Bạo lực học đường và thế giới u tối của những đứa trẻ

Câu chuyện của cô bé Mathilde Monnet trong cuốn sách 'Nước mắt tuổi 14' chính là tiếng nói cất lên đau đớn nhưng đầy mạnh mẽ về bạo lực học đường, khiến chúng ta sửng sốt.

Năm 2015, cả nước Pháp rúng động trước những sự thật trần trụi khốc liệt về thế giới học đường được viết ra trong cuốn sách Marion, mãi mãi tuổi 13. Cuốn sách được viết bởi một người mẹ đã mất con gái vì bạo lực học đường.

Trong cuốn sách cô bé Marion bị những người bạn cùng lớp lăng mạ, đánh đập, chà đạp cơ thể, nhưng không được ai giúp đỡ. Cô bé âm thầm chịu đựng một mình, để rồi rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng đã treo cổ tự tử trong phòng vào một buổi sáng tháng hai, đã khiến bố mẹ kinh hoàng. Lúc ấy, họ mới nỗ lực tìm kiếm bí ẩn về cái chết của Marion, và phát hiện ra những tàn nhẫn phía sau thế giới học đường.

Bìa sách Nước mắt tuổi 14.

Bìa sách Nước mắt tuổi 14.

Nạn bạo lực học đường vốn đã trở thành một vấn nạn trên khắp thế giới, với đầy những trăn trở, những dự tính biện pháp, nhưng thẳm sâu trong lòng thế giới ấy, biết bao nhiêu đứa trẻ vẫn đang hàng ngày chịu đựng nỗi đau đớn, chà đạp, gào khóc bằng sự câm lặng, trong hố sâu của chính mình.

Câu chuyện của cô bé Mathilde Monnet trong cuốn sách Nước mắt tuổi 14 chính là tiếng nói cất lên tha thiết, vang vọng, đau đớn nhưng đầy mạnh mẽ, khiến chúng ta sửng sốt.

Mathilde Monnet đã trải qua những năm học lớp 6, lớp 7 trong sự nhục mạ của những người bạn học trong lớp. Em không chỉ bị xúc phạm bằng thứ ngôn ngữ bẩn thỉu, thóa mạ nhân cách sâu sắc. Em còn trở thành nạn nhân của bạo lực, bị đánh đập, tra tấn về mặt thể xác. Bị đánh hàng ngày đến nỗi khiến em u mê đầu óc, từ bỏ hẳn bản năng kháng cự.

Em không còn khóc, em không còn van xin. Em rơi vào hố thẳm trống rỗng. Mỗi ngày trải qua đều đáng sợ như địa ngục. Lớp học trở thành một sân khấu của sự đánh đập, đàn áp, tất cả bạn học đều là chủ nhân, chỉ có em là nô lệ, chịu đựng mọi tổn thương.

Trái tim non nớt của Mathilde Monnet đã nhiều lần nghĩ đến cái chết. Em tưởng tượng ra đủ cách chết để giải thoát cho chính mình. Nhưng có đôi lúc, chỉ một ánh nhìn bớt hằn thù của ai đó trong lớp, khiến em an ủi bản thân rằng, em có thể sống tiếp, không phải ai cũng ghét bỏ em.

"Khi nào các bạn sẽ chấm dứt thảm cảnh đó?"

Bạo lực mỗi ngày càng tăng, nhưng không giống như cô bé bất hạnh Marion, Mathilde phản kháng. Từ những hành động của việc gửi email chống đối, hay viết blog phản kháng, đến khi bị hành hạ tơi bời, Mathilde đã can đảm đem câu chuyện bị bạn bè đánh đập xúc phạm, kể hết cho cha mẹ. Khi đã nhận được sự động viên của cha mẹ, Mathilde cuối cùng đã quyết định đứng ra tố cáo hành vi tồi tệ của những người bạn trong lớp.

Quá trình tố cáo cũng là một hành trình gian nan đằng đẵng. Quan trọng hơn lúc này, người lớn vào cuộc, bằng cách nào đó, không phải thẳng thắn để ngăn chặn bạo lực, mà ngược lại, người lớn khiến nỗi sợ hãi của Mathilde tăng lên.

Họ đã làm gì, rốt cuộc điều mà họ muốn là gì? Bạo lực học đường vẫn tồn tại ở đó, bởi sự dung túng, thờ ơ hay né tránh.

