Báo Mỹ: Xung đột Nagorno-Karabakh và 'quy tắc sử dụng vũ lực' của TT Nga Putin?

Unz.com cho rằng Tổng thống Nga Putin có những 'quy tắc sử dụng vũ lực' và đã áp dụng nó trong xung đột Nagorno-Karabakh.

Mới đây, trang Unz.com đăng tải bài phân tích nhan đề: "Understanding the Outcome of the War for Nagorno-Karabakh" (tạm dịch: Tìm hiểu kết quả của Chiến tranh Nagorno-Karabakh) của nhà phân tích Andrei Raevsky với bút danh "The Saker".

Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều (Unz.com là trang tin - phân tích độc lập của Mỹ) về tình hình hiện tại sau xung đột ở Nagorno-Karabakh, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

"Quá nhiều điều đã xảy ra trong 48 giờ qua"

Thật vậy, rất nhiều điều đã xảy ra rất nhanh trong hai ngày qua liên quan tới cuộc xung đột Nagorno-Karabakh và tôi (Andrei Raevsky/"The Saker") sẽ bắt đầu bài phân tích này bằng một số gạch đầu dòng tóm tắt những gì vừa xảy ra:

- Cuộc chiến vừa kết thúc là một cuộc "tắm máu" thực sự. Thương vong (tính cả hai phía Armenia và Azerbaijan) là hơn cả những gì Hồng quân Liên Xô đã phải gánh chịu trong 10 năm tham chiến ở Afghanistan (1979-1989).

- Xung đột đã chấm dứt, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai dọc chiến tuyến. Cho đến nay, không phía nào dám tiếp tục hành động thù địch.

- Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ được cấu thành từ các đơn vị con của Lữ đoàn súng trường cơ giới độc lập số 15, đơn vị trực thuộc Lực lượng vũ trang liên hợp cận vệ số 2 của Quân khu trung tâm. Nó sẽ bao gồm khoảng 2000 binh sĩ vũ trang, xe bọc thép và các phương tiện chuyên dụng, , máy bay không người lái và hệ thống phòng không.

- Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ ở lại khu vực này không dưới 5 năm. Nga sẽ kiểm soát cả 2 tuyến đường chiến lược là Hành lang Lachin (nối Armenia và Nagorno-Karabakh) và hành lang Nakhichevan (nối khu vực tự trị này với phần còn lại của Azerbaijan).

Hình minh họa (Nguồn: Yeni Safak).

Hình minh họa (Nguồn: Yeni Safak).

- Người Azerbaijan đã có hai ngày ăn mừng ở Baku, nơi Tổng thống nước này Aliev tuyên bố rằng cuộc chiến là một chiến thắng và rằng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian đã "tay trắng". Và điều này là chính xác.

- Người Azerbaijan hiện đang tuyên bố rằng họ muốn phía Armenia bồi thường.

- Hiện có các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Azerbaijan. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập một ủy ban chung để phối hợp hành động.

- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã khẳng định rằng ông muốn Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng người đồng cấp Nga Putin đã dứt khoát từ chối yêu cầu này.

Azerbaijan có quyền mời các lực lượng nước ngoài triển khai trên lãnh thổ của mình, nhưng những lực lượng này sẽ không có tư cách và quyền của một lực lượng gìn giữ hòa bình.

- Bất ổn nổ ra ở Yerevan, thủ đô Armenia. Các đảng đối lập Armenia đã tuyên bố rằng họ muốn thành lập một ủy ban cứu quốc và Thủ tướng Pashinian phải từ chức. Hiện vẫn chưa rõ ông Pashinian đang ở đâu, nhưng dường như vị thủ tướng này vẫn đang ở đâu đó trong Armenia.

Hình minh họa (Nguồn: Yeni Safak).

Ai thắng ai?

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào vị thế của các bên khi kết thúc cuộc chiến này và so sánh chúng.

Armenia: Không còn nghi ngờ gì nữa, Armenia là bên thua thiệt nhất trong cuộc chiến này. Tất cả bắt đầu từ việc Thủ tướng Pashinian loại bỏ gần như hoàn toàn sự tham gia của người Armenia trong CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể).

