Báo Mỹ: Bà Merkel đang phá hủy châu Âu

Tờ Politico phân tích, chính sách tị nạn và thiết lập ngân sách chung cho khu vực đồng tiền chung eurozone của Thủ tướng Merkel có thể phá hủy châu Âu.

Tờ Politico của Mỹ hôm 28/6 đã đăng một bài bình luận cho rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel không phải là một "vị cứu tinh của châu Âu", như một số chính trị gia phương Tây giới thiệu.

Thủ tướng Merkel như một vị cứu tinh của châu Âu?

Theo đó, tờ báo Mỹ cho rằng, với chính sách về người tị nạn, Thủ tướng Merkel đã được ca ngợi như một người bảo vệ dũng cảm những lý tưởng của phương Tây chống lại sự tấn công của những người theo chủ nghĩa dân túy.

Nhưng trong thực tế, Thủ tướng Đức đã liên tục khiến Liên minh châu Âu chia rẽ với chính sách này. Những dấu hiệu chia rẽ đang dần hiện rõ, thậm chí ở mức rất kiên quyết của một số quốc gia.

"Nhiều đồng minh cũ của bà Merkel không chỉ bày tỏ mối lo ngại về chính sách nội bộ của bà, mà còn đặt câu hỏi bị hầu hết giới tinh hoa chính trị Đức e ngại: liệu bà Merkel có làm chia rẽ châu Âu thành từng phần hay không" - tờ báo Mỹ viết.

Gần đây, phóng viên của đài truyền hình nhà nước Đức ARD Malta Piper đã gửi lời kêu gọi tới Thủ tướng: "Thưa bà Angela Merkel, gần 13 năm bà đã ngồi ở cương vị thủ tướng — và cái còn lại duy nhất từ châu Âu để cho bà là thái độ thù địch.

Điều này được xác nhận bởi tất cả các cuộc họp gần đây mà bà tham dự. Cuối cùng, hãy ngăn chặn tương lai châu Âu chuyển từ sự thống nhất đến chia rẽ! Hãy để nó cho người kế nhiệm".

Tuyên bố này ngay lập tức tạo nên "làn sóng phản ứng ở Berlin".

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến do Viện nghiên cứu dư luận xã hội Civey tiến hành theo yêu cầu của báo Welt cho thấy rằng cư dân Đức cũng không tin Thủ tướng Merkel có khả năng tìm ra giải pháp về người tị nạn.

Theo kết quả thăm dò, 74,7% số người được hỏi có thái độ bi quan và không tin vào thành công của bà Merkel.

Với câu hỏi — liệu bà Merkel có thỏa thuận được với CSU về giải pháp chung châu Âu dành khắc phục khủng hoảng di cư, thì 35,1% thành viên tham gia thăm dò trả lời khẳng định tiêu cực: "Không, trong mọi trường hợp đều không đạt được".

Còn 39,6% số người chọn câu trả lời "Có lẽ là không". Chỉ có 18,1% số người được hỏi tin vào kết quả tích cực, còn 7,2% không xác định được phương án trả lời, — tờ báo cho biết.

Trong khi đó tầng lớp tinh hoa chính trị ở Berlin có những lo ngại nghiêm trọng: các thể chế dân chủ ở Đức hiện nay không đủ mạnh để cứu châu Âu, và làm được điều đó thì chỉ có bà Merkel mà thôi.

Ngay cả Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel - cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội và là đối thủ chính trị lâu năm của thủ tướng Merkel được Politico dẫn lời cho rằng: "Tôi chỉ hy vọng rằng, bà Angela Merkel vẫn là Thủ tướng", đồng thời nhấn mạnh rằng, châu Âu sẽ sụp đổ nếu không có nữ Thủ tướng này.

Tuy nhiên, tờ Politico thì cho rằng, thực tế trên chính trường Đức, không ai dám đối đầu với bà Merkel - người được giới tinh hoa Đức kiêng nể- để trở thành Thủ tướng bởi đơn giản là chẳng ai muốn sau này bị đổ lỗi là "người hủy diệt châu Âu".

Và nếu một khi phần đông tinh hoa chính trị của Đức ủng hộ Thủ tướng, thì có khả năng bà Merkel sẽ thắng trong tất cả các cuộc đối đầu nội bộ nước Đức bởi vì không ai muốn sau này bị buộc tội "hủy diệt châu Âu" - tờ báo Mỹ nhận xét.

Tờ Straits Times của Singapore thì cho rằng, trong phần lớn các trường hợp, bà Merkel xử lý khủng hoảng bằng cách “không làm gì cả”.

Sự nhất quán của bà nằm ở việc lặng lẽ quan sát “hướng gió thổi”, nắm bắt xu thế chung và đưa ra giải pháp phù hợp nhất có thể. Sự khủng hoảng ở nội bộ chính phủ Đức trong tháng trước là một ví dụ. Bà Merkel đã "không làm gì cả" và chờ đợi yêu sách của đồng minh rồi dễ dàng chấp thuận nhằm duy trì liên minh Chính phủ.

Theo ông Jonathan Eyal, chuyên gia Viện nghiên cứu Quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh, cách tiếp cận không gắn liền với triết lý chính trị nào sẽ không giải quyết triệt để những vấn đề đang nóng hổi như rắc rối về đồng tiền chung Euro hay cuộc khủng hoảng di dân.

Điều tương tự xảy ra khi nữ thủ tướng giải quyết các vấn đề trong Liên minh châu Âu. Bà thường xuyên nói về cải cách nhưng thực chất vẫn giữ quan điểm “không can thiệp” lạnh lùng suốt những năm khủng hoảng của Hy Lạp.

Dù là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ đồng euro, Thủ tướng Merkel cũng bị cho là chưa thể hiện trách nhiệm đối với các thành viên châu Âu không có khả năng cạnh tranh với nước Đức thịnh vượng.

Tại cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 19/6, bà Merkel cuối cùng cũng đồng ý xây dựng ngân sách chung giúp xử lý các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi nhỏ bé, thể hiện cách tiếp cận cổ điển kiểu Merkel là “đá” những vấn đề khó khăn vào bụi cỏ rậm.

Bà Merkel từng đá quả bóng "người tị nạn" sang châu Âu.

Theo quan điểm riêng của ông Eyal, chủ chương tiếp nhận người tị nạn của bà Merkel không phải là cách giải quyết bền vững cho khủng hoảng di cư tại châu Âu.

Để giải quyết vấn đề, bà Merkel đang sử dụng chiến thuật “đá quả bóng nhập cư” sang châu Âu. Thủ tướng Merkel cho rằng những người tị nạn mà Đức đã tiếp nhận nên được phân tán đồng đều cho các nước thành viên EU.

Ông Eyal đồng thời cho rằng sẽ khó có thỏa thuận hiệu quả nào giữa bà Merkel và EU trong việc san sẻ gánh nặng tị nạn. Thông qua hành động đơn phương của bà trước đó, thủ tướng Đức đã đánh mất cơ hội chèo lái con thuyền châu Âu vượt qua cơn sóng nhập cư, thậm chí, có thể kích hoạt sự chia rẽ của châu Âu lên tới đỉnh điểm.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bao-my-ba-merkel-dang-pha-huy-chau-au-3360985/