Báo Mỹ: Nga muốn xây căn cứ quân sự ở Somali

Nga đang lên kế hoạch lập một căn cứ quân sự tại cảng Berbera, Somali.

New York Times đưa tin, Nga đang tập trung vào việc mở rộng lợi ích ở Châu Phi thông qua việc xây dựng một trung tâm hậu cần Hải quân tại Somali.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân tích động thái của Mát-cơ-va, sự cạnh tranh quyền lực và bày tỏ sự lo ngại với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Châu Phi.

Mỹ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh tương tự đến từ Trung Quốc khi Washington muốn thiết lập các mục tiêu kinh tế và an ninh ở Châu Phi.

Về cơ bản, báo cáo trên của Bộ Quốc phòng Mỹ dựa trên rất ít thực tế, ngoài sự mở rộng ảnh hưởng rất rõ ràng của cả Nga và Trung Quốc ở Châu Phi.

Báo cáo của tạp chí New African vào tháng 12 năm 2018 tuyên bố rằng, Nga đang đàm phán với các nhà lãnh đạo Somali về một căn cứ hải quân để hỗ trợ các tàu chiến và tàu ngầm của Mát-cơ-va hoạt động trong khu vực, tuyến hàng hải vận chuyển hầu hết hàng hóa cho châu Âu.

Được biết, căn cứ hải quân sẽ biên chế 1.500 quân, tàu khu trục, tàu ngầm và sẽ được đặt bên ngoài thành phố Zeila, ở Somali, sát với Djibouti - gần vị trí của căn cứ đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc, nơi đã bắt đầu hoạt động từ năm 2017.

Bài báo cũng nói rằng, Nga đã đề xuất sẽ công nhận Cộng hòa Somali và đảm bảo an ninh bằng cách huấn luyện quân đội Somali để đổi lấy việc được phép xây dựng căn cứ.

Trước đây, Nga đã có từng một căn cứ quân sự ở Somali nhưng Mát-cơ-va đã buộc phải rời đi vì cựu độc tài Siad Barre.

Từ lâu, Nga đã cố gắng củng cố các mối quan hệ với các nước châu Phi từ thời Liên Xô. Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi là một thành công lớn, hàng tỷ USD được ký kết với các thỏa thuận khác nhau từ các dự án kinh tế, cho đến hợp tác quân sự.

Trung Quốc cũng hành động theo cách tương tự, ngoại trừ các thỏa thuận hợp tác quân sự với các nước châu Phi hiếm xảy ra hơn. Bắc Kinh cung cấp các khoản vay dài hạn, và thậm chí đã xóa toàn bộ hoặc một phần nợ cho các nước Châu Phi.

Cả Trung Quốc và Nga đều thường xuyên bị Hoa Kỳ cáo buộc vì muốn khai thác các quốc gia châu Phi. Điều này chẳng có gì khó hiểu khi Mát-cơ-va và Bắc Kinh đang thành công, không như Washington, có ảnh hưởng nhưng đang suy yếu, ít nhất là ở Bắc và Tây Phi.

Như Ý

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bao-my-nga-muon-xay-can-cu-quan-su-o-somali-3396262/