Báo Mỹ: Nga bế tắc trong việc phát triển tiêm kích một động cơ

Từ khi Liên Xô tan rã, mặc dù rất cố gắng nhưng Nga chưa tạo ra được chiếc tiêm kích hạng nhẹ một động cơ nhằm kế thừa di sản thành công trong quá khứ.

Hiện tại, tập đoàn công nghệ nhà nước Nga Rostec đang có sáng kiến riêng, nhằm tạo ra một hệ thống hàng không chiến đấu tương lai "ở hạng nhẹ và hạng trung."

Hiện tại, tập đoàn công nghệ nhà nước Nga Rostec đang có sáng kiến riêng, nhằm tạo ra một hệ thống hàng không chiến đấu tương lai "ở hạng nhẹ và hạng trung."

Tuy nhiên bất chấp hàng chục năm nghiên cứu về khái niệm máy bay như vậy, triển vọng thành công dường như vẫn còn xa vời, tờ The Drive của Mỹ đã dự đoán về sự thất bại của chương trình vũ khí Nga.

"Theo thiết kế, nó có thể là một nền tảng chung trong các phiên bản có người lái và không người lái. Công ty đang nghiên cứu về khái niệm và các yêu cầu hoạt động cho một chiến đấu cơ như vậy".

Thông tin trên được người đứng đầu Rostec - ông Sergey Chemezov giải thích một cách mơ hồ với giới truyền thông. Rõ ràng là chúng ta đang nói về máy bay một động cơ chứ không phải loại hai động cơ.

Trong quá khứ, người Nga đã khám phá một số khái niệm tương tự nhưng không được chấp nhận rộng rãi. Họ bị ám ảnh bởi ý tưởng về máy bay chiến đấu một động cơ, nhưng Lực lượng Hàng không -Vũ trụ Nga hầu như không cần loại tiêm kích như vậy.

Giờ đây, MiG-35 hai động cơ là máy bay chiến đấu gần nhất với khái niệm "hạng nhẹ và hạng trung" mà ngành công nghiệp Nga đưa ra. Nhưng RSK MiG muốn phát triển loại tương tự nhẹ hơn Su-57.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nga không thể hiện sự quan tâm rõ ràng đến loại máy bay như vậy. Nhưng theo ông Chemezov, việc xuất khẩu phương tiện chiến đấu trên rất hứa hẹn, vì vậy nó có thể được phát triển cùng với một hoặc nhiều đối tác nước ngoài.

Đồng thời, ông Chemezov cũng không đi vào chi tiết, chỉ nói rằng nếu Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tỏ ra quan tâm đến một chiếc máy bay như vậy, thì nó sẽ phải được nâng cấp theo yêu cầu của quân đội Nga.

Điều này cho thấy Rostec đang tham gia vào một dự án ít phức tạp hơn, được tối ưu hóa cho xuất khẩu, giống như máy bay JF-17 (FC-1) của Trung Quốc - Pakistan, được các nhà báo đặt cho biệt danh là MiG-21 của thế kỷ XXI.

Năm 2017, Bộ trưởng Công Thương Liên bang Nga - ông Denis Manturov đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (một phần của Rostec) phát triển tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ năm với sự hợp tác của các quốc gia khác, mặc dù cấu hình một động cơ không được chỉ ra.

Ứng cử viên khả dĩ nhất cho việc thực hiện dự án "Máy bay tiền tuyến đa chức năng hạng nhẹ" (LMFS) là RAC "MiG". Vào tháng 12/2019, MiG đã đặt hàng nghiên cứu khí động học tại TsAGI (Viện Khí - Thủy - Động lực học trung ương).

Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu họ có muốn thử nghiệm các mẫu thiết kế tiêm kích một động cơ, hai động cơ hay cả hai hay không và điều gì đã xảy ra ở đầu ra.

LMFS ra đời từ năm 1986, khi KB MiG công bố phát triển hai máy bay chiến đấu. LMFS được cho là sẽ thay thế MiG-29, và loại máy bay chiến đấu hạng nặng "Đa chức năng" (MFI) sẽ thay thế Su-27.

Đây là cách chiếc máy bay phản lực xuất hiện với các mã "1.42", "1.44" và "1.46". Sau khi Liên Xô tan rã, mọi công việc bị đình chỉ, và không quân Nga nhanh chóng loại bỏ tất cả các loại MiG-23, MiG-27 và Su-17 một động cơ hiện có.

Vào cuối những năm 1990, dự án LMFS đã được hồi sinh để cạnh tranh với Sukhoi cho dự án PAK FA. Nhưng chiếc MiG đã thua và đang đi vào ngõ cụt.

Do đó, khả năng cao máy bay chiến đấu mà ông Chemezov nói đến là loại LMFS một động cơ. Nó có khả năng thừa hưởng cấu hình cơ bản: cánh hình tam giác lớn với các mặt phẳng mũi gần mép trước của cánh. Kiểu bố trí này nhằm tối ưu hóa khả năng cơ động của máy bay.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ai sẽ mua chiếc máy bay chiến đấu này. Những chiếc MiG-35 được đề xuất vẫn chưa nhận được bất kỳ đơn đặt hàng quan trọng nào.

Ai Cập và Algeria đã chọn MiG-29M/M2, Nga chỉ đặt hàng 6 chiếc MiG-35, có khả năng được sử dụng để tái trang bị cho một đội nhào lộn trên không thay vì triển khai cho các đơn vị tiền phương. Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga dường như vẫn không cần đến các tiêm kích loại này.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-bao-my-nga-be-tac-trong-viec-phat-trien-tiem-kich-mot-dong-co-post452699.antd