.A. là “hot girl” thường xuyên online cập nhật các thông tin của cộng đồng mạng xã hội; ông bà nội là lãnh đạo tại bệnh viện. Lẽ ra, họ phải yêu thương V.A. gấp nhiều lần bởi bé chịu nhiều thiệt thòi khi tổ ấm tan vỡ. Chưa bàn đến lương tri của bố đẻ hay của “dì ghẻ”, nhưng rõ ràng V.A. đã thiếu đi sự yêu thương, chở che của người thân, mà đặc biệt là lỗ hổng trong giáo dục gia đình đã dẫn đến những hậu quả “không thể khắc phục”. Đây cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình trong hoạt động chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng tình yêu thương giữa các thế hệ trong gia đình cũng như bảo vệ quyền trẻ em.

Thiết nghĩ, sự việc bé V.A. bị nhân tình của bố đánh đập, bạo hành đến mất mạng đã là đỉnh điểm của sự đau đớn, thì sự việc bé gái 3 tuổi (TP Hà Nội) bị đinh găm vào đầu đã đẩy dư luận đến tột cùng của sự phẫn nộ. Có lẽ, cho đến giờ phút này, khi bé đã “về bên kia thế giới”, không một ai, không một trí tưởng tượng nào có thể nghĩ ra được cảnh một người đàn ông (nhân tình của mẹ bé gái) có thể tra tấn một đứa trẻ 3 tuổi bằng cách đóng đinh vào đầu. Nhiều nhà tâm lý, xã hội học, dù đã quá quen tiếp cận với rất nhiều vụ việc khủng khiếp cũng hoảng loạn trước sự việc này. Thậm chí, có chuyên gia phải tạm thời khóa facebook, ngưng lên tiếng vì không biết phải nói gì với cộng đồng vào thời điểm ấy.

Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) bày tỏ bức xúc, chính sự vô tâm của những người lớn, gồm: cha, mẹ, người thân và kể cả hàng xóm đã vô tình dung túng, tiếp tay cho kẻ ác hành hạ các em. Không lẽ tiếng la khóc của trẻ khi bị hành hạ không ai nghe thấy. Về phía cha mẹ, mặc dù không ở cùng con nhưng thiếu đi sự quan tâm, chẳng nhẽ không gọi điện, hỏi thăm con thường xuyên hoặc khi đến thăm chẳng nhẽ cha mẹ ruột không nhìn thấy những vết tích đòn roi, các biểu hiện bất thường về tâm lý và thể chất của trẻ... Nếu thực sự quan tâm sát sao thì người lớn có thể nhận ra, có giải pháp để bảo vệ cho con khỏi những đòn roi hiểm ác.

Chắc chắn sau mỗi sự việc, những kẻ bạo hành con trẻ, những kẻ gây ra tội ác sẽ phải đối mặt với những bản án thích đáng của luật pháp. Thiết nghĩ, ngoài việc xử lý nghiêm đối với thủ phạm, cơ quan chức năng cần truy cứu, xử lý hành vi vô trách nhiệm của những người lớn có liên đới trong các vụ việc bạo hành trẻ em. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định pháp luật liên quan như: quyền trẻ em; mức xử phạt về hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, bạo hành gia đình; mức phạt đối với hành vi không tố cáo khi biết trẻ bị xâm hại, bạo hành... để mọi người biết bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn của cả cộng đồng. Đặc biệt, cùng với vai trò của các bậc cha mẹ, tại các nhà trường cũng cần dạy trẻ các kỹ năng bảo vệ bản thân, gần gũi để trẻ mở lòng chia sẻ nếu gặp các vấn đề liên quan, nhất là gặp phải sự bạo hành, xâm hại.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bao-hanh-tre-em-mot-vu-viec-nhieu-bai-hoc/155632.htm