Bảo hiểm nhân thọ tất bật với quy định mới

Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, đàm phán đưa tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm vào thỏa thuận hợp tác với ngân hàng…

Các doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực xây dựng bộ hợp đồng bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu hơn

Hợp đồng bảo hiểm sẽ đơn giản, dễ hiểu hơn

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số /2022/NĐ-CP ngày tháng năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rõ, trong hợp đồng bảo hiểm phải có tài liệu tóm tắt về các điều khoản bảo hiểm và các điểm cần lưu ý trong quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm…, cùng những tài liệu quy tắc, điều khoản bảo hiểm, tài liệu minh họa bán hàng, bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm (nếu có). Đây là nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện các giải pháp để bộ hợp đồng bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu hơn.

Đối với việc xây dựng bản tóm tắt thông tin hợp đồng bảo hiểm, Generali Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiên phong thực hiện từ cuối năm 2020 và đã rút ngắn bộ hợp đồng xuống 30 trang. Nhà bảo hiểm này còn tích hợp phiên bản trực tuyến vào bộ hợp đồng này nhằm giúp khách hàng dễ dàng truy cập và tìm kiếm thông tin trên mọi nền tảng, thiết bị vào mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, khách hàng có thể dễ dàng quản lý hợp đồng cũng như thực hiện các dịch vụ liên quan thông qua hệ thống GenVita, chú ý sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu trong tất cả thư từ liên lạc với khách hàng…

Tiếp theo, vào tháng 6/2023, Prudential Việt Nam đã cho ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới chỉ với 8 trang - là bản tóm tắt những điều khoản quan trọng trong hợp đồng gốc một cách dễ hiểu, dễ đọc hơn cho người dùng…

Được biết, bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện nay có độ dài phổ biến từ 20-60 trang tùy sản phẩm. Chẳng hạn, bộ hợp đồng của Aviva (nay là MVI Life) khoảng 19 trang; AIA, Manulife khoảng 25 trang; FWD khoảng 44 trang; Bảo Việt Nhân thọ khoảng 51 trang; Chubb Life khoảng 61 trang…

Để đảm bảo sự thống nhất các nội dung cần có trong bản thông tin tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đang là đầu mối tập hợp, phối hợp cùng các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu xây dựng mẫu tài liệu này.

Siết chặt hơn việc bán bảo hiểm qua ngân hàng

Cùng với thống nhất xây dựng bản tóm tắt thông tin hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn, dễ hiểu hơn, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ phải đàm phán đưa tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm đến năm thứ 2 (tỷ lệ K2) vào tiêu chí kiểm tra giám sát chất lượng của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Theo một chuyên gia trong ngành, cùng với việc đưa quy định này vào hợp đồng đối tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu áp dụng tỷ lệ duy trì hợp đồng K2 và ngân hàng thương mại nào bán bảo hiểm có tỷ lệ này thấp hơn mức chuẩn sẽ có sự cảnh báo.

Vào cuối tháng 6/2023, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra đối với 4 công ty bảo hiểm nhân thọ gồm BIDV Metlife, MB Ageas, Prudential Việt Nam và Sun Life Việt Nam, qua đó bức tranh tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm phần nào hé lộ.

Theo thông tin được công bố, năm 2021, Prudential Việt Nam phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất của những hợp đồng này (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance trong năm 2021, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 4,05%), tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank là 73%, ACB là 39%.

Năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, trong đó 3.946 hợp đồng bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng tỷ lệ 5,91%), tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) là 32,4%...

Tại BIDV Metlife, trong năm 2021, doanh nghiệp bảo hiểm này chỉ triển khai bán bảo hiểm thông qua ngân hàng mẹ BIDV và phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.

Được biết, trong cuộc họp với các doanh nghiệp mới đây, IAV và các doanh nghiệp thành viên đều thống nhất rằng, hiện là thời điểm thích hợp để đàm phán lại với các ngân hàng đối tác, bổ sung tiêu chí đánh giá này vào thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên… Khi có dữ liệu về tỷ lệ duy trì hợp đồng chung của thị trường, IAV sẽ có văn bản khuyến nghị hội viên áp dụng (hiện tại, IAV không có các dữ liệu này do các doanh nghiệp bảo hiểm không báo cáo).

Theo quy định tại Điều 26 - dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số /2022/NĐ-CP ngày tháng năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn ít nhất 5 năm.

Thứ hai, đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.

Thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có).

Thứ tư, định kỳ hàng tháng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo quy định về việc “ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời gian khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn và trong thời hạn ba tháng kể từ ngày giải ngân khoản vay”…

Đối với việc bổ sung quy định tỷ lệ K2 vào thỏa thuận hợp tác kinh doanh với ngân hàng, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đây không phải là điều khoản mới bởi trước đây cũng đã có một số công ty bảo hiểm đưa điều khoản này vào hợp đồng ký kết với các đối tác ngân hàng. Tất nhiên, không phải ngân hàng nào cũng chấp nhận nên công ty bảo hiểm nào trung thành với nguyên tắc này sẽ không có nhiều đối tác. Song, tới đây, các ngân hàng sẽ phải chấp nhận điều khoản này bởi đây là quy định bắt buộc, chứ không phải điều muốn hay không.

“Quy định chung là vậy, nhưng việc xây dựng tỷ lệ duy trì hợp đồng K2 cụ thể lại là câu chuyện khác, nó tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh cũng như thỏa thuận hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm”, vị đại diện trên nói.

Ngọc Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-nhan-tho-tat-bat-voi-quy-dinh-moi-post328311.html