Bạo loạn khủng khiếp 'chưa từng có' làm Paris hoa lệ như đang trong cuộc chiến

Làn sóng biểu tình của lực lượng 'Áo vàng' khiến Paris, Pháp giống như một 'chiến trường' với khói, lửa, bạo lực và cảnh hàng trăm người bị bắt giữ. Tuy vậy, Tổng thống Pháp nhấn mạnh, ông sẽ không thể để bị 'những hành động côn đồ' gây ảnh hưởng đến các chính sách của mình.

Paris như một “chiến trường”

Cuộc biểu tình khởi phát từ ngày 17/11 và đã được “kích nổ” thông qua phương tiện truyền thông xã hội, với lời kêu gọi những người biểu tình chặn đường trên khắp nước Pháp và cản trở các tuyến đường đến các trung tâm mua sắm, nhà máy và một số kho nhiên liệu. Cho đến cuối ngày 1/12 (giờ địa phương), cảnh sát chống bạo động của Pháp vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những người biểu tình “Áo vàng” trên đường phố Paris.

Điều đáng lo ngại, biểu tình đã biến thành bạo loạn nghiêm trọng chưa từng thấy tại nhiều quận ở Thủ đô Paris. Các quận trung tâm và những khu dân cư giàu ở Paris luôn trong tình trạng căng thẳng từ sáng 1/12 bởi những người biểu tình quá khích.

Tình trạng bạo lực trong cuộc biểu tình lần này tăng gấp nhiều lần so với cuộc biểu tình tuần trước. Hàng nghìn người có mặt đông đảo tại đại lộ Champs-Elysees và các khu phố tại trung tâm Paris. Các nhóm quá khích đối đầu với lực lượng cảnh sát và không có ý định giải tán bất chấp việc cảnh sát dùng vòi rồng phun nước và lựu đạn hơi cay.

Những hình ảnh do cảnh sát Pháp chia sẻ cho thấy một số người biểu tình đã đập phá một xe cảnh sát và phá vỡ kính trước của xe. Một số đoạn video khác cũng ghi lại cảnh những chiếc xe bốc cháy và cảnh sát dùng khí hơi cay để giải tán đám đông.

Một chiếc xe bị đốt trong cuộc bạo loạn

Sự căng thẳng không chỉ giới hạn trên đại lộ Champs-Elysees mà đã lan ra các quận xung quanh. Bầu trời trung tâm Paris kín đặc khói đen từ lựu đạn cay của cảnh sát và các đám cháy do người biểu tình đốt ô tô và hàng rào công trường trên đường phố. Các trụ sở ngân hàng và các cửa hàng, mặc dù đóng cửa không hoạt động, vẫn bị đốt phá. Một số nhóm biểu tình vượt qua hàng rào cảnh sát để trèo lên đỉnh Khải Hoàn Môn, biểu tượng chiến thắng của nước Pháp, hành động khiến Thủ tướng Edouart Philippe “bị sốc”. “Tôi bị sốc khi họ tấn công vào các biểu tượng của Pháp”, Thủ tướng Edouard Philippe nói với các phóng viên và nhấn mạnh: “Họ muốn chính phủ đối thoại, nhưng cũng cần tôn trọng pháp luật”.

Cảnh sát nhận định đây là đợt biểu tình bạo lực “chưa có tiền lệ”, khi người biểu tình dùng búa, các dụng cụ làm vườn, đá… để đối đầu với cảnh sát. Tổng cộng cảnh sát đã bắn ra khoảng 10.000 loạt hơi cay, phun 134.000 lít nước vào người biểu tình, CBS News dẫn thống kê cảnh sát Paris cho biết.

Thách thức khó gỡ nhất cho Tổng thống Macron kể từ khi cầm quyền

Kể từ khi ông Macron lên nắm quyền, các cuộc biểu tình lần này được xem là thách thức lớn. Dọc theo đại lộ Champs-Elysees, những người biểu tình ôn hòa liên tục hô to: “Macron, hãy ngừng đối xử với chúng tôi như những kẻ ngốc!”.

Tình trạng căng thẳng đến mức, ngay khi trở về nước từ hội nghị G20, Tổng thống Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với 7 Bộ trưởng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, ông sẽ không thể để bị “những hành động côn đồ” gây ảnh hưởng đến các chính sách của mình. Ông Macron cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp pháp lý để những hành động đã gây ra phải bị trừng trị”.

Cảnh sát Pháp bên đống đổ nát

Trong bài phát biểu của mình bên lề hội nghị G20, ông Macron cho biết các cuộc biểu tình và phá hoại ở Paris “đi ngược với tinh thần biểu tình trong hòa bình”. “Không gì có thể bào chữa cho việc các nhân viên an ninh bị tấn công, các cửa hàng bị phá hoại, các tòa nhà chính phủ và tư nhân bị châm lửa, người đi bộ và phóng viên bị đe dọa tính mạng và hình ảnh Khải Hoàn Môn bị làm xấu đi nghiêm trọng”, ông nói.

Ngay khi trở về thủ đô Paris, ông Macron đã đến thăm Khải Hoàn Môn, một trong những điểm nóng trong các cuộc bầu cử, để “xem xét mức độ thiệt hại” và bày tỏ sự tôn kính đối với ngôi mộ người lính không tên ở dưới chân cánh cổng. Ông cũng gặp mặt các sĩ quan cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đã nỗ lực để kiềm chế tình trạng bạo động.

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Trước tình trạng bạo lực mà các đợt biểu tình mang đến, chính phủ Pháp quyết không khoan nhượng. Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1 của Pháp, phát ngôn viên Benjamin Griveaux cho biết chính phủ Pháp đang xem xét các bước cần thiết để ngăn chặn “những hành động bạo lực bộc phát”, trong đó có áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Hiện trường vụ bạo loạn ở Paris

Ông Griveaux cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã đề xuất áp dụng tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet nói rằng những người tham gia biểu tình sẽ đối mặt với “các hình thức trừng phạt nghiêm khắc từ pháp luật” và một vài trong số này sẽ phải hầu tòa sớm nhất là vào ngày 3/12.

Khi được hỏi về khả năng áp dụng tình trạng khẩn cấp, bà Belloubet cho biết: “Tôi không nghĩ rằng tình trạng ở mức tệ như vậy. Tôi tin chúng tôi vẫn còn những lựa chọn khác”.

Khởi nguồn của những căng thẳng

Nguyên nhân gây nên cuộc biểu tình được cho là bởi tình trạng tăng giá xăng ở Pháp hiện nay, vốn bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô tăng trên toàn thế giới.

Quyết định tăng thuế nhiên liệu của Pháp có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân. Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố trên cả nước để phản đối.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sau đó khẳng định chính phủ nước này sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu mới áp dụng từ tháng 10 vừa qua, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên phạm vi cả nước.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp cho rằng dù thấu hiểu sự giận dữ của một bộ phận người dân mong muốn một cuộc sống tốt hơn, song khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Kể từ khi lên nắm quyền từ cách đây hơn 1 năm, Tổng thống Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền. Những biện pháp cải cách gây tranh cãi, đặc biệt là quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuế và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elyseé giảm xuống mức thấp.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-loan-khung-khiep-chua-tung-co-lam-paris-hoa-le-nhu-dang-trong-cuoc-chien-a413223.html