Bạo lực học đường: Vì đâu nên nỗi?

Bạo lực học đường luôn là nỗi trăn trở, đau lòng. Vì sao tình trạng này không giảm mà ngày càng gia tăng?

Sau khi vụ việc một nữ sinh lớp 10 tại Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh tự tử tại nhà riêng, (nguyên nhân ban đầu nhận định em là nạn nhân của nạn bạo lực học đường), băn khoăn lớn được dư luận đặt ra: Liệu có phải người lớn đang quá vô tâm với trẻ?

Trong quan niệm của nhiều người, lâu nay những vụ việc bạo lực/bắt nạt học đường dường như chỉ liên quan đến những đứa trẻ hư. Nhưng không phải thế, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra trong nhà trường, mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với nhiều hình thức khác nhau. Và đều có điểm chung là để lại những tổn thương nghiêm trọng về cả sức khỏe, tinh thần, thậm chí là tính mạng cho nạn nhân. Vấn nạn đó giờ đây đang trở nên báo động hơn bao giờ hết.

Trên thực tế, không ít phụ huynh quan niệm rằng việc dạy kiến thức và rèn luyện nhân cách cho trẻ là trách nhiệm của nhà trường. Các thầy cô giáo thì lại bày tỏ mong muốn, gia đình quan tâm hơn nữa đến việc học của các con trên lớp, phối hợp cùng nhà trường dạy dỗ các em. Khi ở môi trường học đường các em không nhận được sự sẻ chia, về gia đình các em không có sự cảm thông; đặc biệt khi sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường lỏng lẻo, ắt sẽ dẫn đến những chuyện mà người lớn khó lường trước được. Hay nói khác đi, chuyện của các em- dù nhỏ cũng cần được người lớn lắng nghe.

Trong vụ việc nữ sinh tử vong ở Nghệ An, đã là quá muộn để nói hai từ “giá như” tuy nhiên, để hạn chế những trường hợp tương tự, việc nhìn nhận để thay đổi thái độ, hành vi, nhận thức từ phía người lớn (giáo viên và phụ huynh) có vai trò rất quan trọng.

Đơn cử như ở góc độ của giáo viên chủ nhiệm, khi thầy/cô tìm được ngôn ngữ hay còn gọi là “bắt sóng” được suy nghĩ của học trò sẽ dễ dàng hơn trong việc làm bạn đồng hành cùng các em. Việc nắm bắt được thông tin về học sinh lớp chủ nhiệm sẽ giúp giáo viên kịp thời ngăn chặn những vụ ẩu đả đáng tiếc xảy ra. Những điều này không khó để gây dựng, các mối quan hệ này giúp ích rất nhiều cho giáo viên chủ nhiệm lớp cân bằng được các hành vi của học sinh. Chỉ cần người giáo viên chủ nhiệm có tâm, dành thời gian cho học trò của mình, xuất phát từ nhu cầu muốn thấu hiểu, lắng nghe và làm bạn thay vì làm người “bề trên” thì việc để học trò tôn trọng là điều dễ dàng.

Ở góc độ phụ huynh, không ít trường hợp khi con về nói với bố mẹ là con bị bắt nạt ở trường thì bố mẹ lại thờ ơ, xem việc đó là nhỏ nhặt, không cần quan tâm. Việc này sẽ dẫn đến nhiều học sinh phải sống trong môi trường luôn bị dọa nạt, đánh đập, bị uy hiếp về tinh thần mà không biết cách tự bảo vệ, do đó rất dễ chấn thương tâm lý, tự ti, mặc cảm, không có bản lĩnh… Chính vì vậy, phụ huynh cần thường xuyên quan tâm tới con để nắm bắt tình hình học tập, biết rõ các mối quan hệ của con. Nếu biết con mình bị bắt nạt ở trường thì không nên nóng vội, phải tìm hiểu rõ thực hư sự việc, xác định đúng - sai để có hướng xử lý. Phụ huynh cần trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm để sớm ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường.

Không có trẻ nào sinh ra đã hư, và người lớn không thể vô can trong chuyện trẻ em đánh nhau. Chỉ nên trách người lớn đã chưa thực sự quan tâm, chưa lắng nghe và giúp đỡ để trẻ kịp thời vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phân tích: Khi một đứa trẻ cầu xin, nguyên tắc của người lớn là phải xem xét gốc rễ nguyên nhân. Khi trẻ nói gặp vấn đề, nguyên tắc nữa là phải bảo vệ trẻ bằng mọi giá. Người lớn đừng vội nghĩ đến điều gì khác như thành tích hay danh dự, hãy nghĩ trẻ cần giúp đỡ và phải bảo vệ chúng. Sự việc nữ sinh tự vẫn vừa nêu, chắc hẳn người lớn ai cũng thấy mình có lỗi.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-luc-hoc-duong-vi-dau-nen-noi-5716009.html