Bảo hộ quyền tác giả

Theo khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, có đến 43% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, vi phạm sao chép chiếm gần 65%, làm tác phẩm phái sinh chiếm 38% và vi phạm quyền nhân thân.

Ở lĩnh vực âm nhạc, tình trạng xâm phạm quyền tác giả đã xảy ra nhiều năm nay. Hình ảnh minh họa

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đã xảy ra từ nhiều năm nay, nổi cộm ở lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… và ngày càng trở nên phổ biến trên không gian mạng. Mặc dù, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm, song trong suốt gần 10 năm thực thi Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, chỉ có khoảng 500 vụ vi phạm bị xử lý, chiếm một tỷ lệ quá nhỏ so với số trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, vi phạm bản quyền diễn ra nhức nhối trên môi trường internet khi các nội dung vi phạm bản quyền được lưu trữ, đăng tải trái phép trên các nền tảng như website, ứng dụng (app), mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch...

Các nền tảng trực tuyến đăng tải sản phẩm thu lợi khá nhiều từ quảng cáo, chia sẻ doanh thu với đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian nhưng chỉ có số ít đơn vị thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tạo hình ảnh rất xấu về thị trường văn hóa trong nước. Ước tính có tới 15,5 triệu người dùng trái phép bản quyền video trực tuyến trong năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp.

Trong khi các cơ quan chức năng đang khó khăn trong việc xử lý, bởi các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền rất tinh vi, biến đổi liên tục và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài. Các cơ quan chức năng đã chặn trên 500 website vi phạm bản quyền, nhưng nhiều website vẫn tồn tại theo nhiều tên khác, thậm chí phát sinh nhanh hơn nhiều so với các giải pháp ngăn chặn.

Thực trạng hầu hết các vụ vi phạm đều “chìm xuồng”, việc xử phạt không đủ sức răn đe đang làm nản lòng các chủ thể sáng tạo và không tạo được động lực, môi trường cho công nghiệp văn hóa phát triển trong tương lai.

Các quy định pháp luật và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả. Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) từ ngày 17/2/2023 và sẽ là thành viên của Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) từ ngày 1/7/2023.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả khó giải quyết triệt để nếu thiếu sự chủ động tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là bản thân chủ thể tác giả và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để phòng, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo với thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa phong phú. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GDP gần 5%, mang lại công ăn việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Nhưng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp 7% GDP vào năm 2030, cần có những giải pháp căn cơ, trong đó, hạn chế tình trạng xâm phạm quyền tác giả là yếu tố quan trọng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, trong đó có nhiều quy định đã được cập nhật, nâng cao hơn về quyền tác giả, chủ sở hữu quyền hay các biện pháp bảo vệ quyền trên môi trường số. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh các văn bản dưới luật cho đồng bộ, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện ở cả 12 ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bản quyền.

Thực thi bảo hộ bản quyền trong công nghiệp văn hóa nghiêm túc, hiệu quả, không chỉ góp phần gia tăng động lực sáng tạo, mà còn giúp phát triển văn hóa thời kỳ mới, khẳng định thương hiệu quốc gia và thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ho-quyen-tac-gia-post461260.html