Ông cũng chấm dứt hợp tác với Nga (kể cả trong lĩnh vực tình báo và an ninh), và thanh trừng lực lượng quân đội và an ninh Armenia, loại bỏ các nhân tố được cho là "thân Nga".

Ngược lại, Armenia có một đại sứ quán Mỹ khổng lồ với khoảng 2.000 nhân viên (trớ trêu thay lại tương đương với toàn bộ lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai ở Karabakh).

Và khi bị phía Azerbaijan tấn công, ông Pashinin đã từ chối yêu cầu người Nga giúp đỡ trong cả tháng. Thay vào đó, ông đã "cầu viện" ông Trump, bà Merkel và ông Macron.

Xét đến cùng, người Armenia hoàn toàn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các điều khoản được phía Azerbaijan đưa ra.

Họ đã phải chịu những tổn thất to lớn trong khi đối thủ chiếm được Shushi, đô thị chiến lược quan trọng khống chế cả thủ phủ Stepanakert lẫn Hành lang Lachin.

Nếu ông Pashinian không lựa chọn ký kết thỏa thuận hôm 10/11, những người Armenia bị bao vây ở Nagorno-Karabakh sẽ bị tàn sát bởi quân Azerbaijan (trong cuộc chiến này, cả 2 phía đều cho thấy họ không giữ tù binh).

Các nhà phân tích Nga cũng nhận định rằng phía Armenia lâm vào đường cùng chỉ đơn giản là bởi vì hết nguồn dự trữ chiến tranh rất nhanh (một sự thật cũng được chính ông Pashinian đề cập). Nói một cách đơn giản, kế hoạch của Tổng thống Azerbaijan Aliev đã thành công.

Chính sự kiêu ngạo mù quáng của các nhà lãnh đạo Armenia, cùng với các chính sách tự sát của họ đã gần như khiến Armenia mất hoàn toàn Karabakh và thậm chí có thể là sự tồn tại của đất nước họ.

Với việc loại bỏ tất cả các sĩ quan giỏi nhất (bao gồm cả những anh hùng từ cuộc chiến tranh Karabakh đầu tiên mà Armenia đã thắng), những gì còn lại là những kẻ ảo tưởng rằng không cần bất kỳ sự trợ giúp nào (bao gồm Nga), họ có thể giành chiến thắng và tiến đến tận Baku.

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Armenia David Tonoyan và Trung tướng Rustam Muradov, Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hôm 11/11.

Thổ Nhĩ Kỳ: Đáng ngạc nhiên, kẻ thua cuộc lớn tiếp theo trong cuộc chiến này là Thổ Nhĩ Kỳ,. Tham vọng đưa tất cả các quốc gia có liên hệ với người Thổ nằm dưới một đế chế tân Ottoman đã sụp đổ.

Ankara đã tham gia vào các cuộc xung đột và đối đầu với Syria, Israel, Iraq, Hy Lạp, Libya, Iran, Nga và thậm chí (ở một mức độ nào đó) ngay cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên vì mục tiêu này.

Các cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria, Libya và bây giờ là Azerbaijan để phủ nhận vị thế mà Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn.

Chúng ta bắt đầu nhận ra một sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ nguồn lực để cố gắng xây dựng một đế chế như vậy - chỉ đơn giản là việc đồng thời mở ra các cuộc xung đột trên nhiều mặt trận là một công thức dẫn đến thảm họa.

Hình minh họa cho bài viết "Erdogan, Putin thảo luận về Thượng Karabakh, Syria" được đăng tải trên tờ Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/11.

Cũng không thể loại trừ giả thuyết là chính người Thổ đã bắn hạ chiếc Mi-24 của Nga ngay bên trong không phận của Armenia với mục tiêu buộc Nga ngừng tìm kiếm một giải pháp hòa bình và trở thành một bên tham chiến.

Nhưng rất may là những kỹ năng chiến lược tuyệt vời của Tổng thống Azerbaijan Aliev đã giúp ông hành động vô cùng thông minh, đó là nhận lỗi và rằng đây là một "sai lầm bi thảm" và cam kết sẽ đền bù thiệt hại,

Quyết định nhận lỗi của ông Aliev có lẽ được đưa ra sau khi ông và ông Putin có cái mà các nhà ngoại giao gọi là "trao đổi quan điểm thẳng thắn".

