Bạo lực Catalan: Tiền lệ pháp Kosovo bắt đầu phát tác hiệu?

Phải chăng tiền lệ pháp Kosovo bắt đầu phát tác hiệu với chính phương Tây - các tác giả tạo tiền lệ pháp ấy?

BBC ngày 2/10 đưa tin, hơn 180.000 người dân đã xuống đường biểu tình tại thành phố Barcelona, nhằm kỷ niệm tròn một năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập cho xứ Catalan.

Những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và hỗn loạn đã diễn ra. Dòng người biểu tình đã làm tê liệt hệ thống giao thông trong nhiều giờ liền. Truyền thông phương Tây đặt câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với Catalonia?

Sau một năm sau diễn ra cuộc trưng cầu độc lập, tình hình tại Catalan vẫn hết sức phức tạp và bạo lực vẫn diễn ra xoay quanh giá trị của cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10/2017 và quyền tự quyết của người dân Catalonia.

Tình hình tại Catalonia ngày càng nguy hiểm

Tháng 6/2018, chính phủ Tây Ban Nha đã phải trao lại quyền quản lý Catalonia cho chính quyền của lực lượng chính trị ủng hộ ly khai vốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện Catalonia hồi tháng 12/2017, đứng đầu là Thủ hiến Quim Torra.

Thủ hiến Quim Torra đã ca ngợi những nhà hoạt động tổ chức các cuộc biểu tình vì sự kiện này đã gây áp lực cho Madrid và rất có lợi cho cuộc đấu tranh vì nền độc lập cho xứ Catalan.

Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell thì cho biết "chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng tìm cách làm giảm bớt căng thẳng, song cũng yêu cầu mọi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình".

BBC thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến tại xứ Catalan trong tháng 7/2018 và kết quả là số người ủng ủng hộ độc lập vẫn lớn hơn nhiều số người phản đối. Điều này làm đau đầu không chỉ chính quyền Madrid, mà thách thức cả thế giới phương Tây.

Theo giới phân tích, tình hình tại Catalan sẽ ngày càng nguy hiểm hơn và bạo lực có thể sẽ gia tăng, nếu giá trị cuộc trưng cầu độc lập của xứ Catalan không được Tây Ban Nha tôn trọng hoặc Madrid không có một giải pháp khả dĩ.

Chưa bao giờ nguyên tắc tự do-dân chủ phương Tây lại bị đe dọa nghiêm trọng như trong vấn đề độc lập của Catalan, khi người dân thực hiện quyền tự quyết dân tộc - giá trị tinh thần cao nhất của nền dân chủ.

Nghiêm trọng hơn là bế tắc trong xử lý vấn đề. Nếu Tây Ban Nha tôn trọng ý nguyện của người dân Catalan thì giá trị cuộc trưng cầu độc lập diễn ra ngày 1/1/2017 phải được hiện thực hóa mà kết quả là ra đời một nhà nước tại Catalonia.

Điều này sẽ có thể khởi đầu cho một trào lưu, thậm chí là xu thế trưng cầu - độc lập, mà có thể gây ra "đại bất ổn" cho cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội tại các nước phương Tây.

Hậu quả từ bom đạn của NATO ném xuống Nam Tư có thể nhạt phai qua năm tháng, nhưng hậu quả từ tiền lệ pháp Kosovo thì ngày càng nặng nề hơn

Song nếu chính quyền Tây Ban Nha gạt ý nguyện của dân xứ Catalan thì vấn đề còn bế tắc và nguy hiểm hơn nhiều, mà hậu quả có thể nhìn thấy là bất ổn, bạo lực, thậm chí là bạo loạn sẽ diễn ra không hồi kết.

Khi đó nguyên tắc tự do-dân chủ sẽ bị chính phương Tây vi phạm và như vậy chẳng khác nào trao chiếc gậy vạn năng cho lực lượng chính trị có quan điểm dân tộc chủ nghĩa hiện thực hóa chủ thuyết của mình.

Để rơi vào tình thế nguy hiểm - sau khi Catalan thực hiện trưng cầu độc lập - phương Tây phải tự trách mình, vì đây chính là hậu quả tử những hành động trái quy luật của họ, mà nguy hại nhất là việc tạo ra "tiền lệ pháp Kosovo".

Nếu như cho NATO ném bom Nam Tư là "sai lầm một" thì việc xử lý vấn đề độc lập của Kosovo sau khi NATO kết thúc ném bom là "sai lầm mười" của Mỹ-phương Tây, và sự bế tắc khi giải quyết vấn đề Catalan là xuất phát từ sai lầm lớn ấy.

Bởi hậu quả từ bom đạn của NATO sẽ dần nhạt phai qua năm tháng, song hậu quả từ việc nặn ra một thực thể chính trị trái nguyên lý về sự ra đời của nhà nước tại vùng lãnh thổ Kosovo thì ngày càng nặng nề hơn.

Đặc biệt nguy hại là nền độc lập của Kosovo lại được tạo dựng bằng bom đạn của NATO, vì nền Đệ nhất Cộng hòa Kosovo chỉ được Albania công nhận, còn nền Đệ nhị Cộng hòa Kosovo thì lại được tất cả các nước phương Tây công nhận.

Mà điểm khác biệt lớn nhất giữa nền Đệ nhất Cộng hòa Kosovo và nền Đệ nhị Cộng hòa Kosovo chính là thời điểm và cách thức ra đời gắn liền với việc NATO ném bom Nam Tư nhưng không được sự cho phép của LHQ.

Có khách quan thế nào đi nữa cũng không thể không đặt vấn đề: Tại sao trước khi bom đạn NATO ném xuống Nam Tư, Kosovo tuyên bố độc lập lại không được công nhận, nhưng sau khi bom đạn NATO cày xới Nam Tư thì lại được công nhận?

Tiền lệ pháp Kosovo đang dần trở thành thảm họa với phương Tây

Có thể thấy không câu trả lời nào chính xác hơn là bạo lực nhà nước được sử dụng tại Kosovo qua việc NATO ném bom Nam Tư đã giúp Kosovo độc lập. Nghĩa là nền Đệ nhất Cộng hòa Kosovo không được công nhận là do thiếu “yếu tố bạo lực”.

Khi kết quả trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalan bị gạt bỏ, dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề tiếp theo : Phải chăng bạo lực giúp một thực thể có thể có độc lập nhanh hơn trưng cầu ý nguyện nhân dân?

Một năm sau cuộc trưng cầu độc lập, những cú đấm trời giáng vào nguyên tắc tự do - dân chủ vẫn liên tiếp được tung ra và ngày càng nặng hơn. Phải chăng tiền lệ pháp Kosovo bắt đầu phát tác hiệu với chính phương Tây - tác giả tạo tiền lệ pháp ấy?

Mỹ-phương Tây từng rất mãn nguyện khi tặng Nga "ký ức buồn tại Kosovo"bằng việc gạt Moscow khỏi bàn cờ chính trị tại Nam Tư, song với hệ lụy từ "tiền lệ pháp" Kosovo thì dường như Washington và đồng minh mới là thực sự đắng hơn.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-luc-catalan-tien-le-phap-kosovo-bat-dau-phat-tac-hieu-3366564/