Bạo lực học đường: Cách nào để xã hội không còn nhức nhối vết đau?

Lại một vụ việc gây rúng động dư luận liên quan đến bạo lực học đường khiến những người làm quản lý giáo dục, các gia đình có con trong độ tuổi đến trường quan ngại. Trong khi nhiều người tập trung chỉ trích ngành giáo dục thì giới Luật sư, chuyên gia giáo dục lại cho rằng, đây là một trong những hệ quả của việc luật pháp còn nương nhẹ 'trẻ con'.

Bạo lực cần được giải quyết từ trong gốc rễ bằng giáo dục nhân cách con trẻ ngay từ nhỏ. Ảnh minh họa

Bạo lực cần được giải quyết từ trong gốc rễ bằng giáo dục nhân cách con trẻ ngay từ nhỏ. Ảnh minh họa

Nhóm học sinh đánh bạn vi phạm lỗi gì?

Nêu quan điểm về vụ việc gần đây nhất, một nhóm học sinh đánh bạn dã man, quay clip ở Hưng Yên, Luật sư Phạm Quang Xá (Công ty Luật TNHH “XTVN” - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, cả một nhóm học sinh xông vào đánh một em là hành động vô cùng tàn bạo, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Hành vi của 5 nữ sinh tham gia lột quần áo, đánh đập dã man em N.T. H.Y trước sự chứng kiến của nhiều người đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Làm nhục người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS và Điều 155 BLHS 2015.

Tuy nhiên, theo luật sư Xá, đây vụ việc này xảy ra trong nhà trường giữa các nữ sinh cùng lớp học, các nữ sinh học lớp 9 đều trong lứa tuổi trẻ em dưới 16 tuổi. Do đó sự phát triển tâm sinh lý trẻ em ở lứa tuổi này chưa hoàn thiện, nhận thức pháp luật còn rất hạn chế.

Do vậy, Bộ luật hình sự 2015 đã quy định về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về những loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Như nậy, nếu có căn cứ xác định 5 nữ sinh tham gia đánh, lột quần áo bạn học mà chưa đủ 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015.

Đối với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015, nhóm học sinh đánh bạn nếu dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm) tương ứng với Khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 134 BLHS. Nghĩa là hành vi gây thương tích cho nữ sinh N.T. H.Y phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên thì mới có thể xử lý hình sự cả 5 nữ sinh này.

Trường hợp, nếu không có căn cứ xử lý hình sự thì hành vi của 5 nữ sinh cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính. Ngoài trách nhiệm trước pháp luật, gia đình 5 nữ sinh phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, tổn thất tinh thần cho người bị hại theo quy định của Bộ luật dân sự.

Hãy chung tay đẩy lùi bạo lực

Trách nhiệm nhà trường

Theo luật sư Phạm Quang Xá, trong vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn lột quần áo, đánh hội đồng, Hiệu trưởng, Ban giám hiệu và GVCN đã có dấu hiệu “che giấu”, xóa bằng chứng là vi phạm đạo đức nghề giáo.

Mặc dù có dấu hiệu che giấu nhưng chưa thể xác định dấu hiệu vi phạm hình sự vì trong vụ việc các học sinh phạm lỗi đều dưới 16 tuổi. Hành vi không cấu thành tội hình sự nên Hiệu trưởng và các giáo viên liên quan khó có thể quy vào tội “không tố giác tội phạm”.

Tuy không bị xử lý hình sự nhưng việc cố tình che giấu sai phạm của Hiệu trưởng và các giáo viên sẽ bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý sẽ do hội đồng tại địa phương quyết định.

Như vậy, dù kiên quyết, cứng rắn đến đâu nhưng đối với các học sinh tuổi vị thành niên mắc sai phạm, pháp luật mới chỉ quy định tới các mức xử lý như nêu trên.

