Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp

Tình trạng bạo hành trong bệnh viện là tiếng chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, lối sống, ứng xử trong bệnh viện, cần phải được xử lý từ gốc rễ...

Chiều 8/6, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm "Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp".

GS.TS. Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc bệnh viện K phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc bệnh viện K cho biết, vấn nạn bạo hành nhân viên y tế diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới từ các nước phát triển đến những nước đang phát triển. Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2010 đến hết 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Riêng năm 2018, đã xảy ra 3 sự việc nghiêm trọng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, mới nhất là sự kiện bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi đánh vào mặt khi đang hướng dẫn, giải thích quy trình.

Có thể nói, mất an ninh trật tự trong bệnh viện, bạo hành nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ là vấn đề vô cùng bức xúc hiện nay. Theo số liệu tổng hợp các vụ việc qua phản ánh của thông tin báo chí và được Bộ Y tế xác minh cho thấy, số vụ việc xảy ra trong năm 2017 vừa qua nhiều hơn so với tất cả các năm trước đây: Năm 2017: 13 vụ, nhiều hơn so với tổng số 12 vụ xảy ra trong cả 3 năm 2014, 2015, 2016 và so với tổng số 10 vụ trong cả 3 năm 2011, 2012, 2013.

GS.TS. Trần Văn Thuấn cho rằng, dư luận cả nước nhất là các cán bộ nhân viên ngành y tế rất bức xúc trước vấn đề tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là ở một số bệnh viện lớn xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự mà cụ thể là các vụ việc người nhà bệnh nhân hủy hoại tài sản công và hành hung y, bác sĩ.

"Những hành động đáng lên án nêu trên không chỉ đơn thuần xuất phát từ một phía, mà đằng sau đó còn có thể liên quan đến các nguyên nhân khác. “Vấn đề không dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực hoặc do ảnh hưởng của rượu, bia, chất kích thích ở một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, mà ngay chính phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân của một số y, bác sĩ, nhân viên y tế còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác, mà việc tăng cường các biện pháp pháp lý không thể giải quyết triệt để vấn đề”, GS. TS. Trần Văn Thuấn chia sẻ.

Các khách mời trao đổi về nguyên nhân, giải pháp phòng chống bạo hành trong bệnh viện

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, tình trạng bạo hành trong bệnh viện là tiếng chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, lối sống, ứng xử trong bệnh viện, cần phải được xử lý từ gốc rễ. Các chuyên gia, y bác sĩ đã nhận định nguyên nhân của tình trạng này, xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Bởi bệnh viện là môi trường đặc thù, có tính rủi ro cao, các sự cố như vậy có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi; sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện; tính chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện và nhận thức của người dân còn chưa cao...

Từ các nguyên nhân này, các đại biểu đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như: Các bệnh viện bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị như rà soát và củng cố toàn bộ khuôn viên, tường rào bệnh viện; kiểm soát lối ra vào của bệnh viện; rà soát và lắp đặt các camera an ninh và hệ thống báo động khẩn cấp. Xây dựng và củng cố đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người thầy thuốc, nhân viên y tế cách thức nhận dạng và phòng ngừa các tình huống bạo hành có thể xảy ra và có những khuyến cáo dành cho nhân viên y tế để họ có thể tự vệ, tránh được những tổn thất về sức khỏe, tinh thần… Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành của chính quyền, cơ quan công an, dân phòng và các ban ngành khác; vai trò và sự tham gia của người dân, người bệnh trong việc phát hiện các nguy cơ và hành vi, bạo lực và cùng lên án, ngăn chặn các hành vi bạo lực kịp thời.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức cho biết, trước sự gia tăng vấn nạn bạo hành y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình”, sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.

Hiện nay, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (C64 - Bộ Công an) đang hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Khi Quy chế được thực hiện, đây sẽ là căn cứ chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh ký kết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trên địa bàn, phòng chống hiệu quả nguy cơ xảy ra bạo hành trong bệnh viện./.

Tin, ảnh: Bảo Hưng

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thi-dua-yeu-nuoc/bao-hanh-trong-benh-vien-van-nan-va-giai-phap-486771.html