Bảo hiểm y tế - nền tảng của an sinh xã hội

Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Thực tế việc tham gia BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp.

Nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT

Ngày 29-3-2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 583/QĐ-TTg, phê duyệt đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Mục tiêu của đề án là mở rộng phạm vi bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững. Đây được xem là sự cam kết chính trị mạnh mẽ trong chính sách “bảo đảm an sinh xã hội” và là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên do chưa thực sự hiểu được ích lợi của việc tham gia BHYT nên không ít người vẫn không mua BHYT. Cần phải hiểu rằng tham gia BHYT là sự lựa chọn thiết thực bảo đảm sức khỏe và tài chính của bản thân và gia đình. Hiện nay, nguy cơ bệnh tật ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng thêm kể từ ngày 1-6-2017 thì tham gia BHYT là một trong những việc cần làm ngay, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám, chữa bệnh đối với từng người dân…

Các bác sĩ Trường Đại học Y Hà Nội khám bệnh cho bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Quyết tâm bao phủ BHYT toàn dân

Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết: Tính đến cuối tháng 4-2017, cả nước có 76,27 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số. Còn gần 18% dân số (hơn 17 triệu người) chưa tham gia BHYT. Với kết quả này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 có 90,7% số dân tham gia BHYT chắc chắn sẽ đạt được. Qua nghiên cứu cho thấy: Những đối tượng chưa tham gia BHYT phần lớn là các hộ gia đình, những người cận nghèo, lao động tự do, lao động làng nghề, nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và một số lao động ở các doanh nghiệp nhỏ chưa được chủ lao động đóng BHYT. Đối với các nhóm đối tượng này, khả năng về tài chính là rào cản lớn để tiếp cận với BHYT.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tần suất khám, chữa bệnh bằng BHYT tại các cơ sở tuyến huyện trong năm qua đã tăng lên gần 20% so với năm 2015. Sau một thời gian thực hiện thông tuyến, cơ sở khám, chữa bệnh nào có chất lượng tốt thì thu hút được nhiều người đến khám hơn. Thông tuyến khám, chữa bệnh cũng làm tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHYT, thu hút người dân tham gia BHYT, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Sau 25 năm thực hiện chính sách BHYT (1992-2017) và nhất là từ khi thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng khá nhanh, từ 60% (tương ứng với 52,4 triệu người) vào năm 2010 tăng lên 75,82% (tương ứng với gần 70 triệu người) năm 2015. Đặc biệt, chỉ sau hơn một năm thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, chúng ta đã tiệm cận rất gần mục tiêu BHYT toàn dân.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, để BHYT thực sự là lá chắn, là công cụ hữu hiệu bảo vệ sức khỏe toàn dân và tiến tới hoàn thành mục tiêu mà đề án BHYT toàn dân đề ra trong năm 2015 hơn 70% và năm 2020 là hơn 80% số dân tham gia BHYT, thì ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị còn là ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Việc tham gia đóng góp quỹ một cách đầy đủ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/bao-hiem-y-te-nen-tang-cua-an-sinh-xa-hoi-514501