Báo in toàn cầu - Nhìn từ những quầy báo

Nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại công nghệ 4.0, báo in sẽ chết. Tuy nhiên, thực tế là báo in vẫn tồn tại và phát triển. Hình ảnh những sạp báo vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của độc giả thế giới như một nét văn hóa không thể phai mờ.

Bài liên quan

Báo giấy - Có ai còn nhớ?

Chùm ảnh: Báo giấy - Có ai còn nhớ?

Không chịu khuất phục

Chúng ta hãy cùng khám phá quầy báo tại một số quốc gia, châu lục để thấy được nét văn hóa, vai trò của những quầy báo trong đời sống tinh thần của độc giả thế giới.

Sạp báo là nơi để đọc một thành phố

Hình ảnh các sạp báo luôn xuất hiện trong những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Eugène Atget, Brassaï, Rodchenko, Weegee, Berenice Abbott, André Kertész, hay Stanley Kubrick. Sạp báo là hình nền của những bức ảnh hấp dẫn nhất mọi thời đại: những bức ảnh thời trang của Brian Duffy hay những bộ phim huyền thoại như Bố già. Lý do rất đơn giản: chúng là một phần trong văn hóa các thành phố trên thế giới.

Báo được bán trong các cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Pinterest.

Hình ảnh những người bán hàng ở phía sau, bao vây bởi các tờ báo in, thơm mùi giấy mới và mùi mực còn chưa khô đã là nét biểu tượng của các thành phố lớn trong thế kỷ 20. Chúng từng là một điểm đến quan trọng mỗi ngày của người dân, là nơi người ta cập nhật những tin tức, đôi khi chỉ từ những dòng tít thoáng qua. Sạp báo đó như một cách để đọc một thành phố, một phiên bản tổng hợp của hàng loạt tờ báo khác.

Đọc báo giấy- Văn hóa không thể thiếu mỗi buổi sáng ở New York

Người dân Manhattan thường có một thói quen mỗi sáng: một chiếc bánh vòng, một cốc cafe và một tờ báo. Những sạp báo thường nằm ở các góc đường, các cửa lên xuống tàu điện ngầm, và là nét văn hóa mà người ta gần như chẳng bao giờ để ý tới. Giờ đây, chúng vẫn ở đó, giống như những chiếc ghế đá, bạn chỉ để ý khi có nhu cầu.

“Gần 300 sạp báo vẫn đang hoạt động tại thành phố sầm uất nhất thế giới này. Hầu hết chúng ở thành phố Manhattan, một số nhỏ ở các quận lân cận như Bronx, Brooklyn và Queens” - Robert Bookman - Giám đốc tổ chức hoạt động quầy báo tại New York cho hay.

Người đi đường tập trung quanh sạp báo trên Đại lộ 5, New Yord. Ảnh: Getty.

Ở thời kỳ đỉnh cao, trong những năm 1950, có tới hơn 1.300 quầy báo tại thành phố này. Tuy nhiên vào những năm 1960, thời kỳ hoàng kim bắt đầu phai mờ và số lượng chúng dần giảm đi. Tới năm 1979, chỉ còn khoảng 400 quầy báo hoạt động, và đạt mức thấp kỷ lục 280 vào cuối những năm 90.

Đối với những người nhập cư hay những thương binh, những người gặp khó khăn trong việc tìm một công việc toàn thời gian, những sạp báo này là cơ hội để khởi nguồn một công việc mới của bản thân.

Những ki-ốt nhỏ bé này cũng là một biểu tượng lập nghiệp một thời tại thành phố đắt đỏ nhất thế giới này. Tại thời điểm đó, những “ông chủ” này thường thiết lập nên những sạp báo của riêng mình, không theo quy chuẩn cụ thể nào, mà mang vào đó một số nét độc đáo của riêng mình.

Mike’s Newsstand and Candy Land ở Harlem, thuộc sở hữu của Michael Chappell đã 75 năm qua có hình biểu tượng hoạt hình trên biển hiệu của mình. Viết trên Harlem Live, Mary Miles nhận định rằng: “Đây không chỉ là nơi mọi người tới hàng ngày để mua kẹo và mua báo. Đó là một nơi thân thiện, hòa đồng mà mọi người đều biết nhau”.

Trong khi đa phần các sạp báo đều có màu xanh, nhiều quầy báo cũng có nét độc đáo riêng của mình với màu sơn trắng, đen, nâu và đỏ. Một số chúng còn có mái che, một số mái quầy thì bằng phẳng, số khác thì hình tròn. Họ thường phải trả cho thành phố một khoản phí, nhưng các sạp báo này lại thuộc quyền sở hữu của họ.

