Bạo lực gia tăng ở lãnh thổ đòi độc lập New Caledonia, Pháp gửi thêm quân

Bạo lực tiếp tục hoành hành khắp New Caledonia trong ngày thứ ba liên tiếp vào thứ Năm (16/5). Pháp đã áp đặt tình trạng khẩn cấp và gửi thêm lực lượng an ninh đến quần đảo hải ngoại lâu nay đòi độc lập này.

Chính quyền Pháp ở New Caledonia và Bộ Nội vụ ở Paris cho biết 5 người, trong đó có 2 cảnh sát, đã thiệt mạng sau khi các cuộc biểu tình hồi đầu tuần nhằm phản đối cải cách bầu cử trở nên khó kiểm soát.

 Bạo lực hoành hành ở New Caledonia. Ảnh: AP

Bạo lực hoành hành ở New Caledonia. Ảnh: AP

Cao ủy Pháp Louis Le Franc cho biết ít nhất 60 thành viên lực lượng an ninh bị thương và 214 người bị bắt trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, đốt phá và cướp bóc hôm thứ Năm.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết sau cuộc họp tại Điện Elysee ở Paris: “Mọi thứ đang được thực hiện để lập lại trạng thái trật tự và bình tĩnh mà người dân Caledon xứng đáng có được”.

Ngoài 1.700 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát, 1.000 người nữa đang được điều tới nhưng tình hình “vẫn rất căng thẳng, với nạn cướp bóc, bạo loạn, đốt phá và tấn công”.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Công nhân Kanak ở Paris kêu gọi mọi người bình tĩnh và cho biết họ vô cùng đau buồn trước những cái chết ở quê hương xa xôi.

“Chúng tôi mong muốn thấy Chính phủ Pháp đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ hơn là gửi quân đội”, lãnh đạo công đoàn Rock Haocas nói với các phóng viên hôm thứ Năm.

Tại New Caledonia, Hội đồng thủ lĩnh quốc gia của người Kanak bản địa đã lên án “tất cả các hành động phá hoại và bạo lực súng ống”, nhưng bác bỏ cáo buộc rằng phong trào ủng hộ độc lập có liên quan đến bạo lực chết người.

 Nhiều ô tô bị phá hủy trong vụ bạo loạn. Ảnh: AP

Nhiều ô tô bị phá hủy trong vụ bạo loạn. Ảnh: AP

Tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng trong ít nhất 12 ngày khi lực lượng quân sự Pháp được triển khai để bảo vệ các cảng, sân bay và hỗ trợ lực lượng cảnh sát. Cao ủy Le Franc cho biết lệnh giới nghiêm đã được kéo dài đến sáng thứ Sáu.

Các đảng chính trị trên đảo cũng kêu gọi sự bình tĩnh từ cả hai phía - những người ủng hộ độc lập và những người muốn hòn đảo này vẫn là một phần của Pháp. Lần gần nhất Pháp áp đặt quyền lực khẩn cấp đối với một trong những vùng lãnh thổ hải ngoại của mình là vào năm 1985, cũng ở New Caledonia.

Hòn đảo Thái Bình Dương phía đông Úc, nơi sinh sống của khoảng 270.000 người và cách Paris 10 múi giờ, được khách du lịch biết đến với các đảo san hô và rạn san hô được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Căng thẳng đã âm ỉ trong nhiều thập kỷ giữa người Kanak bản địa tìm kiếm nền độc lập và con cháu của những người thực dân muốn vùng đất này vẫn là một phần của Pháp.

Tình trạng bất ổn trong tuần này nổ ra khi cơ quan lập pháp Pháp ở Paris tranh luận về việc sửa đổi hiến pháp Pháp để thay đổi danh sách cử tri ở New Caledonia. Quốc hội hôm thứ Tư đã thông qua một dự luật, cùng với những thay đổi khác, sẽ cho phép cư dân đã sống ở New Caledonia trong 10 năm được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh.

Những người phản đối cho rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho các chính trị gia thân Pháp ở New Caledonia và tiếp tục đẩy người Kanak ra ngoài lề, những người từng phải chịu đựng các chính sách phân biệt nghiêm ngặt và sự phân biệt đối xử phổ biến.

New Caledonia trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1853 dưới thời Hoàng đế Napoléon III, cháu trai và người thừa kế của Hoàng đế Napoléon. Nó trở thành một lãnh thổ hải ngoại của Pháp sau Thế chiến II, với quyền công dân Pháp được cấp cho tất cả người Kanak vào năm 1957.

Một thỏa thuận hòa bình giữa các phe phái đối địch đã đạt được vào năm 1988. Một thập kỷ sau, Pháp hứa trao quyền lực chính trị và quyền tự trị rộng rãi cho New Caledonia, đồng thời tổ chức tới ba cuộc trưng cầu dân ý liên tiếp về tương lai của hòn đảo.

Các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức từ năm 2018 đến năm 2021 và đa số cử tri đã chọn New Caledonia vẫn là một phần của Pháp, thay vì ủng hộ độc lập.

Những người Kanak ủng hộ độc lập đã bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý gần đây nhất vào năm 2021, cuộc trưng cầu dân ý mà họ đã tẩy chay vì nó được tổ chức ở đỉnh điểm của đại dịch COVID.

Cao Phong (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-luc-gia-tang-o-lanh-tho-doi-doc-lap-new-caledonia-phap-gui-them-quan-post295835.html