Bạo lực tinh thần khiến trẻ tự tử, cha mẹ cần làm gì?

Hồi chuông báo động về nạn bạo hành học đường đã gióng lên khẩn thiết suốt bao năm qua. Bạo hành diễn ra giữa học sinh với nhau, giữa gia đình và giữa giáo viên với học sinh, điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng với người trong cuộc.

Theo các chuyên gia tâm lý, trong các kiểu bạo hành thì bạo hành tinh thần để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân. Loại bạo hành này chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân, kiểm soát hoạt động của nạn nhân, lợi dụng vị thế của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy khó nhận diện hơn so với bạo hành thể chất nhưng hậu quả, di chứng của bạo hành tinh thần lại có thể kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Hơn thế nữa, bạo hành tinh thần ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, ở cả những người có địa vị, học vấn cao.

Trẻ em bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài sẽ bị sang chấn tâm lý. Trẻ sẽ tỏ ra sợ sệt, co rúm, ngại giao tiếp, mất tự tin, rơi vào tình trạng rối loạn giao tiếp với bạn bè, gia đình và xã hội. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, sự sáng tạo của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ còn biếng ăn, không chịu đi học, nói dối bị bệnh để khỏi đi học,. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các bé thường không dám nói ra những vấn đề của mình, sợ bị bố mẹ, thầy cô la mắng, đánh đập dẫn đến bị trầm cảm, buồn rầu, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, thậm chí dẫn đến tự làm hại bản thân, tự tử.

Hiện ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại chua có nghiên cứu, thống kê chính xác nào về vấn đề này, các số liệu cũng chỉ từ các đơn vị, ban ngành báo cáo lên. Tuy nhiên, thực tế sẽ nhiều hơn so với con số báo cáo vì đa phần các cháu sẽ không nói ra.

Bạo lực tinh thần khiến trẻ tự tử

Bạo lực tinh thần khiến trẻ tự tử

Một trong những trường hợp đau lòng vừa mới xảy ra gần đây, khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trẻ gái 13 tuổi đã đã có hành vi tự tử do bạo lực học đường.

Theo thông tin từ các bác sĩ cho biết, sự việc bắt đầu xảy ra với trẻ khi giữa năm học, trong lớp cô giáo đã xếp trẻ ngồi giữa hai bạn nam. Kể từ đó, bé gái này thường xuyên bị hai bạn bên cạnh mình trêu chọc, giật và ném sách vở của trẻ. Nghiêm trọng hơn là trẻ thường xuyên bị hai bạn lấy sách đập vào đầu. Ngoài ra, em còn bị cả lớp ghép đôi với một trong hai bạn nam đó. Điều này khiến cho em luôn có cảm giác xấu hổ, căng thẳng và lo sợ nên không thể tập trung được để học.

Càng ngày, học lực của em càng giảm sút. Mỗi khi em không làm được bài hoặc bị điểm kém thì cả lớp lại trêu chọc khiến trẻ càng chán nản, tự ti và không muốn đi học. Nghĩ đến việc đi học, em luôn lo lắng, sợ hãi và cảm thấy không có ai hiểu và giúp đỡ mình. Dần dần em không muốn giao tiếp với ai thậm chí cả bố mẹ hay anh chị em.

Mỗi khi về nhà, bé gái này không ăn cùng gia đình mà sinh hoạt một mình. Em cảm thấy cuộc sống xung quanh đối với mình như là cực hình và muốn được giải thoát khỏi cảm giác đầy căng thẳng và sợ hãi này.

Em đã nhắn tin cho vài người bạn thân về tâm trạng của mình rồi tự đi mua thuốc trừ sâu. Nửa đêm em đã uống 2 gói thuốc trừ sâu và sau đó em cảm thấy chóng mặt, nôn liên tục rồi ngã gục xuống nhà. Bố mẹ phát hiện kịp thời và đưa con tới bệnh viện để cấp cứu.

Chúng ta có thể làm gì?

Theo TS. BS. Ngô Anh Vinh-Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên ( Bệnh viện Nhi Trung Ương); Tự sát ở vị thành niên là vấn đề có thể ngăn ngừa được. Việc hiểu rõ các nguyên nhân, các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm cách giải quyết và ngăn ngừa tình trạng này.

Cần những lưu ý sau:

Không áp đặt thành tích học tập cho trẻ, không nên đặt kì vọng quá cao ở trẻ vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ.

Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội.

Phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ 1 cách hợp lí. Nên tổ chức các buổi du lịch dã ngoại, hoặc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh cho trẻ.

Dậy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.

Hãy nhớ rằng, tự tử ở trẻ vị thành niên có thể phòng ngừa được. Nếu bạn lo lắng về con bạn hãy tìm sự hỗ trợ và tư vấn của các bác sĩ, các nhà tâm lý.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19.

Các phát hiện từ các nghiên cứu dịch tễ học của các quốc gia có thu nhập cao cho thấy tỷ lệ mắc 8-18% đối với các rối loạn tâm thần ở trẻ em ở độ tuổi đi học.

Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần giao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm 14%, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9%.

Năm 2019, Bệnh viện Nhi TW có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31% và Hưng Yên là gần 19%. Tỷ lệ học sinh Hà Nội bị stress là gần 39% và tại Hưng Yên là gần 22%.

Hà Đăng ( ghi)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-luc-tinh-than-khien-tre-tu-tu-cha-me-can-lam-gi--n190251.html