Bạo lực học đường, cần ngăn chặn từ gốc. Bài 2: Phải chung tay giải quyết bạo lực học đường

Sau những vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, vấn nạn này lại một lần nữa được dư luận đặc biệt quan tâm. Để phòng, chống hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó ưu tiên giải quyết từ gốc các vấn đề có thể phát sinh bạo lực. Điều này rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương, các ngành, tổ chức, đoàn thể và cả học sinh.

Lắng nghe con trẻ

Nguyễn Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi), hiện sống tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, từng là nạn nhân của bạo lực học đường vì giới tính của em. Mỗi ngày đến lớp, nếu không bị các bạn chỉ trỏ, trêu chọc, thì em cũng bị đánh đập, bị giấu cặp, giấu dép ở khắp nơi. Hoàng im lặng chịu đựng. Lý do là em đã từng có lần chia sẻ với thầy, cô giáo nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Cô sẽ nhắc nhở các bạn”. Sau những lần nhắc nhở, chuyện Hoàng bị bắt nạt vẫn không dừng. Khi được hỏi: “Sao em không nói với phụ huynh?”, Hoàng buồn bã cho biết: “Bố mẹ em bận đi bán hàng từ sáng sớm đến tối muộn để kiếm tiền nuôi 5 anh em. Hơn nữa, bố em là người rất cục tính, chỉ cần em nói ra, bố sẽ lên trường làm ầm lên. Lúc đó, chắc em chẳng dám đi học nữa”. Cứ như vậy, Hoàng dần rơi vào trạng thái trầm cảm, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. Từ một đứa trẻ hoạt bát, thông minh, kết quả học tập của Hoàng ngày càng sa sút đi trông thấy. Thật đáng buồn khi Hoàng không phải là người duy nhất chọn cách im lặng, vì tin rằng người lớn không thể giúp mình giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, giáo viên cũng cần lắng nghe tâm sự của học sinh - Ảnh: T.P

Con gái may mắn học trong một môi trường giáo dục tốt, trong lớp các bạn đều là con cán bộ, viên chức nhà nước nên chị M.L. (TP. Đông Hà) không nghĩ có ngày con mình là nạn nhân của bạo lực học đường. Cũng chính vì lý do đó mà chị chỉ quan tâm đến điểm số chứ ít khi hỏi han về các mối quan hệ khác của con.

Cho đến một ngày, con gái xin chuyển trường đúng vào năm học cuối cấp, chị mới hoảng hốt tìm nguyên nhân. Khi trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên thừa nhận hay thấy cháu thường im lặng mỗi khi đến lớp, thỉnh thoảng bắt gặp cháu khóc trên lớp nhưng “hỏi cháu không nói”.

Vì hỏi không nói nên cô cũng cho qua. Vụ việc sau đó được giáo viên và phụ huynh phối hợp giải quyết nhưng chị vẫn trăn trở rằng, lẽ ra khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở học sinh, giáo viên phải trao đổi với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân.

“Kỹ năng sư phạm không chỉ là khả năng truyền đạt kiến thức mà còn đòi hỏi người giáo viên phải nắm bắt được tâm lý học sinh”, chị L. chia sẻ. Đồng quan điểm, chị Phan Thị Thắm, hiện đang sống tại TP. Đông Hà bày tỏ: Để con và các bạn có một môi trường học tập lành mạnh, tránh xa bạo lực học đường, ngoài quan tâm đến con thì việc phối hợp, trao đổi kịp thời với giáo viên khi con có biểu hiện lạ cũng là việc làm rất cần thiết.

“Tôi thường khuyên con nên mạnh dạn chia sẻ với bố, mẹ, thầy, cô về những tâm tư, nguyện vọng xoay quanh việc học và cuộc sống của con. Đặc biệt là không im lặng khi bị xúc phạm về danh dự hay bị đe dọa”, chị Thắm bộc bạch.

Nắm bắt thông tin nhiều chiều

Những ngày này, Trường THCS thị trấn Gio Linh đã trở lại trạng thái yên bình vốn có sau những ngày “dậy sóng”. Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng nhà trường Trần Đình Hải thẳng thắn thừa nhận, nhà trường có một phần trách nhiệm khi để xảy ra bạo lực học đường ngay trong khuôn viên trường học.

“Thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để phòng tránh bạo lực học đường... Tuy nhiên, thật đáng tiếc vẫn để xảy ra sự việc học sinh của trường bị bạo hành. Hiện, nhà trường và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Gio Linh đã có quyết định đình chỉ việc học đối với các học sinh tham gia vào vụ việc nói trên”, thầy Hải nói.

Những mô hình như “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không tệ nạn xã hội, không bạo lực học đường” sẽ góp phần làm giảm nguy cơ xảy ra bạo lực học đường - Ảnh: T.P

Thực tế, công tác tuyên truyền và giáo dục kỹ năng cho học sinh để phòng tránh bạo lực học đường là việc làm thường xuyên của tất cả các đơn vị trường học. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn xảy ra. Phải chăng khâu nắm bắt thông tin của gia đình, nhà trường luôn bị chậm một bước, dẫn đến khi bạo lực xảy ra thì người lớn mới vào cuộc.