Văn hóa đọc báo miễn phí ở Paris

Paris là nơi đầu tiên sản sinh ra các sạp báo có thiết kế chuẩn với thành phố trong những năm 1850. Đó là những thiết kế bằng sắt theo hình ống trụ, được dựng lên sao cho hòa hợp với những sản phẩm khác của thành phố như các biển quảng cáo, các ghế sắt, các cột đèn đường để tạo nên một bức tranh hài hòa.

Mỗi một sạp báo này đều có những không gian để treo quảng cáo, và thuộc một trong những tiện ích của thành phố nhằm cung cấp thông tin. Người dân không nhất thiết phải mua, nhưng có thể lướt qua các dòng tiêu đề để cập nhật tin tức.

Một sạp báo tại Paris đầu thế kỷ 20. Ảnh: Archivist.

Tương đồng với New York, các sạp báo tại Paris cũng thường nằm bên lề đường, gần các quảng trường lớn nơi có lượng lớn người di chuyển. Với thiết kế tương đồng, các sạp báo tại Paris cũng thường có màu xanh lục, kèm theo nhiều giá để báo và poster mời chào những vị khách vãng lai.

Hơn 58.000 người đã ký vào đơn kiến nghị muốn trùng tu và cứu những ki-ốt đã tồn tại hơn 100 năm nay tại thành phố này. Những sạp bán báo và những đài phun nước được coi là một phần tất yếu trong kiến trúc tổng thể của Thủ đô ánh sáng.

Đọc báo trên tàu điện ngầm- nét văn hóa độc đáo ở Paris

Nếu như ngồi trên tàu điện mỗi sáng, thay vì những hình ảnh các bạn trẻ cắm mặt vào những chiếc điện thoại, đâu đó người ta sẽ thấy những học sinh, những công nhân viên chức cầm trên tay một tờ báo giấy.

Điều này khá là kinh ngạc trong một thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, nếu suy xét cho cùng thì điều này cũng không đáng ngạc nhiên lắm tại thành phố hoa lệ của nước Pháp.

Tiệm báo tại Paris sau khi cải tổ có nét đặc trưng riêng. Ảnh: Getty.

Từ hơn 15 năm trở lại đây, Thủ đô Paris đã cho ra đời 2 tờ báo miễn phí có tên “20 minutes” và “Métro”. Nếu di chuyển vào sáng sớm, người ta sẽ thường xuyên thấy hình ảnh những sạp báo màu xanh, những tình nguyện viên đứng phát báo tại mỗi lối vào ga tàu.

Sự mời chào nhiệt tình của họ khiến cho nhiều người lần đầu bắt gặp phải bỡ ngỡ, phân vân rằng liệu cầm tờ báo trên tay có phải trả tiền cho họ hay không?

Tuy nhiên, làm báo miễn phí, đồng nghĩa với việc nội dung không hề chuyên sâu, và đôi khi có phần sơ sài. Mục đích chính của họ vẫn là cung cấp cho người đọc một lượng thông tin nhiều nhất có thể, trong thời gian đọc nhanh nhất, khi trung bình thời gian di chuyển trên tàu điện ngầm chỉ là 15 - 20 phút mỗi người.

New York: Văn hóa đọc báo giấy đứng trên bờ vực nguy hiểm

Tại các quầy báo này, từ hơn 10 năm nay, báo giấy chỉ chiếm vai trò nhỏ, những thứ đi kèm mới là nguồn thu nhập chính của người bán.

Den, một người bán hàng tại quảng trường Union Square trong hơn 20 năm qua nói rằng, mặc dù có vài tờ báo nhưng anh cho biết chúng chỉ để tượng trưng mà thôi.

Vào năm 2005, gần như toàn bộ những quầy báo “tự phát” này đã bị dỡ bỏ, thay vào đó là những quầy báo làm bằng aluminium và kính tái chế theo cùng một khung chuẩn. Thêm vào đó, công ty trúng thầu, Cemusa, cũng mua lại toàn bộ quyền sở hữu các sạp báo tại thành phố.

Sạp báo ngày nay được thiết kế, bài trí bắt mắt để thu hút độc giả hơn. Ảnh: Pinterest

Giờ đây, những người kinh doanh phải trả mức phí 1 lần là 30.000$ cho Cemusa, kèm theo mức phí 2 năm cho thành phố là 1.076$ và họ chỉ là những người đi thuê, không phải những ông chủ. Thu nhập đến từ những quảng cáo dán trên quầy, nguồn thu nhập lớn của nhiều hộ, giờ thuộc hoàn toàn về Cemusa.

