Báo Mỹ tin TOW mới đủ sức đánh bại T-14 tại Syria

Theo National Interest, với sức mạnh của phiên bản TOW nâng cấp, phiến quân tại Syria có thể đủ khả năng đánh bại chiến tăng T-14 thế hệ mới của Nga.

Báo Mỹ cho biết, quân đội Nga đã điều 3 cỗ tăng T-14 Armata đến Syria để thử nghiệm một số tính năng và tham gia chiến đấu thực tế. Tại đây, những cỗ tăng này đã gặp phải sự công kích mãnh liệt của lực lượng khủng bố với tên lửa chống tăng TOW-2B do Mỹ chế tạo khiến một chiếc T-14 bị hủy diệt hoàn toàn.

Thông tin về việc xe tăng mới của Nga bị phá hủy đã được thông báo từ nhiều ngày trước nhưng đến nay vẫn không có bất kỳ hình ảnh hay video nào để chứng minh điều đó. Mặc dù vậy, báo Mỹ cho rằng, với khả năng tấn công từ phiên bản mới của TOW, mọi cỗ tăng đều đứng trước nguy cơ bị phá hủy.

Theo giải thích, khi tấn công mục tiêu, tên lửa TOW-2A sẽ kích hoạt đầu đạn phụ trợ, tạo ra một phản lực tích lũy và sẽ kích hoạt hệ thống bảo vệ động lực học của xe tăng tiếp đó viên đạn đi sau phụ trách chính việc vượt qua lớp bảo vệ và xuyên thủng vỏ thép của xe tăng. Cách tấn công tương tự như hệ thống RPG-30 của Nga.

Trong khi đó, tên lửa TOW-2B lại sở hữu đòn tấn công mục tiêu từ phía trên, nơi mà vỏ giáp mỏng nhất. Phần chiến đấu của TOW-2B kích nổ theo kiểu va chạm. Với đòn đánh kiểu đột nóc, Mỹ tin rằng TOW-2B đủ sức hạ gục bất kỳ cỗ tăng mạnh nhất nào hiện nay dù đó là T-14 Armata của Nga.

Nguồn tin này cho biết thêm rằng, không rõ bằng cách nào nhưng hiện nay trong kho vũ khí của phiến quân cũng có sự xuất hiện của cả 2 phiên bản TOW-2A và TOW-2B. Không những vậy, các tay súng thánh chiến hiện cũng sở hữu số lượng hạn chế Javelin - dòng tên lửa chống tăng mạnh nhất hiện nay của Mỹ sở hữu đòn tấn công kiểu đột nóc như TOW-2B.

Bất chấp chấp sự tự tin của báo Mỹ, Brig Ben Barry, chuyên gia hàng đầu của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược London (IISS), đạn pháo và vũ khí chống tăng của NATO hiện có hầu như không có tác dụng khi tấn công tăng Armata của Nga. Chiến tăng T-14 Armata được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Afghanit, có thể phá hủy mọi đầu đạn chống tăng hoặc làm chúng không hoạt động.

Radar quang điện của Afghanit gồm bốn anten mảng pha chủ động, cảnh báo các đầu đạn đang bay về phía xe. Thiết bị gây nhiễu sẽ làm rối loạn quỹ đạo tên lửa - tia laser và radar dẫn đường sẽ bị khóa do màn khói.

Brig Ben Barry cho rằng, một hệ thống như vậy là mối đe dọa cho cả một thế hệ súng chống tăng, kể cả tổ hợp tên lửa Javelin của Mỹ. Ông Barry tin rằng các nước NATO chưa có cuộc thảo luận thực sự nghiêm túc về vấn đề này. Vì vậy, đối phó với tăng Armata Nga là việc không thể vào lúc này với phương Tây. (Thùy Dung)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/bao-my-tin-tow-moi-du-suc-danh-bai-t-14-tai-syria-3401703/