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở Azerbaijan có thể là vấn đề lớn. Nhưng cần nhìn nhận thẳng thắng rằng hai nước có quan hệ gần gũi và không thể ngăn cản việc người Azerbaijan mời Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) vào nước này một cách hợp pháp.

Vấn đề là những gì lực lượng này có thể và không thể làm. Mặc dù không nên loại bỏ những viễn cảnh nguy hiểm, nhưng lực lượng này sẽ không thể làm gì hơn là theo dõi tình hình và phối hợp với người Nga các phía tham chiến tránh xa nhau.

Nhưng những gì các lực lượng này cũng sẽ không thể làm là tấn công, hoặc thậm chí đe dọa tấn công các lực lượng Armenia và Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan, ông Zakir Hasanov và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hulusi Akar trong cuộc họp tại BQP Azerbaijan hôm 11/11 (Nguồn: Quân đội Azerbaijan).

Nga: Là kẻ chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến này.

Đầu tiên, Nga hiện đã tự khẳng định mình là cường quốc duy nhất có thể mang lại hòa bình ở Kavkaz (Caucasus).

2000 nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Yerevan hoàn toàn không làm gì trong nhiều năm để thực sự giúp Armenia nhưng lượng binh sĩ Nga tương tự đã mang lại hòa bình chỉ sau một đêm.

Ở đây chúng tôi phải giải thích một chút về các đơn vị Quân đội Nga được gửi đến Azerbaijan, Lữ đoàn súng trường cơ giới độc lập số 15 (15IMRB). 15IMRB không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình theo định nghĩa phương Tây.

Đây là lực lượng tinh nhuệ chuyên thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình ("cưỡng chế hòa bình" theo thuật ngữ tiếng Nga).

100% nhân sự của lực lượng này là các "chuyên gia", hầu hết đều có nhiều kinh nghiệm chiến đấu họ đã tham gia Chiến tranh Nam Ossetia 2008 và ở Syria.

Đây là lực lượng hàng đầu, được đào tạo bài bản, được trang bị tuyệt vời, và ngoài khả năng của họ, hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của lực lượng Nga đóng tại Armenia và toàn bộ Quân đội Nga.

Khu vực triển khai 16 cứ điểm của lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh (Nguồn: RIA Novosti/BQP Nga).

Những người nói rằng lực lượng này là một nhóm lính gìn giữ hòa bình được vũ trang nhẹ đơn giản là không hiểu rõ những vấn đề nêu trên.

Đơn vị này hoạt động theo khái niệm "vùng đệm" cách biên giới Nga dưới 1.000 km mà Quân đội Nga muốn có khả năng kiểm soát nếu chiến tranh nổ ra.

Cần nhấn mạnh rằng Quân đội Nga không được tổ chức theo cách của Mỹ, tức là học thuyết quân sự của Nga là phòng thủ.

Học thuyết phòng thủ này đồng nghĩa với việc triển khai rất nhanh các lực lượng cơ giới ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao ở bất kỳ đâu bên trong nước Nga và trong khoảng 1.000km tính từ biên giới Nga và có khả năng tiêu diệt bất kỳ lực lượng nào tiến vào khu vực này.

Nga cũng dựa vào các hệ thống vũ khí tiên tiến, có khả năng hỗ trợ hỏa lực mạnh để bảo vệ các lực lượng tinh nhuệ đã triển khai của mình. Nói cách khác, 15IMRB chỉ là đơn vị cấp lữ đoàn được huấn luyện để giữ vững một vị trí cho đến khi quân tiếp viện được triển khai từ Nga.

Trở lại với vụ bắn rơi một chiếc Mi-24 của Nga, hành động này sẽ không bị bỏ qua hay bị lãng quên. Việc Ông Putin không hành động trả đũa ngay lập tức giống như người Mỹ sẽ làm không có nghĩa là người Nga không quan tâm, đã quên hay sợ hãi.

Có một câu tục ngữ Do Thái nói rằng "sống tốt là cách trả thù tốt nhất ". Chúng tôi sẽ diễn giải nó bằng một phương châm của ông Putin có thể là "một kết quả có lợi là sự trả đũa tốt nhất". Đây là những gì chúng ta đã thấy ở Syria và đây là những gì sẽ xảy ra ở Azerbaijan.

