Báo Mỹ nhiệt thành ủng hộ Nord Stream 2

NI khẳng định Ukraine đã lợi dụng vị thế là nước trung chuyển chủ đạo để mua khí đốt giá rẻ của Nga trong khi sử dụng châu Âu làm con tin.

Úy lạo tinh thần châu Âu

Trang National Interest (NI) của Mỹ vừa có bài viết phân tích về các tuyến đường ống dẫn khí đốt mới của Nga sang châu Âu, bao gồm Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đi qua biển Baltic và TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) đi qua Biển Đen.

Tờ báo Mỹ đã chỉ ra những lý do chính để phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hai dự án này.

Theo NI, châu Âu không có gì phải lo ngại về Nord Stream 2 hay TurkStream. Ngược lại, các tuyến đường ống này còn giúp tăng cường an ninh năng lượng cho châu Âu mà không hề làm suy giảm sự đoàn kết với các nước Trung Âu cũng như mất đi đòn bẩy trong vấn đề Ukraine.

Chính vì vậy, chính phủ các nước châu Âu được khuyến cáo cần phải công khai ủng hộ các dự án này và chống lại các lệnh trừng phạt “phi pháp” và “sai lầm” của Mỹ.

Bài phân tích trên NI

Bài phân tích trên NI

Tờ báo Mỹ khẳng định châu Âu đã giành thế chủ động về khí đốt trước người Nga thông qua quá trình cải cách thị trường cũng như thực thi luật cạnh tranh.

Nhờ đó, các thị trường khí đốt với tư cách là các quốc gia thành viên riêng lẻ đã dần dần hội nhập vào một thị trường châu Âu thống nhất. Gần như toàn bộ lượng khí đốt của Nga được tiêu thụ ở châu Âu ngày nay buộc phải cạnh tranh với các nguồn cung cấp khác.

Năng lực nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như khí đốt không phải của Nga ở thị trường Tây Âu đã gây ảnh hưởng tới sức ép cạnh tranh của khí đốt Nga khắp nơi, bao gồm cả Trung Âu.

NI cho rằng chính từ khi sự cạnh tranh các nguồn cung khí đốt xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Âu vào đầu những năm 2010, việc định giá theo truyền thống trong các hợp đồng của Gazprom đã trở nên lỗi thời và không thể biện hộ được.

Tập đoàn khí đốt của Nga cũng như Moscow phản đối điều này nhưng buộc phải chịu thua. Ngày nay, Gazprom bán hầu hết khí đốt của mình cho châu Âu với giá “bán buôn”.

Việc châu Âu cơ cấu lại thị trường cũng gây tác động về địa chính trị. Nga vốn quen với các hợp đồng cứng nhắc và song phương với các nhà nhập khẩu lớn ở châu Âu và được xem như yếu tố có thể gây ảnh hưởng về chính trị đối với các nước này.

Thế nhưng, những năm qua Gazprom đã phải thay đổi khi trở thành nhà cung cấp cho một thị trường khí đốt Tây Âu cạnh tranh, rộng lớn và thống nhất. Giá cả đã không còn nằm trong sự kiểm soát của Nga cũng như không còn phụ thuộc vào “danh tính” và “vị trí” của nước khách hàng.

Người Mỹ dùng LNG để trấn an châu Âu

NI cho rằng sau khi bùng nổ nhập khẩu khí đốt ở Bắc Âu, một thứ gì đó tương tự như “Bức màn Sắt” về khí đốt đã được mở rộng từ khu vực biên giới giữa Đức và Ba Lan kéo xuống đến Áo và Slovenia.

Thế nhưng bức màn này đã không còn tồn tại nhờ sự phát triển hạ tầng các tuyến đường ống dẫn, xây dựng các cơ sở nhập khẩu LNG ở Đông Âu, việc điều chỉnh chính sách và thực thi luật cạnh tranh của châu Âu.

Dòng khí đốt từ Pháp, Đức, Bỉ và Italy đến Séc, Slovakia, Hungary, LNG từ thị trường toàn cầu tới Ba Lan và các nước Baltic. Đặc biệt, Ukraine thậm chí đã được đáp ứng 100% nhu cầu khí đốt từ các nước Tây Âu trong suốt 4 năm.

