Bảo lãnh thông quan: Tạo thuận lợi thúc đẩy giao thương quốc tế

Bảo lãnh thông quan (BLTQ) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) là một một trong những giải pháp để thực hiện các mục tiêu tạo thuận lợi hóa thương mại, thông quan nhanh chóng đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, cơ chế BLTQ đang được nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành (ảnh) về những lợi ích mà cơ chế này mang lại cũng như các bước đi sẽ triển khai tại Việt Nam.

Tổng cục Hải quan hiện đang được Chính phủ, Bộ Tài chính giao nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế BLTQ. Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết cụ thể về cơ chế BLTQ?

Tổng cục Hải quan hiện đang được Chính phủ, Bộ Tài chính giao nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế BLTQ. Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết cụ thể về cơ chế BLTQ?

Theo quy định pháp luật, để được thông quan hàng hóa XNK, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến hàng hóa như: Nộp các khoản thuế, phí, thu khác, nếu có sai phạm còn phải chịu trách nhiệm chấp hành các hình thức phạt tiền hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả...

Do nhu cầu thị trường hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN chưa đủ điều kiện nhưng mong muốn được thông quan sau đó sẽ hoàn thành các thủ tục tiếp theo. Đây là đòi hỏi rất thực tiễn của DN cần có giải pháp tháo gỡ. BLTQ chính là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan Hải quan yêu cầu đối với DN XNK khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.

Cơ chế BLTQ đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, BLTQ đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại XNK, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại, cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt như kho ngoại quan, khu ngoại thương hay khu thương mại tự do và các cơ sở sản xuất, gia công.

Cơ chế BLTQ sẽ mang lại lợi ích như thế nào đối với các bên tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách, hội nhập kinh tế quốc tế, thưa ông?

Cơ chế BLTQ sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ. Chính vì vậy, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia trực tiếp.

Đối với DN XNK, BLTQ sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của DN. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh từ “nhanh”. Khi hàng hóa nhanh được đưa về bảo quản sẽ đảm bảo chất lượng hàng của DN, giảm chi phí lưu kho tại cửa khẩu. Hàng hóa nhanh được thông quan sẽ nhanh được đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường thì nguồn vốn có thể thu hồi nhanh để đầu tư vào hoạt động liên tục, không bị phạt hợp đồng vì giao hàng chậm muộn.

Ở góc độ cơ quan Hải quan, BLTQ giúp cho cơ quan Hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.

Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, BLTQ không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, thay vào đó, đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của DN thông qua tổ chức bảo hiểm.

Đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, BLTQ sẽ bổ sung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại Toàn cầu (GATF) tại Hoa Kỳ thì BLTQ sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.

Tại sao Việt Nam nghiên cứu, triển khai cơ chế BLTQ trong thời điểm này, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hoặc đa phương được ký kết, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và toàn cầu.

Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới. Mục tiêu đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình ASEAN 3, trong đó thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, một trong những yêu cầu được đặt ra là Việt Nam cần thực hiện quyết liệt cải cách, đổi mới áp dụng phương pháp quản lý phù hợp tạo thuận lợi thương mại, thông quan nhanh chóng, trong đó việc áp dụng cơ chế BLTQ của một số nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc,… sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dần với nhóm các nước phát triển, hướng đến quốc gia có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong tốp 3 nước đứng đầu Đông Nam Á.

Từ những lợi ích mà BLTQ mang lại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020” và giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế BLTQ đối với một số mặt hàng XNK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Xin ông cho biết, tại Việt Nam, cơ chế BLTQ sẽ được triển khai theo lộ trình như thế nào?

Với sự hỗ trợ của GATF, việc nghiên cứu tính khả thi của cơ chế BLTQ đã được Tổng cục Hải quan cùng các bộ, ngành (Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện thông qua việc khảo sát mô hình BLTQ tại Hoa Kỳ, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, tham gia các buổi làm việc, thảo luận do GATF tổ chức với các DN XNK, DN kinh doanh bảo hiểm.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý và tiến độ triển khai, sớm đưa việc áp dụng cơ chế BLTQ đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan sẽ đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế BLTQ đối với hàng hóa XNK để trình Quốc hội xem xét thông qua; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành, không xây dựng Đề án.

Đây là một mô hình quản lý hoàn toàn mới có tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quy trình thủ tục hải quan và cũng như công tác quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành. Do vậy, để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các bộ, ngành, việc triển khai dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Trước tiên sẽ triển khai thí điểm, sau giai đoạn này, sẽ triển khai đánh giá kết quả, tác động để triển khai mở rộng và tiến tới chính thức. Tuy nhiên, để có thể triển khai được cơ chế BLTQ đối với hàng hóa XNK cần phải rà soát, sửa đổi một số văn bản Luật để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình này tại Hoa Kỳ và một số quốc gia của các chuyên gia đến từ GATF, góp ý của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về mô hình này tại Việt Nam để có thể sớm hoàn thiện và đưa cơ chế BLTQ vào triển khai trong thực tế.

Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Mục tiêu của việc triển khai áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan:

Đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên;
Tạo thuận lợi cho các hoạt động nhập khẩu hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp;

Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan, giảm thiểu rủi ro do việc không chấp hành pháp luật về thuế, về hải quan, về chính sách kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng một công cụ bảo lãnh mới để đảm bảo việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp; chuyển việc quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chờ thông quan cho tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm;

Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bảo lãnh thông quan hàng hóa nhập khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa được lựa chọn tổ chức bảo lãnh có uy tín, thuận lợi, chi phí cạnh trạnh để đứng ra bảo lãnh cho thông quan hàng hóa với cơ quan Hải quan.

Ngọc Linh (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/bao-lanh-thong-quan-tao-thuan-loi-thuc-day-giao-thuong-quoc-te-102479.html