Một thành quả "ngọt ngào" khác đối với Nga là giờ đây có thể thành thật tuyên bố rằng các cuộc "cách mạng màu" chắc chắn dẫn đến tổn thất lãnh thổ và hỗn loạn chính trị.

Việc Lực lượng Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) kiểm soát 2 hành lang chiến lược giữa Azerbaijan và tỉnh Nakhichevan và hành lang giữa Armenia và Nagorno-Karabakh là một chiến thắng hoàn toàn

Xin đừng nghĩ Lực lượng Biên phòng của FSB là các quan chức hải quan. Họ là các đơn vị hạng nhẹ, cơ động và tinh nhuệ có thể sánh với Lực lượng Đổ bộ Đường không Nga (VDV).

Một trạm kiểm soát được lực lượng Nga triển khai tại Hành lang Lachin nối Armenia và Nagorno-Karabakh.

Điều đó có nghĩa là về mặt chiến lược là hiện nay Nga đã nắm chắc "huyết mạch" đối với cả Azerbaijan và Armenia. Không bên nào bình luận nhiều về điều này, nhưng những người trong cuộc đều nhận ra áp lực mà ông Putin vừa thêm vào Nam Kavkaz.

Những hành lang này cũng đồng thời là những "con dao găm chiến lược" mà bàn tay của người Nga chĩa vào các cơ quan trọng yếu của cả hai quốc gia.

"Dàn đồng ca" căm ghét ông Putin với câu hát "người Nga mất kiểm soát ở khu vực lân cận" giờ đây đang phải xấu hổ vì sự thiếu hiểu biết - khi trên thực tế ông Putin đã đảm bảo một chiến thắng về chiến lược cho nước Nga với cái giá phải trả là 1 trực thăng và 3 binh sĩ thương vong.

Từ bây giờ, Nga sẽ có lực lượng quân sự thường trực ở cả Armenia và Azerbaijan. Gruzia đã bị vô hiệu hóa một cách hiệu quả. Vùng Kavkaz thuộc Nga sẽ yên bình và thịnh vượng, Biển Đen và Caspi trên thực tế đã trở thành "ao nhà" của người Nga.

Kết luận

Cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh giờ đã "đóng băng" và giống như ở Syria, sẽ vẫn có những cuộc đụng độ và đổ máu.

Tuy nhiên, cũng giống như ở Syria, ông Putin cho thấy rằng ông luôn thích một chiến lược hành động yên lặng với tổn thất tối thiểu hơn một chiến lược với nhiều mối đe dọa, đòn trả đũa lớn và ngay lập tức.

Đây được gọi là "quy tắc sử dụng vũ lực của Putin" đó là "không bao giờ sử dụng vũ lực khi được mong đợi, luôn sử dụng vũ lực khi ít được mong đợi nhất và luôn sử dụng vũ lực theo cách mà kẻ thù của bạn không dự tính".

Tuy nhiên, chúng ta đừng vội nhìn vấn đề qua con mắt "màu hồng". Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đang rất tức giận và họ vẫn muốn đóng một vai trò nào đó.

Một bài viết trên Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ với tiêu đề: "Thổ Nhĩ Kỳ, Nga phối hợp giám sát thỏa thuận hòa bình ở Karabakh".

Unz.com được đặt tên theo Tổng biên tập Ron Unz và có trụ sở tại Palo Alto, CA, Hoa Kỳ. Unz.com tự nhận mình trang tin bổ sung kiến thức cho người Mỹ về thế giới, cung cấp những quan điểm thường bị truyền thông Phương Tây bỏ qua.

The Saker là bút danh của Andrei Raevsky, nhà phân tích gốc Nga sống ở Florida. Trước khi di cư tới Mỹ, ông đã có quốc tịch Thụy Sĩ.

Andrei Raevsky đã từng làm việc cho Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế và sau đó là nhà phân tích quân sự của Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hiệp Quốc (UNIDIR) có trụ sở tại Geneva.

Hoài Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bao-my-xung-dot-nagorno-karabakh-va-quy-tac-su-dung-vu-luc-cua-tt-nga-putin-82020121112530522.htm