Bảo hiểm xe vẫn cảnh mua dễ khó đòi bồi thường

Hiện số ô tô toàn quốc đã lên tới 3 triệu chiếc và dự báo sẽ tăng mạnh sau năm 2018 khi mức thuế...

Hiện số ô tô toàn quốc đã lên tới 3 triệu chiếc và dự báo sẽ tăng mạnh sau năm 2018 khi mức thuế...

Rất nhiều khách hàng gặp khó khăn khi yêu cầu bồi thường bảo hiểm vật chất xe

Hiện số ô tô toàn quốc đã lên tới 3 triệu chiếc và dự báo sẽ tăng mạnh sau năm 2018 khi mức thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%. Đây được xem là thị trường béo bở cho các gói sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn nhiều lý do khiến người dân chưa mặn mà, tin tưởng bảo hiểm khi lựa chọn các sản phẩm.

Bảo hiểm xe dễ mua khó đòi

Thời gian qua, Báo Giao thông liên tục nhận được đơn thư, khiếu nại của độc giả về các trường hợp bị bảo hiểm làm khó, chây ì trong việc bồi thường bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới. Cụ thể, như trường hợp của gia đình ông Đào Văn Thuận trú tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, chủ chiếc xe Altis BKS 88A-138.28.

Ngày 12/3, con trai ông Thuận là anh Đào Văn Dương điều khiển xe trên tỉnh lộ 303 thuộc địa phận thôn Trung, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Do tránh vật cản nên xe đâm vào đống gỗ ven đường, bị móp xước ba-đờ-xốc, bể đèn pha, xước sườn xe phải, vỡ bình nước gạt kính xe. Ngay sau khi xảy ra va chạm, anh Dương đã gọi đến tổng đài của Công ty Bảo hiểm Liberty để thông báo, đề nghị cử người xuống xác nhận hiện trường nhưng công ty bảo hiểm không có người đến và chỉ hướng dẫn lấy xác nhận của công an. Sau đó anh Dương đã lấy xác nhận của Công an thị trấn Yên Lạc. Tuy nhiên, sau 13 ngày, xe của gia đình ông Thuận vẫn nằm bất động trong gara do không nhận được phản hồi nào từ Liberty. Sau khi làm việc trực tiếp với đại diện Liberty tại Hà Nội, gia đình ông Thuận nhận được yêu cầu phải có hồ sơ hiện trường của CSGT và hạn trong một tháng nếu gia đình không cung cấp sẽ đóng hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Không đồng ý với yêu cầu trên, gia đình ông Thuận đã kiên quyết phản đối và cho rằng, Liberty đã làm khó khách hàng khi yêu cầu phải có hồ sơ CSGT trong một vụ tự đâm, tự va, không gây thiệt hại cho người khác. Hơn nữa, theo ông Thuận, việc xác minh tính chất vụ việc là trách nhiệm của phía bảo hiểm. Liberty không cử người xuống hiện trường xác minh trong khi lại đổ hết trách nhiệm đó cho khách hàng. Được biết đến nay, sau hơn một tháng xảy ra vụ va chạm, xe của ông Thuận vẫn đang nằm trong gara và gia đình mới chỉ nhận được lời hứa từ Liberty là sẽ hỗ trợ 70% số tiền bảo hiểm.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở Ba Đình (Hà Nội) cũng phản ánh bị một hãng bảo hiểm lớn không chịu bồi thường tiền bảo hiểm. Cụ thể, gia đình chị Vân mua bảo hiểm vật chất xe ở một đại lý bảo hiểm tại Long Biên. Tuy nhiên, khi xảy ra TNGT, mặc dù có đầy đủ hồ sơ và kết luận điều tra nguyên nhân vụ tai nạn của CSGT nhưng khi liên hệ với đại lý bảo hiểm thì gia đình lại bị “đẩy” trách nhiệm giải quyết lên tổng công ty. Khi gia đình đến làm việc với tổng công ty thì lại được yêu cầu xuống làm việc với đại lý.

Vụ việc xảy ra từ tháng 10/2016, nhưng các thủ tục giải quyết của công ty bảo hiểm này cứ dùng dằng, không rõ ràng nên đến nay gia đình chị Vân vẫn chưa được phía bảo hiểm bồi thường thiệt hại…

Thị trường bảo hiểm đang bị lãng quên?

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2016, với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong nước tiếp tục mang lại doanh thu phí nhiều nhất. Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), năm 2016, công ty bảo hiểm này dự kiến đạt doanh thu 3.020 tỷ đồng, tăng trưởng 24%. Trong đó, bảo hiểm xe cơ giới đạt 1.886 tỷ đồng, chiếm 62% doanh thu. Bảo hiểm xe cơ giới cũng chính là “con át chủ bài” trong chiến lược bán lẻ của một số công ty bảo hiểm khác như: Bảo Minh, PJICO, Liberty, BIC…

"Đã đến lúc các doanh nghiệp bảo hiểm phải nghĩ tới sản phẩm bảo hiểm thay thế bộ phận, phụ tùng bị thiệt hại bằng bộ phận, phụ tùng mới chính hãng chứ không chỉ sơn vá, gò hàn như hiện nay. Các dòng xe đắt tiền đã tràn ngập, thuế nhập xe từ các nước ASEAN sẽ trở về 0% trong năm 2018 và dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 7 triệu xe ô tô. Điều này đang đòi hỏi bảo hiểm xe cơ giới phải có những thay đổi phù hợp."

Ông Phùng Đắc Lộc
nguyên Tổng Thư ký
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Tuy vậy, theo đánh giá, bảo hiểm xe cơ giới cũng luôn là nghiệp vụ có tỷ trọng bồi thường đứng đầu trong danh sách các nghiệp vụ bảo hiểm của khối nhân thọ. Số liệu 9 tháng năm 2016 cho thấy, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ này là 62%. Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến khách hàng bảo hiểm luôn gặp trở ngại từ nhiều hãng bảo hiểm trong việc yêu cầu bồi thường tiền bảo hiểm.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm chính là dịch vụ gia tăng khi bán hàng và sau bán hàng cùng với việc thực hiện các cam kết bồi thường kịp thời, chính xác, đầy đủ nhất. Tuy nhiên, điều này không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng làm được. Bên cạnh đó, còn có tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, hạ phí bảo hiểm xuống mức thấp theo kiểu “cá bé nuốt cá lớn”, vừa làm giảm doanh thu, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm.

Theo ông Lộc, để giữ được uy tín với khách hàng, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra điều kiện đơn vị kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới phải áp dụng công nghệ thông tin để tính phí bảo hiểm cho các dòng xe, đời xe, chủ xe, lái xe và sử dụng xe. Đồng thời, các đơn vị bảo hiểm phải có đủ người (hoăc người đại diện doanh nghiệp) để kịp thời có mặt tại hiện trường, ở bất kỳ địa phương nào xảy ra tổn thất để giám định bồi thường nhằm bảo vệ quyền và lợi ích khách hàng.

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thị trường bảo hiểm xe cơ giới hiện nay dường như đang bị lãng quên. Đây là điều đáng tiếc vì đó chính là công cụ để hữu ích để tác động đến ý thức tham gia giao thông của người dân và góp phần hạn chế các thiệt hại, rủi ro cho người tham gia giao thông.

Ngọc Anh - Tùng Lê

Nguồn Xe Giao Thông: http://xe.baogiaothong.vn/bao-hiem-xe-van-canh-mua-de-kho-doi-boi-thuong-d200441.html