Bảo hiểm tai nạn lao động giúp giảm gánh nặng cho công nhân

Gặp tai nạn lao động nhưng mức đền bù không phải ai cũng giống nhau, bởi khi tham gia bảo hiểm tai nạn xã hội bắt buộc, quyền lợi người lao động được đảm bảo hơn.

Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thị Mơ (SN 1980, ở xóm Đại Tân, xã Tiên Phong, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) làm lao động tự do cho một công ty xây dựng tại quận Hoàng Mai (TP Hà Nội). Giữa chị và chủ sử dụng lao động thỏa thuận việc làm, mức lương bằng lời nói.

Ngày 11/12/2020, trong lúc làm việc tại công trường, chị Mơ bị đất vùi chết. Sau vụ việc, Công ty bồi thường cho đại diện thân nhân nạn nhân số tiền 117,6 triệu đồng, bằng 30 tháng lương theo quy định. Nhưng người thân của chị không được hưởng các chế độ trợ cấp do BHXH chi trả. 2/3 người con của chị Mơ chưa đủ 18 tuổi cũng không được hưởng chế độ tuất hằng tháng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Toán (SN 1970, trú Bắc Giang) làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân về sản xuất gạch. Trong khi bất cẩn, ông bị cuốn vào máy dẫn đến tử vong. Ông Toán sau đó hưởng một khoản tiền nhất định do người sử dụng lao động thỏa thuận bồi trả.

Nhưng với những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, quyền lợi của họ và người thân được đảm bảo hơn.

Ví như trường hợp của anh Mai Văn Đảnh (SN 1991, ở thôn 7, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình). Anh Đảnh làm công nhân tại Chi nhánh Công ty CP khai khoáng Miền Núi - Mỏ đá Núi Chuông, xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Anh có hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng. Ngày 14/1/2017, trong lúc làm việc do không đeo dây an toàn, sơ ý trượt chân nên bị ngã từ độ cao 25m và tử vong.

Sau tai nạn, chủ sử dụng lao động thực hiện bồi thường cho thân nhân nạn nhân số tiền 180 triệu đồng, tương đương với 30 tháng lương. Do có tham gia BHXH bắt buộc nên ngoài số tiền bồi thường của chi nhánh, BHXH trợ cấp cho thân nhân anh Đảnh tổng số tiền hơn 55 triệu đồng, trong đó hơn 12 triệu tiền mai táng phí; hơn 43 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần. Riêng cháu con gái mới 2 tuổi của anh được nhận trợ cấp tuất hằng tháng, với số tiền 605.000 đồng/tháng đến năm đủ 18 tuổi.

Trước đó, cũng ở Thái Nguyên, vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 6/7/2017, tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hiệp Linh, Khu công nghiệp Sông Công I. Kíp làm việc có 4 người làm nhiệm vụ nấu luyện thép bằng lò điện trung tần. Do thiết bị sản xuất không an toàn đã dẫn đến tai nạn lao động làm 1 người chết, 3 người bị thương. Các nạn nhân đều là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nên ngoài số tiền bồi thường từ phía Công ty, họ còn được BHXH thanh toán chế độ tai nạn lao động. Mức hỗ trợ được căn cứ vào kết quả giám định của từng người.

Vì một lí do đơn giản - khổ nạn không tham gia đóng BHXH bắt buộc, nên khi sự việc ập đến cả người lao động và người sử dụng lao động đều gánh chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế.

B.Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-hiem-tai-nan-lao-dong-giup-giam-ganh-nang-cho-cong-nhan-post426523.html