Chưa kể, khi vụ việc xảy ra, người đứng đầu các trường học để xảy ra bạo lực học đường lại chọn cách… im lặng. Thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã liên hệ rất nhiều lần với hiệu trưởng một số trường để xảy ra bạo lực học đường trong thời gian gần đây đều không nhận được câu trả lời. Một khi chưa dám đối mặt với thực tế thì khó có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm Bí thư đoàn trường, thầy Lê Văn Niệm, Trường THPT Bùi Dục Tài cho biết: “Theo tôi, chính tâm lý “một điều nhịn, chín điều lành”, ngại đấu tranh, sợ liên đới của nhiều người, trong đó có học sinh, phụ huynh, thậm chí là thầy, cô giáo đã khiến hành vi bạo lực ngày càng tàn nhẫn hơn”.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, thời gian qua, thầy Niệm phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp, bí thư các chi đoàn quan tâm đặc biệt kể cả trong và ngoài nhà trường với các học sinh chậm tiến, hay vi phạm. Cùng với đó là gặp trực tiếp học sinh đó để trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh của các em, đưa ra những lời khuyên phù hợp...

“Theo tôi, để bạo lực học đường không xảy ra thì quan trọng là phải ngăn chặn từ gốc, triệt phá những vụ việc ngay khi chưa hoặc sắp xảy ra”, thầy Niệm bộc bạch.

Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, em N.M.T. học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Đông Hà chia sẻ: Ở trường em có lập bảng khảo sát về tình hình học sinh sử dụng thuốc lá điện tử rồi triển khai cho học sinh trong toàn trường được biết.

Theo đó, nếu học sinh nào phát hiện bạn mình hút thuốc lá điện tử sẽ báo lên bảng khảo sát đó (được cài ở chế độ ẩn danh) để giáo viên nắm bắt tình hình, phối hợp với gia đình tìm biện pháp ngăn ngừa.

T. cho hay: “Em nghĩ phương pháp này hoàn toàn có thể sử dụng để các bạn thông tin về vụ bạo lực học đường xảy ra ở lớp hoặc ở trường mà mình biết được. Tuy nhiên, đầu tiên và quan trọng nhất là chúng em cần được nhận diện về các hình thức bạo lực học đường, bởi trong suy nghĩ của em cũng như nhiều bạn khác, chỉ khi nào xảy ra đánh nhau thì lúc đó mới được xem là bạo lực học đường”.

Phát huy hiệu quả mô hình tham vấn tâm lý

Để mỗi ngày đến trường của các học sinh thực sự là một ngày vui, những năm qua, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan như: Khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế; Ban An toàn giao thông tỉnh; các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh, tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiều chương trình tập huấn, hội nghị tuyên truyền hay dự án ý nghĩa, hiệu quả về các nội dung tư vấn tâm lý học đường; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn trong trường học...

Tuy nhiên, thành công nhất trong số đó phải kể đến Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, do Sở GD&ĐT Quảng Trị và Tổ chức Plan International Việt Nam (Plan) phối hợp thực hiện.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương, bạo lực học đường là vấn đề nhạy cảm, phải tùy vào từng trường hợp, vụ việc mà đưa ra cách xử lý linh hoạt. Quan trọng nhất khi đối diện với bạo lực học đường là phải tiếp cận, phòng ngừa, đánh giá và dự báo biểu hiện để có sự kiểm soát, phòng ngừa. “Nếu có các bước quản lý tốt, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chặt chẽ, có hoạt động kết nối học sinh, nguy cơ xảy ra các vụ việc bạo lực học đường trên địa bàn sẽ được giảm thiểu”, bà Hương nhấn mạnh.

Thông qua dự án, học sinh Quảng Trị có cơ hội nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bằng những tiết dạy, hoạt động truyền thông; thành lập, duy trì hoạt động của CLB thủ lĩnh thay đổi và tiếp cận với mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường.

Thầy giáo Nguyễn Đăng Quân, người trực tiếp phụ trách Phòng tham vấn tâm lý học đường tại Trường THCS Xy, huyện Hướng Hóa cho biết, hầu hết học sinh trước và sau khi được tham vấn tâm lý đều có nhiều sự thay đổi.

Trước đây, học sinh thường rụt rè, khi có vấn đề xảy ra như: áp lực thi cử, bị bạo lực học đường, bạo lực gia đình... đều không chia sẻ cùng ai mà chọn cách giữ bí mật hoặc tự mình giải quyết. Nay học sinh của trường đã chủ động, mạnh dạn gặp thầy, cô giáo làm công tác tham vấn học đường để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng... và được tư vấn cách xử lý phù hợp.

“Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện tham vấn tâm lý cho hơn 330 lượt học sinh và phụ huynh. Nhờ hiểu được vai trò và chức năng của phòng tham vấn, số lượt học sinh đến đây ngày càng nhiều hơn, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham vấn của nhà trường. Tỉ lệ học sinh của trường bị bạo lực học đường, bạo lực tinh thần, bỏ học cũng vì thế mà giảm đi đáng kể”, thầy Quân bộc bạch.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không tệ nạn xã hội, không bạo lực học đường” theo Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 25/12/2021 của UBND tỉnh.

Đồng thời, tổ chức các diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” để học sinh có cơ hội trình bày quan điểm về vấn nạn này, từ đó đề xuất và thảo luận hướng giải quyết khi có mâu thuẫn hoặc bạo lực học đường xảy ra trong và ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương thừa nhận tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra trên địa bàn khiến dư luận quan tâm. Thời gian tới, để hạn chế tối đa vấn nạn bạo lực học đường trên địa bàn, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường công tác tuyên truyền; xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương; thường xuyên giữ mối liên lạc với chính quyền địa phương, cơ quan công an cùng cấp quản lý để kịp thời nắm bắt tình hình học sinh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học.

“Phải coi xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, ngăn ngừa bạo lực. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong trường học trong việc chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội”, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/bao-luc-hoc-duong-can-ngan-chan-tu-goc-bai-2-phai-chung-tay-giai-quyet-bao-luc-hoc-duong/176787.htm