Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em: Chống được không?

Nhiều chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ và khoảng 2.000 học sinh đã tham dự Tọa đàm 'Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em- Chống được không' do Báo Tiền phong phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và một số đơn vị tổ chức ngày 8/4, tại Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM.

Võ sư Trần Trung Sơn, HLV Quốc gia Muay Thái chia sẻ kỹ năng hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Thu Tâm

Võ sư Trần Trung Sơn, HLV Quốc gia Muay Thái chia sẻ kỹ năng hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Thu Tâm

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ThS. Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TPHCM cho biết bạo lực học đường và dâm ô trẻ em không phải vấn đề mới nhưng thời gian gần đây "nóng" trở lại và nhận được quan tâm của cộng đồng xã hội.

Để trả lời câu hỏi "chống được không?", ThS. Phạm Anh Thắng khẳng định hoàn toàn có thể chống được bằng các biện pháp, như: Trường học tăng cường sân chơi cho học sinh, lồng ghép các nội dung về giáo dục kỹ năng sống, hiểu biết kiến thức pháp luật trong chương trình giảng dạy tại nhà trường, phát triển phong trào người tốt, việc tốt...

Hiện hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em của nước ta tương đối đồng bộ và đầy đủ, từ Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành đều quan tâm chỉ đạo nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em nhưng chính trong các em, những đối tượng được bảo vệ, lại chưa hiểu đúng và đủ về quyền và trách nhiệm của mình, biểu hiện cụ thể là không có nhiều học sinh hiểu biết về Luật Trẻ em. Từ thực tế đó, ông Thắng kiến nghị nhà trường và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, đặc biệt tuyên truyền về kiến thức pháp luật.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, để ngăn chặn bạo lực học đường và nạn dâm ô trẻ em, cần nâng cao vai trò của Đoàn thanh niên trong các cơ sở giáo dục, trong đó tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút nhiều học sinh tham gian để tạo cho các em môi trường tâm lý thoải mái, có niềm tin đối với công tác giảng dạy tại nhà trường.

Ngoài ra, trường học cũng cần quan tâm phát triển phòng tư vấn tâm lý, đầu tư đội ngũ giáo viên giảng dạy kỹ năng sống giúp học sinh có thêm kênh hỗ trợ và chia sẻ khi gặp khó khăn.

Phát biểu tại tọa đàm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng quan niệm chỉ trẻ em nữ mới bị xâm hại là hoàn toàn không chính xác. Trẻ em nam hay nữ, dù ở độ tuổi nào thì cũng đều có nguy cơ bị xâm hại.

Trăn trở về những vụ án xâm hại trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng vấn đề chứng cứ là điều cần được lưu tâm. Để có thể xử lí những hành động xâm hại trẻ theo đúng pháp luật, nữ luật sư cho rằng trẻ em cần mạnh dạn nói với gia đình, mạnh dạn tố cáo khi bị người khác xâm hại. Bởi việc nói ra vấn đề này, không chỉ giúp đỡ chính bản thân các em, mà còn là giúp đỡ những người khác.

Phân tích những lí do của bạo lưc học đường, dâm ô trẻ em, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân TP HCM cho rằng, thời gian gần đây, những hành vi bạo lực học đường (BLHĐ) hay xâm hại tình dục trẻ em diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man. Việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, trong khi một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra một “phản ứng ngược” từ cộng đồng.

Theo đó, cần phải có sự chung tay của rất nhiều cơ quan. Đó là sự nhận thức của rất nhiều tổ chức và thậm chí của chính những nạn nhân trong các vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm nhấn mạnh.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/bao-luc-hoc-duong-dam-o-tre-em-chong-duoc-khong-102623.html