Bảo hiểm thất nghiệp: Chia sẻ gánh nặng với người lao động và doanh nghiệp

Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đến nay đã có gần 12,7 triệu người tham gia. Kết dư quỹ hiện khoảng trên 79.000 tỷ đồng.

Người lao động tìm hiểu các thủ tục liên quan đến chính sách chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2020 Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.

Bù đắp tổn thất tài chính, điểm tựa của người lao động

Chính sách BHTN là chính sách mới và là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Chính sách này được coi là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

Với những giải pháp đồng bộ, từ việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến chính sách; phối hợp tổ chức chính sách BHTN đã đạt những kết quả đầy khích lệ.

Số liệu từ Cục Việc làm, Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, số lượng người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng qua các năm, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng giao.

Năm 2010, năm đầu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, có 162.711 người nộp hồ sơ hưởng các chế độ thất nghiệp; có 156.765 người (96,3%) đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 125.562 người (77,1%) được tư vấn giới thiệu việc làm và 270 người được hỗ trợ học nghề.

Năm 2018, có 773.387 người nộp hồ sơ; 763.573 người (98,7%) đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; có khoảng 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm; 37.977 người được hỗ trợ học nghề để có thể chuyển đổi việc làm.

Cũng theo Cục Việc làm, tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm, tính đến năm 2018, bình quân tiền đóng BHTN hàng tháng của người lao động là 4.937.117 triệu đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017. Tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là 15.531 tỷ đồng.

Do số người hưởng các chế độ BHTN tăng, nên tổng tiền chi cho các chế độ BHTN tăng, trong đó ước năm 2018 chi các chế độ BHTN là 9.722 tỷ đồng, trong đó chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi bảo hiểm y tế chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế độ BHTN.

Có thể thấy, khi người lao động bị mất việc, chủ doanh nghiệp không phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động nên họ sẽ sử dụng nguồn lao động thoải mái hơn, tạo động lực phát triển sản xuất. Cũng nhờ có BHTN, mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra được giảm bớt.

Đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng hưởng và an toàn Quỹ

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm khẳng định, chính sách BHTN đã sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống, hỗ trợ thiết thực cho người sử dụng lao động, và người lao động; thực sự là điểm tựa của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Việc thực hiện chính sách BHTN, theo ông Trung, đã đảm bảo được nguyên tắc chia sẻ, đóng hưởng và an toàn Quỹ, thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao…

Tuy nhiên, ông Trung lưu ý, hiện nay, nhận thức về BHTN của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao. Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mặt khác, công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc đi địa phương khác.

Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Các giải pháp sẽ được thực hiện thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

Chính sách BHTN được triển khai thực hiện từ năm 2009 và được giao cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH triển khai thực hiện. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước thứ hai sau Thái Lan thực hiện chính sách BHTN.

Sau 10 năm triển khai thực hiện (2009 - 2019), chính sách này ngày càng được hoàn thiện và thu được những kết quả tích cực, đối tượng tham gia BHTN dần được mở rộng.

Hiện nay, đối tượng tham gia BHTN là: Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Người lao động chỉ cần đóng bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động phải đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN. Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN .

Thành Công

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bao-hiem-that-nghiep-chia-se-ganh-nang-voi-nguoi-lao-dong-va-doanh-nghiep_t114c1159n152175