Nạn bạo lực học đường ngày càng trở nên căng thẳng, những số liệu trong cuốn sách Marion, mãi mãi tuổi 13 đã trích dẫn, sẽ khiến ta phải kinh ngạc:

“Theo những điều tra chính thức mới đây (tại Pháp), 10,1% học sinh được hỏi tuyên bố rằng đã bị quấy rối, 7% là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, tức là cứ 16 trẻ em thì có 1 trẻ em bị quấy rối nghiêm trọng. Con số thật khổng lồ: 10% của 12 triệu trẻ em đang độ tuổi đến trường, nó cho thấy là hơn 1 triệu học sinh thay bằng đổ mồ hôi trên các bài tập của mình thì chúng lại toát mồ hôi trước ý tưởng sẽ bị nghéo chân hoặc chế giễu. Phân nửa trong số chúng phản ánh đã bị nghe chửi, 39% bị đặt biệt danh ác ý, 36% bị xô đẩy chen lấn, 32% bị cô lập, 29% bị chế giễu vì hạnh kiểm tốt trên lớp, 19% bị đánh, 5% bị mơn trớn hoặc bị cưỡng bức…"

Vấn nạn này đã cướp đoạt đi những mộng mơ của tuổi thiếu thời của biết bao đứa trẻ như Mathilde. Cuốn sách của Mathilde chính là lời tâm sự thống thiết nhất, kể lại câu chuyện về quãng thời gian trưởng thành đau khổ nhất. Mathilde và nhiều đứa trẻ bị bạo lực như em, không có bạn bè, càng không thể nào có được sự vui tươi, thơ ngây với những kỷ niệm đẹp đẽ như những đứa trẻ khác. Bạo lực học đường đã cướp tất cả của em. Nhưng Mathilde, em có giấc mơ. Còn những đứa trẻ khác, mấy ai giữ lại được giấc mơ.

Mathilde Monnet là tác giả cuốn sách Nước mắt tuổi 14 đồng thời em cũng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Cô bé Mathilde, khiến tôi nhớ đến những đứa trẻ trong bộ phim All About Lily Chou Chou của đạo diễn Shunji Iwai, Nhật Bản. Ở đó các nhân vật Yuichi Hasumi, Tsuda và Kuno đều chịu cảnh bị bắt nạt của bạn học. Những đứa con trai như Yuichi bị đánh đập, còn những đứa con gái như Tsuda và Kuno bị ép làm gái gọi. Trong không khí ngột ngạt ấy, những đứa trẻ không có cách nào thoát ra, và chúng bám víu vào âm nhạc của Lily Chou Chou. Để thế giới âm nhạc ấy bủa vây mọi ngõ ngách tâm hồn, khiến chúng chạy trốn nỗi đau đớn, sự tuyệt vọng.

Trong cơn tuyệt vọng nhất, Mathilde cũng nương vào những giấc mơ để tái hiện lại một thế giới khác, để đắm chìm trong thế giới ấy. Nó giúp nỗi đau đớn của em nhẹ đi. Từ giấc mơ ấy, em khởi đầu sự nghiệp viết của mình, bằng bản năng, bằng trĩu nặng tâm tư, và ở đó, em miệt mài viết, như em chia sẻ: “Viết cho đến khi nỗi thống khổ nguôi ngoai, cơn đau qua đi và niềm vui trở lại”.

Em đã đi qua tuổi 13, 14. Em đã bước vào lớp 10. Con đường trước mắt, là cuộc sống mới. Em đã mạnh mẽ hơn, và em vẫn tiếp tục viết, như sự tranh đấu “Tôi dành cuộc tranh đấu của mình cho những người sống sót”.

Cuộc đời em đã không kết thúc trong tuyệt vọng cùng cực bằng cái chết như Marion, hay rất nhiều đứa trẻ khác. Cuộc đời em là cuộc đời được dành lấy bằng sự tranh đấu, đó là điều thức tỉnh cho hàng triệu đứa trẻ ngoài kia, hay là lời an ủi cho bao nhiêu tâm hồn trẻ thơ đã từng đau đớn vì bị chà đạp.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bao-luc-hoc-duong-va-the-gioi-u-toi-cua-nhung-dua-tre-post887232.html