Nhiều luật sư cho rằng, quy định của pháp luật hiện nay còn “nương nhẹ” đối với vi phạm dạng này. Trong khi tình trạng trẻ hóa độ tuổi phạm tội đang có dấu hiệu gia tăng và ngày càng phức tạp. Vậy, cần hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để góp phần hạn chế những vụ việc đáng tiếc.

Cách nào để hạn chế những vụ bạo lực học đường?

Dưới góc độ một nhà sư phạm, ông Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng: Để xảy ra một sự việc nghiêm trọng như trên trong nhà trường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Giám hiệu và GVCN. Chúng ta có thể đánh giá về sự thiếu quan tâm hay chưa sâu sát trong nắm bắt tâm lý và tình hình học sinh của các thầy cô nhưng mặt khác cũng cần xét đến các yếu tố liên quan khác.

Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề, kỹ năng sống của một đứa trẻ không thể chỉ trông chờ vào thầy cô và nhà trường với biết bao nhiệm vụ nặng nề khác. Đây là bài học cảnh tỉnh cho các gia đình, hãy quan tâm hơn, sâu sát hơn, gần gũi chia sẻ hơn để giúp con em mình trau dồi kỹ năng và kịp thời lắng nghe tâm tư của trẻ. Chỉ có chủ động phối hợp mới có thể cho hiệu quả tốt đẹp trong công tác giáo dục nên một nhân cách tốt.

Tất cả các học sinh liên quan đến vụ việc, bao gồm các em đánh bạn, học sinh bị bạn đánh hay những học sinh chứng kiến sự việc,… tất cả các em đều cần được quan tâm đặc biệt về tâm lý. Các em cần hơn nữa một môi trường sống hướng thiện, biết sẻ chia, yêu thương và thấu hiểu giá trị đích thực của cuộc sống từ gia đình, nhà trường và xã hội…

“Tôi cho rằng, trong vụ việc này thầy cô cần nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất, không nên che giấu hay ém nhẹm. Đó cũng là cách giáo dục học sinh về sự tuân thủ luật lệ.

Luật pháp cũng quy định, trẻ em dưới 16 tuổi sẽ được kỷ luật theo hướng cảm hóa và giáo dục. Tuy nhiên, cũng rất cần có hình thức kỷ luật cứng rắn và nghiêm khắc, đủ răn đe đối với các em học sinh vi phạm, làm bài học cho những trường hợp khác.

Chúng ta nhân ái và độ lượng nhưng không thể dung túng cho những hành động sai trái. Đó là cách chúng ta dạy thế hệ trẻ biết đứng dậy sau vấp ngã chứ không phải là sự vùi dập”, ông Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh.

Xung quanh vụ việc này, TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm:

“Tôi ghi nhận những động thái khá kịp thời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và chính quyền tỉnh Hưng Yên trước sự việc.

Tôi cũng nhìn thấy tác động của việc lên tiếng từ báo chí, từ cộng đồng cư dân mạng xã hội. Việc cùng nhau cất lên tiếng nói bình tĩnh, kiên quyết, không chửi bới, nhục mạ là điều trước tiên chúng ta có thể làm, cùng với nhau.

Nhưng tôi vẫn nghĩ, cái chúng ta đang làm chỉ là xử lý tình huống tức thời.

Bạo lực cần được giải quyết từ trong gốc rễ bằng giáo dục nhân cách con trẻ ngay từ nhỏ, gây dựng giá trị sống trong gia đình, nhà trường, xã hội, phục hưng những giá trị văn hóa tinh thần, tạo nền tảng đạo đức, xây dựng chế tài luật pháp đủ sức răn đe cái ác...

Để làm được những điều trên, cần một sự đồng lòng lớn lắm, cần nhiều sự đổi thay lắm… Nếu không, lâu lâu, xã hội lại nhức nhối những vết đau.”

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bao-luc-hoc-duong-cach-nao-de-xa-hoi-khong-con-nhuc-nhoi-vet-dau-3992410-v.html