Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em: Có tác động từ game, phim ảnh

Sự tác động của phim ảnh, game hay các chương trình giải trí lệch chuẩn, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu và thiếu, chính là những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường.

 Các em học sinh được võ sư Trần Trung Sơn - HLV Quốc gia Muay Thái chia sẻ kỹ năng giúp học sinh phòng vệ trước những tình huống xâm hại tình dục.

Các em học sinh được võ sư Trần Trung Sơn - HLV Quốc gia Muay Thái chia sẻ kỹ năng giúp học sinh phòng vệ trước những tình huống xâm hại tình dục.

Ngày 8.4, tọa đàm với chủ đề: "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?" diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, luật sư, chuyên gia giáo dục đã thu hút gần 2.000 học sinh THPT.

Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ với các học sinh về bạo lực học đường.

Phân tích những lý do của bạo lực học đường, thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân, Bộ Công an - cho biết: "Sự tác động của phim ảnh, game, hay các chương trình giải trí lệch chuẩn, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu và thiếu, chính là những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường".

Đồng thời, thiếu tá Lâm cho rằng, nhiều vụ việc diễn ra cho thấy, có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng; có thể do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm; và cũng có thể do nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu… nên "tội ác" đã không được đưa ra ánh sáng.

Phân tích ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến - giảng dạy Khoa Tâm thể tại bệnh viện quận Thủ Đức cho rằng, không cần cảm thấy thương xót các "nạn nhân" mà các em cần phải được hỗ trợ tâm lý để vượt qua.

"Theo tôi, do chúng ta đưa thông tin quá rộng, tên nạn nhân đưa ra quá công khai nên nhiều người cảm thấy tội nghiệp cho các em. Các em đi đâu cũng có nhiều người nhìn, tỏ vẻ thương xót. Nhưng trước mắt, chúng ta cần cho các em biết lỗi không phải do nạn nhân, phải làm cho nạn nhân bình tâm bằng cách ôm các em và nói: “Lỗi này không phải của con” - chuyên gia Phan Thị Hoài Yến nhấn mạnh.

Rất nhiều học sinh quan tâm về vấn đề bạo lực học đường, dâm ô trẻ em.

Về khung hình phạt đối với bạo lực học đường, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thông tin thêm: "Nếu gây tổn hại sức khỏe từ 11% trở lên, người gây ra hành vi bạo lực học đường sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự".

Các em học sinh thắc mắc về khung hình phạt đối với hành vi bạo lực học đường

Trong khi đó, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTBXH tại TPHCM đề xuất giải pháp chống bạo lực học đường bằng cách đẩy mạnh phong trào, tuyên dương nhiều gương người tốt, việc tốt.

“Bạo lực học được trước đây chỉ dừng lại ở việc bắt nạt nhau, nhưng nay còn lột đồ, quay clip và không có người can ngăn. Chống việc này bằng cách đẩy mạnh các phong trào người tốt việc tốt, các phong trào hoạt động tốt đẹp của giới trẻ. Như vậy, nhà trường, học sinh sẽ tăng cường gần gũi, chia sẻ, không có thù hằn lẫn nhau thì sẽ không có bạo lực” - ông Phạm Anh Thắng nói.

Anh Nhàn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/bao-luc-hoc-duong-dam-o-tre-em-co-tac-dong-tu-game-phim-anh-726703.ldo