Báo Mỹ tự tin: Mùa Đông đang đợi nước Nga

Tác động của các hành động 'phiêu lưu' ở nước ngoài khiến Nga không có vị trí tốt để phản ứng trước các sức ép mới.

Tương lai ảm đạm của Nga trong mắt người Mỹ

Trang theatlantic.com của Mỹ nhận định một mùa Đông đang đợi nước Nga khi “Hiệu ứng Crimea” chắc chắn đã tan biến và sự ủng hộ của người dân Nga sau khi nước này tổ chức World Cup trên thực tế chưa bao giờ trở thành hiện thực.

Theo tờ báo Mỹ, chính trường Nga đang bị chi phối bởi các cuộc cải cách lương hưu gây tranh cãi nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ngân sách phía trước. Sự thay đổi được đề xuất này - theo đó tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi với nam giới, và từ 55 lên 63 tuổi với nữ giới - đã gây ra nhiều ý kiến trong dư luận.

Tại một số khu vực ở nước Nga, tuổi thọ trung bình còn thấp hơn ngưỡng tuổi nghỉ hưu mới. Theo Trung tâm Levada, tổ chức thăm dò dư luận uy tín nhất nước Nga, cải cách này bị 89% người Nga phản đối, trong khi chỉ nhận được 8% ủng hộ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng về vấn đề này khi thể hiện sự không hài lòng với các biện pháp mới. Theo tờ báo Mỹ, phản ứng này là "khác thường" và "không mấy thuyết phục". Thậm chí có thông tin kết quả thăm dò của cơ quan thăm dò dư luận nhà nước VTsIOM cho biết tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin đã giảm xuống 37%.

Theo đánh giá của giới phân tích Mỹ, vấn đề của Tổng thống Putin là ông bị mắc kẹt khi không thể đa dạng hóa nền kinh tế trong thời kỳ thịnh vượng hồi những năm 2000 và chưa tạo dựng được môi trường thuận lợi cho kinh doanh trong nước và đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác được tờ báo Mỹ đề cập là tác động của các hành động “phiêu lưu” ở nước ngoài khiến Nga không có vị trí tốt để phản ứng trước các sức ép mới.

Chính phủ Nga đang đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, trong đó có việc đưa ra một số nhượng bộ trong vấn đề lương hưu. Tuy nhiên, việc nhượng bộ quá mức sẽ gây hậu quả tài chính nghiêm trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu Nga có tiếp tục cắt giảm chi tiêu quốc phòng hơn nữa hay cắt giảm tiền trợ cấp cho các khu vực? Liệu Chính phủ Nga có tiến hành các biện pháp đánh thuế các doanh nghiệp lớn? Theo tờ báo Mỹ, Nga không hề có “khoản ngân sách dư dật” nào và sự tìm kiếm "tuyệt vọng" các giải pháp chỉ gây chia rẽ.

Nga đang "phiêu lưu" ở nước ngoài?

Giữa lúc Nga được cho là đang gặp khó khăn, người Mỹ nghĩ rằng đây dường như là thời điểm thích hợp để gây sức ép buộc Moscow "thay đổi hành vi". Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 21/8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ A. Wess Mitchell đã xác định mục tiêu chính sách của Mỹ với Nga là “hạ thấp khả năng tiến hành xâm lược" của Nga bằng cách gây tổn hại cho nhà nước Nga.

Tương tự, Marshall Billingslea - Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ- nói rằng cơ quan của ông đã “được trao quyền ủy nhiệm để chống lại sự xâm lược của Nga ở mọi lúc, mọi nơi” thông qua các lệnh trừng phạt.

Đạo luật “Bảo vệ An ninh Mỹ khỏi sự Xâm lược của Kremlin”, đang chờ được thảo luận tại Thượng viện, sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt mới “cứng rắn” nhằm vào các khoản đầu tư vào các dự án năng lượng, ngân hàng và nợ công của Nga.

Theo lập luận của người Mỹ, việc gia tăng sức ép với nền kinh tế đồng nghĩa với việc gây khó khăn hơn cho người Nga và các đồng minh của Tổng thống Putin. Sự khó khăn này có thể buộc Tổng thống Putin phải kiềm chế chiến lược địa chính trị nhằm khẳng định vai trò cường quốc của Nga.

Cái giá mà Nga phải trả được người Mỹ nhìn nhận là "quá cao" bởi Nga cần đầu tư, vốn và công nghệ của phương Tây. Tuy nhiên, nếu Nga không lùi bước, sức ép sẽ gia tăng hơn nữa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-tu-tin-mua-dong-dang-doi-nuoc-nga-3364380/