Báo Mỹ nghi ngờ bom chính xác JDAM 'mù'

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa trao cho Boeing hợp đồng 139,8 triệu USD mua thêm hệ thống dẫn đường để tăng độ chính xác cho bom JDAM khi tấn công mục tiêu.

Số tiền trên dùng để mua 12.000 bộ dẫn đường chính xác cho bom JDAM (Joint Direct Attack Munition). Những hệ thống này được thiết kế để gắn ở phần đuôi của quả bom JDAM.

Bộ điều khiển quỹ đạo trên sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) có tác dụng làm tăng độ chính xác cho bom. Theo thiết kế, JDAM sử dụng được trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có khả năng ném bom tự động.

Bom JDAM.

JDAM có thể được ném từ độ cao 8 - 24 km, do đó không đòi hỏi phi công phải hạ thấp máy bay để tìm mục tiêu. Bom cũng cho phép ném từ bất kỳ góc độ nào trong khi máy bay đang lao xuống hoặc bay lên, đang bay thẳng trục hay lệch trục ném bom.

Với độ cao khi khai hỏa có thể đạt được khiến chiến đấu cơ Mỹ và những lực lượng được trang bị an toàn hơn khi bay trong vùng tác chiến của phòng không đối phương.

Việc dẫn hướng của bom được thực hiện khép kín bởi sự kết hợp giữa hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS và hệ dẫn quán tính 3 trục INS (INS là bộ phận phụ dẫn, chỉ có ý nghĩa khi GPS không hoạt động, như khi GPS bị làm nhiễu).

Khả năng này cho phép JDAM chống lại nguy cơ làm nhiễu GPS bằng kỹ thuật cao của đối phương. Vì vậy, JDAM được coi là loại bom thông minh bậc nhất hiện nay của Không quân và Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, tạp chí Business Insider cho rằng, từ tuyên bố đến thực tế chiến đấu là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau bởi liên tiếp chỉ trong chưa đầy 1 tháng hồi cuối năm 2017 và đầu năm 2018, vũ khí này đã tấn công nhầm khiến hàng chục người Afghanistan và lực lượng được Mỹ hậu thuẫn ở Syria thiệt mạng.

Ngoài ra, JDAM cũng là vũ khí tiến hành không kích nhầm hàng chục vụ trong những cuộc không kích của Mỹ và đồng minh tại Iraq trước đó. Sau những vụ tấn công nhầm đáng tiếng, Không quân Mỹ đều thực hiện những cuộc điều tra với nguyên nhân được xác định do bộ điều khiển gắn ở đuôi bom gặp sự cố.

Đây chính là nguyên nhân khiến quả bom đã xác định nhầm vị trí tấn công và thương vong đáng tiếc đã xảy ra. Vì vậy, việc Không quân và Hải quân Mỹ mua thêm hệ thống dẫn đường cho JDAM đơn thuần chỉ nhằm tăng cường số lượng bom mà không mang ý nghĩa cải thiện độ chính xác cho vũ khí này.

Khác với Mỹ, trong phương án biến bom ngu thành bom thông minh của Nga, bộ điều khiển SVP-24 được Nga đặt trên máy bay chứ không phải gắn ở bom như trường hợp của JDAM.

Với đặc điểm này, SVP-24 vượt trội hệ thống JDAM của Mỹ ít nhất về giá thành. Mỗi thiết bị JDAM có giá 25.000 USD, nhưng nó chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất. Còn SVP-24 được cài đặt trên máy bay và nó có thể được sử dụng nhiều lần.

Và trong khi JDAM liên tiếp dính tai tiếng do không kích nhầm thì kể từ khi được Nga mang đến Syria hồi cuối năm 2015, hệ thống SVP-24 đã cho thấy độ chính xác gần như tuyệt đối khi Không quân Nga dùng để không kích vào mục tiêu phiến quân.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-my-nghi-ngo-bom-chinh-xac-jdam-mu-3380074/