“Các quầy báo từng bán được 1.000 tờ, giờ họ chỉ bán được 200. Đồng nghĩa với đó là 800 khách hàng không còn lui tới các sạp báo này nữa”- Bookman - người bán báo cho hay. Những người thường mua báo hay mua thêm bao thuốc hoặc gói kẹo, giờ họ chẳng còn mua gì cả. Với việc báo in đi xuống, thuế thuốc lá tăng cao khiến cho thị trường này gần như bị bóp nghẹt.

“Ngành bán thuốc lá giờ chết rồi. Trước đây người ta thường mua 2,3 bao một ngày. Giờ có ngày chúng tôi còn chẳng bán được bao nào”, một người bán nhận định. “Thêm vào đó, các hãng lớn cũng cướp dần khách hàng của chúng tôi đi”, một ông chủ sạp báo khác tại Union square cho hay.

Các quầy bán báo bên trong các ga tàu điện ngầm cũng sắp được thay thế bởi các máy bán hàng tự động. “Trong nỗ lực cải tiến và thích ứng với nhu cầu của người dùng, chúng tôi sẽ thay đổi các mô hình bán hàng bên trong các ga tàu điện ngầm”, Janno Lieber - Giám đốc phát triển của MTA cho hay.

Cơ quan này hiện có 86 cửa hàng tại các ga tàu điện ngầm của New York, với một số trong đó sẽ được sửa đổi để phục vụ các mặt hàng đồ hiệu, các máy bán hàng tự động giống như tại sân bay.

Paris: Hiện đại hóa các quầy bán báo

Paris đã tiến hành cải tổ lại các quầy bán báo trên đường phố vào năm 2017. Vẫn giữ lại những thiết kế bên ngoài, vẫn màu xanh lục tượng trưng, tuy nhiên bên trong sẽ được cải tổ lại toàn bộ.

Kế hoạch này đã được thành phố Paris đề xuất vào năm 2016, với mục đích nhằm giúp những người bán báo có thể tiếp tục cạnh tranh với những trang báo điện tử, đồng thời cải thiện môi trường làm việc cho họ, Olivia Polski - chuyên gia về doanh nghiệp nhỏ của thành phố cho hay. Những ki-ốt mới sẽ sử dụng kính tái chế và aluminium nhằm tạo thêm không gian và tăng cường ánh sáng, đồng thời cho phép người dân có thể tiến vào bên trong quan sát và lựa chọn.

Mike’s Newsstand and Candy Land ở Harlem, thuộc sở hữu của Michael Chappell.

“Trước đó, 90% số mặt hàng không trong tầm tay của những người mua”, Jean-Paul Abonnenc của Mediakiosk, những người chuyên lắp đặt và vận hành các quầy báo tại Pháp cho biết.

Ngoài ra, các quầy bán báo cũng được tích hợp những công nghệ mới phù hợp với thời đại số như bán vé online, cổng sạc điện thoại và các màn hình số. Có tổng số 360 ki-ốt sẽ được thay thế. 40 ki-ốt khác sẽ được trùng tu. Dự án này tiêu tốn 52,4 triệu Euro của thành phố.

Khi những ki-ốt bán báo mới được giới thiệu với người dân, nhiều người đã tỏ ra thích thú: “Tôi rất thích phong cách cổ của các sạp báo, nhưng nói thật thiết kế mới trông cũng rất bắt mắt. Có vẻ rất có tiềm năng đấy”, Chantal, 64 tuổi chia sẻ khi tới tham quan sạp báo đầu tiên được hiện đại hóa tại Paris ở đại lộ Général-Leclerc.

Một sạp báo nơi góc phố Manhattan những năm 90, ảnh chụp bởi Moyra Davey.

Còn Cyril, 35 tuổi lại cho rằng: “Có vẻ như có nhiều không gian rộng hơn ở bên trong, các tờ báo được sắp xếp gọn gàng hơn và dễ nhìn hơn. Tôi có thể tiết kiệm được thời gian khi cần mua một tờ báo nào đó”. Tuy nhiên cũng không ít người cảm thấy tiếc cho một phần lịch sử của thành phố bị mất đi.

Quả thật trên bàn tiệc thông tin, những tờ báo giấy như những món ăn truyền thống đang dần yếu thế trước những món ăn nóng hổi như báo điện tử hay mạng xã hội. Tuy nhiên, các sạp báo vẫn sẽ tồn tại chừng nào nó còn chỗ đứng trong lòng người đọc. Bởi lẽ với rất nhiều độc giả, sạp báo là nơi để họ đọc một thành phố!

Hoàng Việt - Minh Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-in-toan-cau--nhin-tu-nhung-quay-bao-post63522.html