Bảo hiểm còn là 'gà đẻ trứng vàng'?

Thị trường đang ngày càng phân hóa rõ ràng khi dòng tiền tiếp tục 'đổ' về bảo hiểm phi nhân thọ, qua đó gia tăng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.

Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng âm

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2024 ước giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 53.295 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 33.740 tỷ đồng, giảm 10,9%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.555 tỷ đồng, tăng 9,8%.

Như vậy, doanh thu phí bảo hiểm đã liên tục giảm trong 4 quý liên tiếp theo sau là đà tăng trưởng âm của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, tốc độ giảm của quý I/2024 so với các quý trước đã có sự chậm lại.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm quý I/2024 ước đạt 20.988 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 779.116 tỷ đồng, tăng 10,4%; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 932.866 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, việc khai thác qua kênh bán chéo bảo hiểm của ngân hàng (Bancassurance) của một số công ty bảo hiểm top đầu và khủng hoảng truyền đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ thị trường này.

Ngoài ra, việc cơ quan quản lý siết các chỉ tiêu đo lường mục đích giúp thị trường trở nên chất lượng hơn, như thay đổi đề thi theo hướng khó hơn, giám sát chặt chẽ hơn việc thi cấp phép, địa điểm thi… đã khiến việc tuyển dụng đại lý mới tăng trưởng âm. Tuyển dụng mới không tăng trưởng kéo theo doanh thu khai thác mới đến từ kênh đại lý giảm mạnh.

Doanh thu của Manulife Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm trong năm 2023 giảm 20%.

Doanh thu của Manulife Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm trong năm 2023 giảm 20%.

Với số liệu mới nhất vừa công bố, doanh thu thuần của Manulife Việt Nam hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2023 đạt 21.052 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022. Các chi phí về hoạt động bán hàng theo đó cũng giảm tương ứng.

Mặc dù sụt giảm doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc quản lý chi phí hiệu quả và kết quả đầu tư tài chính khả quan đã góp phần tích cực vào kết quả lợi nhuận của Manulife Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 của công ty đạt 3.270 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2022.

Tính đến hết 2023, tổng tài sản của Manulife Việt Nam đạt 118.633 tỷ đồng, tăng 12% so với 2022.

Tương tự, Prudential Việt Nam đã ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn đạt 27.137 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận gộp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh từ mức 10.082 tỷ đồng xuống còn 1.283 tỷ đồng. Kết thúc năm, Prudential báo lãi hơn 3.113 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với năm trước đó.

Cùng lúc, thu nhập từ kênh bảo hiểm của nhiều ngân hàng lớn cũng sụt giảm trong quý I/2024, như: MBank giảm gần 200 tỷ đồng, Techcombank giảm 14% về 166 tỷ đồng, SeaBank giảm 14,4% về 19 tỷ đồng…

Tiền "đổ" về bảo hiểm phi nhân thọ

Trái ngược với nửa còn lại của thị trường, quý I/2024, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết (chủ yếu là phi nhân thọ) đều báo lãi tăng trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức.

Theo đó, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 617 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.066 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Tổng tài sản hợp nhất tại 31/03/2023 đạt hơn 9 tỷ USD, ở mức 234.272 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm 31/12/2023.

Kết thúc quý I/2024, tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 3.006 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng, tăng trưởng 21%.

Bảo hiểm Bảo Việt vẫn đang là hãng bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu trong ngành.

Bảo hiểm Bảo Việt vẫn đang là hãng bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu trong ngành.

Theo sau Bảo Việt, Công ty Cổ phần PVI cũng báo lãi trước thuế 446,4 tỷ đồng, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của PVI ở mức 372,6 tỷ đồng, tăng 38,7%. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp, vượt qua kỷ lục từng ghi nhận vào quý II/2020.

Được biết, lợi nhuận quý I của PVI tăng đột biến do tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty (phần lớn là doanh thu từ bảo hiểm) đạt gần 6.160 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong đó, thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đều có mức tăng trưởng lần lượt là 30,5% và 231,7%, mang về doanh thu 4.217 và 1.662 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của PVI ở mức 30.711 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm ngoái. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng thêm 5,7%, ở mức 928 tỷ đồng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, với sự phục hồi mạnh từ doanh thu bảo hiểm.

Với những triển vọng của năm 2024 tới, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho rằng ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm phục hồi mạnh mẽ.

Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm ước tính tổng tài sản của ngành đạt 1.004.421 tỷ đồng, tăng trưởng 9,97% so với năm 2023.

Ngành bảo hiểm cũng dự kiến đóng góp cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm kỳ vọng đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%).

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bao-hiem-con-la-ga-de-trung-vang-192240510154547591.htm