Bảo hộ giống cây trồng kém, nguy cơ mất nguồn gen quý hiếm

Giống cây trồng là một trong những yếu tố quyết định thành công việc chuyển đổi nền nông nghiệp số lượng sang nền nông nghiệp chất lượng, nhưng bản quyền giống lại đang là một rào cản đối với nỗ lực này.

Chỉ 314 giống cây trồng được bảo hộ

Tới nay, Công ước quốc tế về bảo vệ giống cây trồng (UPOV) có 74 quốc gia và tổ chức liên chính phủ thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, dù mới hơn 10 năm là thành viên của Công ước này nhưng việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) về quyền đối với giống cây trồng đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, những năm khởi đầu chỉ có vài giống cây trồng được bảo hộ sau đó, con số này đã gia tăng nhanh chóng. Đến năm 2015, Việt Nam có 314 giống cây trồng các loại được cấp bằng bảo hộ, số đơn nộp (khoảng 1.000 đơn) đề nghị bảo hộ quyền đối với giống cây trồng được chấp nhận gia tăng hàng năm. Bảo hộ giống cây trồng thúc đẩy hình thành một thị trường chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu giống khá sôi động.

“Ngoài ra, các giống có giá trị kinh tế cao, thích ứng tốt cũng được đưa từ nước ngoài vào sản xuất tại Việt Nam như giống rau, giống hoa từ Châu Âu, từ Nhật Bản đã và đang giúp nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận và lựa chọn hơn đối với những giống tốt, năng suất, chất lượng cơ hội để cải thiện thu nhập cho người dân và đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới”, ông Doanh nói.

Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, Giáo sư, Viện Sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) cho rằng, việc bảo đảm bản quyền tác giả, bản quyền sản xuất, bản quyền về chủ hữu, về giống cây trồng vẫn là một điểm yếu của Việt Nam.

Theo Giáo sư Long, công tác giống cây trồng có các nội dung chính, một là chọn tạo giống mới, hai là sản xuất ra giống tốt, nội dung còn lại là quản lý giống. Nhưng việc thanh kiểm tra xem giống đó thật hay không, tốt hay không, ai chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước - những vấn đề này ở Việt Nam còn yếu.

Nguy cơ bị lấy cắp giống

Nói về vai trò của việc bảo hộ giống cây trồng, Giáo sư Long cho rằng đó là yêu tố quyết định. Ông nói, ngoài phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đất đai, giống là một trong những đầu vào hết sức quan trọng của sản phẩm nông nghiệp, nó quyết định đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Chủ tịch VSA chỉ ra rằng, Việt Nam đang nỗ lực chuyển từ một nền nông nghiệp số lượng thành một nền nông nghiệp chất lượng, muốn nâng cao giá trị hàng hóa lên bằng cách áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, thì giống sẽ phải đóng vai trò then chốt.

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tăng cường chất lượng hạt giống, tăng cường giá trị chuyển đổi cơ cấu cây trồng đóng vai trò quan trọng cho nỗ lực chuyển đổi đó thành công. Giống là một khâu, mà trong giống bảo hộ quyền giống cây trồng hay chính sách quản lý giống cây trồng là yếu tố quyết định.”ông Long khẳng định.

Sau hơn 10 năm tham gia công ước UPOV, thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực giống cây trồng, Bộ NN&PTNT thừa nhận còn có một số hạn chế cần khắc phục như: thời gian nộp đơn đến cấp bằng còn dài do hệ thống kỹ thuật còn hạn chế; việc khai đơn đăng ký đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn. Trong khi, Chủ tịch VSA thì lại cảnh báo một nguy cơ còn lớn hơn đó là thất thoát nguồn gen quý hiếm. Cụ thể, theo ông Long, chúng ta có nhiều giống chưa bảo vệ được, ví dụ như gạo Jasmine 85 - giống gạo này Việt Nam đã có 20 năm và đã từng xuất sang Mỹ đạt 600 USD/tấn, nhưng gần đây một số nước khác đã lấy mất giống này để sử dụng thành thương hiệu của họ.

Cũng theo vị này, đối với các giống cây trồng bản địa, tức chỉ Việt Nam có nhưng cũng đã xảy ra hiện tượng mất nguồn gen. Theo GS Long, một số nước có công nghệ tiên tiến đã cố tình lấy về sau đó cải tiến đi một chút để sử dụng thương mại.

“Hội nhập là xu thế nhưng công nghệ người ta cao hơn, người ta có hàng tỷ USD để đầu tư, trong khi các nhà chọn giống Việt Nam kinh phí hạn chế, điều kiện khó khăn nên đã đến lúc vấn đề xây dựng bản quyền cần phải thay đổi tư duy. Cần phát huy toàn bộ nguồn lực đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp trong việc chọn tạo giống và sản xuất hạt giống....”- Giáo sư Long cảnh báo.

Phi Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/bao-ho-giong-cay-trong-kem-nguy-co-mat-nguon-gen-quy-hiem-293369.html