'BẢO HIỂM NIỀM TIN'

Một người bạn làm đại lý bảo hiểm than phiền với tôi: 'Người Việt Nam mình chưa có thói quen phòng ngừa rủi ro nên chưa mặn mà tham gia bảo hiểm. Vì thế, lúc xảy ra rủi ro, gia đình có thể lâm vào tình trạng khánh kiệt'.

Tôi lại có góc nhìn khác. Người Việt Nam vốn cẩn thận, lo xa. Hầu như gia đình nào, người trưởng thành nào cũng có kế hoạch và thực hiện tích lũy phòng lúc ốm đau, già yếu hay thiên tai, hoạn nạn. Nhà nước Việt Nam cũng rất coi trọng phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để chăm lo cho người lao động lúc đau ốm, tuổi già...

Điều mà bạn tôi bàn ở đây là về các gói bảo hiểm thương mại do doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm phát hành. Phải thấy rằng, không ít người muốn mua một hoặc thậm chí nhiều gói bảo hiểm loại này để có một chỗ dựa an toàn về tài chính cho bản thân và gia đình, vì tình huống rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Nhưng hiện nay, nhiều người e ngại mua các gói bảo hiểm thương mại, bởi niềm tin của họ với bảo hiểm liên tục bị thử thách trước thực tế gian nan mà bản thân hoặc người thân, bạn bè mình gặp phải khi đi đòi quyền lợi bảo hiểm.

Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn.

Chuyện xảy ra với gia đình tôi đã rất lâu rồi. Hồi ấy, học sinh tham gia bảo hiểm thân thể gần như thành phong trào. Anh em tôi cũng được bố mẹ mua bảo hiểm, vì nghĩ tới rất nhiều lợi ích của việc tham gia bảo hiểm, rằng đó là hành động mang nhiều ý nghĩa. Mua bảo hiểm vừa đề phòng rủi ro cho bản thân, vừa để góp phần chung tay giúp đỡ các bạn không may bị tai nạn. Thế rồi, chuyện không may xảy ra khi em trai tôi bị đuối nước lúc cùng các bạn đi tắm ao. Bên bảo hiểm nhất quyết từ chối chi trả, vì cho rằng em tôi “phải có ý thức đi tắm ao là nguy hiểm nên bị đuối nước không phải là tai nạn”. Khi gia đình tôi khiếu nại đến rất nhiều cấp, doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải thanh toán tiền bảo hiểm, nhưng niềm tin của gia đình tôi vào bảo hiểm đã không còn...

Đồng nghiệp của tôi kể, anh mua bảo hiểm ô tô ở Hà Nội, xe bị tai nạn ở miền Trung nên gọi đại diện hãng bảo hiểm khu vực đến giải quyết. Đại diện hãng bảo hiểm ấy nói, doanh nghiệp ở miền Trung và doanh nghiệp ở miền Bắc cùng thuộc một hãng bảo hiểm, nhưng hạch toán độc lập nên doanh nghiệp miền Bắc mới có trách nhiệm bồi thường. Sau đó đuối lý, người đại diện ấy tiếp tục từ chối bảo hiểm với lý do: Vụ tai nạn đã được công an lập biên bản, trách nhiệm bồi thường là của người đi xe máy đâm vào ô tô, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm chi trả. Những lời giải thích vô trách nhiệm như vậy khiến niềm tin của khách hàng vào các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bị giảm sút nghiêm trọng.

Đó mới là lý do phần đông người Việt Nam chưa hào hứng tham gia các gói bảo hiểm có tính thương mại, vì còn nghi ngờ tất cả ích lợi họ "vẽ" ra sẽ không được thực thi một cách nghiêm túc, trách nhiệm và có tâm.

Doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra nhiều hứa hẹn. Nhưng những lời hứa hẹn đó có được ai "bảo hiểm" cho không? Niềm tin mới là tài sản vô giá. Xây dựng được niềm tin với khách hàng đã là một việc vô cùng khó. Có được niềm tin của khách hàng, nhưng để niềm tin bị đổ vỡ, hiệu ứng dây chuyền là khó tránh khỏi và việc lấy lại niềm tin còn khó hơn rất nhiều. Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực sự là người bạn đồng hành, chia sẻ cùng khách hàng, chứ không phải là kẻ chây ì, gây thêm khó khăn, ức chế, xoáy thêm vào nỗi đau mỗi khi khách hàng gặp hoạn nạn. Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải “bảo hiểm” cho niềm tin của khách hàng, nếu không sẽ bị "thượng đế" thờ ơ, quay lưng.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bao-hiem-niem-tin-635961