NI cho rằng châu Âu đã giải quyết vấn đề khí đốt với Nga mà không cần đàm phán với Moscow. Thay vào đó, châu Âu chỉ cần thực hiện cải cách thị trường của chính mình. Các hợp đồng cung cấp khí đốt song phương đã là chuyện của quá khứ. Châu Âu hiện nay đang nhập khẩu rất nhiều khí đốt của Nga nhưng lại không phụ thuộc vào Nga.

Chĩa mũi dùi vào Ukraine

Theo các chuyên gia Mỹ, châu Âu có thể vượt qua sự ảnh hưởng về chính trị khi mua khí đốt của Nga với 2 điều kiện. Điều đầu tiên là phải “phá vỡ” mối quan hệ về cung cấp khí đốt giữa Nga với các nước vốn có quan hệ khó khăn.

Điều này đã “hoàn thành” với Ukraine và cả Ba Lan khi Warsaw tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng nhập khẩu khí đốt của Nga hết hạn vào năm 2022. Các quốc gia Baltic dự kiến cũng sẽ làm như vậy.

Điều đó có nghĩa là việc chấm dứt nhập khẩu trực tiếp khí đốt từ Nga tới các nước “chỉ trích mạnh mẽ” ở châu Âu sẽ loại bỏ nguồn gốc căng thẳng trong mối quan hệ khí đốt giữa Nga và châu Âu. Thay vào đó, khí đốt sẽ chảy ngược từ Tây Âu, vốn có quan hệ tốt với Nga hơn, trở lại các nước Đông Âu và bổ sung bằng nguồn LNG.

NI đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố cần thiết thứ hai là các tuyến đường ống chạy qua Baltic và Biển Đen, vòng qua lãnh thổ Ukraine, phải được hoàn tất. Tờ báo Mỹ cho rằng vấn đề trung chuyển khí đốt qua Ukraine vốn mang tính lịch sử từ thời Liên Xô và đây chính là yếu tố gây mất ổn định.

NI khẳng định Ukraine đã lợi dụng vị thế là nước trung chuyển chủ đạo để mua khí đốt giá rẻ của Nga trong khi sử dụng châu Âu làm con tin để thương lượng với Nga.

NI thẳng thừng chỉ trích Ukraine lợi dụng ví thế của mình để kiếm lời

NI viết: “Ukraine đã moi hàng tỷ USD từ trợ cấp khí đốt của Nga nhưng hành vi thiếu thận trọng của Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt cho châu Âu vào tháng 1/2009. Việc loại bỏ Ukraine với tư cách là một nước trung chuyển khí đốt sẽ tốt cho an ninh năng lượng của châu Âu”.

NI nhấn mạnh, việc hoàn thành tuyến đường ống Nord Stream 2 sẽ không làm tổn thương bất kỳ quốc gia thành viên nào của EU. Các nước Trung Âu nằm trên hành lang khí đốt Ukraine như Slovakia, Séc, Áo ở phía Tây và Romania, Bulgaria ở phía Nam cũng sẽ mất đi giá trị trung chuyển.

Thay vì gắn lợi ích tài chính của mình với những tranh cãi về địa chính trị, NI cho rằng các nước này cần phải nhớ rằng họ đã chịu ảnh hưởng tồi tệ như thế nào do chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Ukraine vào năm 2009.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đang khiến việc thi công Nord Stream 2 bị đình trệ

Nord Stream 2 sẽ khiến Ukraine thất thu 3 tỷ USD tiền trung chuyển khí đốt mỗi năm nhưng NI cho rằng các nước phương Tây sẽ tính toán yếu tố này trong chính sách hỗ trợ tài chính dài hạn dành cho Kiev.

Nhưng NI khẳng định trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được bắt nước Nga phải trả giá để duy trì một mối đe dọa đối với xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, điều mà các lệnh trừng phạt của Mỹ đang gây ra.

NI kết luận rằng Nord Stream 2 và TurkStream không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh năng lượng của châu Âu mà ngược lại còn tăng cường điều này. Việc ngăn chặn Nord Stream 2 có thể còn gây ra tác dụng ngược đối với Ukraine, làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về Donbass.

Việc ép buộc Nga phải tham gia vào một thỏa thuận trung chuyển khí đốt dài hạn càng làm gia tăng nguy cơ gây ra sự gián đoạn như năm 2009. Các nước châu Âu cần phải thuyết phục Ukraine rằng việc trung chuyển khí đốt quy mô lớn đã là quá khứ.

Bảo Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-nhiet-thanh-ung-ho-nord-stream-2-3395709/