Bảo hiểm xã hội mang tới sự hài lòng

Tôi có người chị mới về hưu hơn một năm. Dù 'tự hào' là 'cụ' trẻ nhất trong tổ hưu, nhưng chị thừa nhận, đến khi nghỉ hưu, nhiều người mới thật sự quan tâm đến việc tham gia - thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và việc thực hiện chính sách này.

Cũng vì quan tâm để ý, nên sau những lần hiếm hoi đến cơ quan BHXH một quận ở Thủ đô, những “trải nghiệm thú vị” ở đây được chị chia sẻ với mọi người. Ðó là, lần đầu đến cơ quan BHXH với tâm thế “đi làm giấy tờ là chấp nhận bị gắt gỏng”, nhưng rồi lại cảm thấy mọi việc rất bình thường... Sau đó một năm, tưởng thẻ BHYT hết hạn, chị ra đổi, để rồi “cô nhân viên giở từng xếp thẻ tìm không ra” và “một anh khác mang sổ cái ra tìm”… chị mới biết thẻ của mình đã nhận từ năm ngoái và có hạn vĩnh viễn… Và tất nhiên, trong những dịp đó, rất nhiều chi tiết như “các cụ ngồi kín các hàng ghế; các cô nhân viên kiên trì giải quyết từng trường hợp”, các nhân viên ở đây nhiều khi phải nói rất to do phần lớn các cụ đều nghễng ngãng, hay cô nhân viên quầy số 5 trông gày gò, mệt mỏi lắm, thỉnh thoảng lại lấy tay day day thái dương nhưng vẫn nhẹ nhàng: “Cô về hưu lúc nào?”… đều được chị lưu vào “bộ nhớ” với sự trân trọng, chia sẻ.

Chỉ qua những chuyện nhỏ đó đã thấy, với cơ quan BHXH nói chung, với mỗi cán bộ BHXH nói riêng, để mang tới sự hài lòng cho một người là rất khó; để mang đến mức độ thỏa mãn đó cho hàng chục triệu người - những đối tượng cần đến sự phục vụ của cơ quan BHXH trong những lúc khó khăn, dễ bức xúc nhất…, còn khó hơn gấp nhiều lần!

Thấu hiểu điều này cho nên từ cách đây cả chục năm, ngành BHXH đã quyết tâm chuyển cách thức làm việc “từ hành chính sang phục vụ” và hiện nay, toàn ngành đang không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của mọi người dân. Ðiều đó thể hiện rõ qua những biện pháp trong công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với nhiều bước đi cụ thể đã và đang được thực hiện như: rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, mở rộng các phương thức giao dịch hiện đại… để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí cho người dân, các cơ quan, đơn vị. Mục tiêu trên còn được thực hiện qua những bước đi cẩn trọng, từ công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ… đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ ứng xử của đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành.

Cũng với mối quan tâm “xuyên suốt” trong vấn đề này, mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có Quyết định số 889/QÐ-BHXH ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam (thay thế Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam ban hành theo Quyết định số 3733/QÐ-BHXH ngày 30-6-2008).

Việc thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử vừa được ban hành sẽ không chỉ giúp công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam xử sự đúng, chuẩn mực trong công việc, cũng như các mối quan hệ xã hội, mà còn góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp theo đúng mục tiêu, nội dung cải cách đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37365202-bao-hiem-xa-hoi-mang-toi-su-hai-long.html