Bảo hiểm y tế góp phần giảm nghèo bền vững

Mặc dù phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều bắt đầu được áp dụng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nhưng việc hỗ trợ người nghèo nước ta trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế… đã được quan tâm thực hiện từ rất sớm. Riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ năm 2005, Điều lệ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã quy định người nghèo là nhóm tham gia BHYT bắt buộc, với nguồn kinh phí đóng do ngân sách nhà nước bảo đảm. Trong những năm tiếp theo, việc tham gia BHYT cho người nghèo tiếp tục được luật hóa trong Luật BHYT.

Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách BHYT, hằng năm, ngân sách nhà nước đã chi hàng chục tỷ đồng để mua BHYT cho người nghèo, hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT. Qua đó, ngày càng có nhiều người nghèo được tham gia, thụ hưởng quyền lợi BHYT. Nếu như năm 1998 cả nước có 134 nghìn người nghèo có thẻ BHYT thì đến năm 2005 đã có hơn 4,7 triệu người; năm 2009 có hơn 15 triệu người nghèo được cấp BHYT. Đến năm 2017, cả nước đã có hơn 34,2 triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ BHYT.

Trên cơ sở này, mỗi năm có hàng chục triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cận nghèo được bảo đảm quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT. Riêng năm 2017, cả nước có hơn 66 triệu lượt người nghèo, hơn 15 triệu lượt người cận nghèo đi khám chữa bệnh với tổng chi phí được quỹ BHYT thanh toán khoảng 45 nghìn tỷ đồng.

Việc được tham gia BHYT không chỉ giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở, được bảo đảm sức khỏe tốt hơn, mà còn giúp họ vượt qua được những khó khăn về tài chính khi không may gặp phải rủi ro về sức khỏe, nhất là khi mắc phải những bệnh nặng, phải điều trị dài ngày… Kết quả đó cũng góp phần tích cực vào việc giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, để đến hết năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017).

Tại Báo cáo Giám sát sức khỏe toàn cầu năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới nghèo đói chính là những rủi ro về sức khỏe. Theo báo cáo, trên thế giới có khoảng 800 triệu người buộc phải chi tiêu ít nhất 10% thu nhập của cả hộ gia đình vào chi phí y tế cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Với gần 100 triệu người, những chi phí này đủ cao để đẩy họ vào tình trạng nghèo cùng cực…

Từ thực tế đó, WHO và WB đều cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng mà các quốc gia cần thực hiện, đó là BHYT toàn dân, bởi đây chính là giải pháp cho phép mọi người, nhất là người nghèo được tiếp cận thuận lợi nhất với các dịch vụ y tế thiết yếu bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu khi có nhu cầu mà không gặp phải những khó khăn về tài chính. Theo các tổ chức quốc tế, nếu nghiêm túc quan tâm việc bảo đảm sức khỏe của người dân cũng như đẩy lùi nghèo đói, các quốc gia cần quan tâm việc thực hiện BHYT toàn dân, mà trước hết là bảo đảm chính sách BHYT cho những nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người nghèo.

Cũng bởi tính hiệu quả của giải pháp này mà trong những năm gần đây không chỉ những nước có thu nhập cao mà hơn 40 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã thay thế chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí bằng việc hỗ trợ cho người dễ bị tổn thương và người nghèo thông qua BHYT.

Như vậy, có thể khẳng định, BHYT người nghèo không chỉ là một giải pháp hiệu quả trong điều kiện của nước ta mà còn là lựa chọn chính sách phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Minh Thành

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38284602-bao-hiem-y-te-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung.html