Báo Nga bình luận Việt Nam tích hợp 'KCT-15' cho tàu Pohang

Hình ảnh tàu hộ vệ Pohang số hiệu 20 của Việt Nam mang các ống phóng tên lửa hành trình chống hạm đã được trang bmpd của Nga đặc biệt quan tâm.

Theo trang bmpd của Nga, Hải quân Việt Nam đã cài đặt phiên bản riêng của tổ hợp tên lửa hành trình chống hạm 3M24E (Kh-35) Uran-E của Nga trên một tàu hộ tống kiểu Pohang (RCC 765 Yeosu cũ) mà họ nhận được vào cuối năm 2018 dưới dạng viện trợ quân sự của Hải quân Hàn Quốc.

Như các báo cáo trước đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển tên lửa cho riêng mình dựa trên nguyên mẫu 3M-24 Uran của Nga (NATO goi bằng tên định danh SS-N-25 Switchblade).

Quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình này chính là Triều Tiên, trước đây họ đã cho thấy hình ảnh phóng thử nghiệm của một tên lửa hành trình chống hạm có bề ngoài trông rất giống loại 3M-24 Uran của Nga.

Các ống phóng tên lửa hành trình chống hạm được tích hợp trên Tàu 20 lớp Pohang

Các ống phóng tên lửa hành trình chống hạm được tích hợp trên Tàu 20 lớp Pohang

Về chương trình của Việt Nam, trái ngược với Triều Tiên, thông tin về vũ khí này có vẻ nhiều hơn một chút. Phiên bản địa phương được chỉ định mang tên định danh KCT 15 và là kết quả của việc chuyển giao công nghệ từ Nga.

Bản chất của chương trình vẫn chưa rõ ràng, vẫn còn phải xem liệu Việt Nam sẽ tổ chức sản xuất hoàn toàn chu kỳ hay chỉ là một tổ hợp lắp ráp theo dạng IKD từ các thành phần linh kiện nhập khẩu của Nga.

Hà Nội và Moskva đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc sản xuất tên lửa 3M-24 vào các năm 2011 - 2012. Tên lửa được phát triển tại Trung tâm nghiên cứu và sản xuất nhà nước Zvezd a- Strela, trên cơ sở Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) được thành lập.

Tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang trong tay Hải quân Việt Nam đã trở thành một chiếc corvette đa năng cực kỳ lợi hại

Ban đầu, việc mua sắm các tổ hợp 3M-24 được thực hiện với mục đích tăng cường tiềm năng chống tàu của lực lượng Hải quân Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á này đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí phục vụ tác chiến trên biển.

Việc sản xuất tại địa chỗ phiên bản 3M-24 của riêng mình sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam và đơn giản hóa việc đảm bảo hậu cần, kỹ thuật. Ngoài ra tác dụng khác là chi phí đơn vị cũng có thể được tiết giảm.

Tên lửa KCT 15 của Việt Nam lần đầu tiên được giới thiệu trước công chúng vào cuối năm 2015 như là một phần của cuộc triển lãm quân sự. Một bệ phóng đôi kiểu KT-184 cũng được giới thiệu bên cạnh tên lửa.

Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có thông tin để khẳng định ống phóng lắp đặt trên Tàu 20 lớp Pohang của Việt Nam là loại KCT 15 nội địa hay vẫn là 3M-24 Uran-E nhập khẩu từ Nga.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/bao-nga-binh-luan-viet-nam-tich-hop-kct-15-cho-tau-pohang-3390922/